Giám sát chặt chẽ việc thực hiện lời hứa
Chính trị - Ngày đăng : 06:42, 08/03/2016
Giảm thời gian đọc báo cáo
Chỉ đọc báo cáo tóm tắt để dành nhiều thời gian cho thảo luận, CVTLCV các vấn đề cử tri quan tâm là nét mới căn bản trong các kỳ họp gần đây của HĐND TP Hà Nội. Để các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện KSND ngắn gọn, sát thực, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo các ban phối hợp với các cơ quan chuyên môn ngay từ quá trình chuẩn bị báo cáo; tổ chức hoạt động thẩm tra khách quan, đúng luật, đúng thẩm quyền và rõ quan điểm. Chính vì vậy, các báo cáo trình tại kỳ họp vừa cô đọng, vừa bám sát các quy định của pháp luật, văn bản của cấp trên, phù hợp với nghị quyết của cấp ủy cùng cấp và tình hình thực tế địa phương.
Đại biểu chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam |
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, từ năm 2012 đến nay, kỳ họp của HĐND thành phố có sự khác biệt so với trước. Báo cáo kết quả của các ngành và UBND thành phố ngắn gọn, dành thời gian cho hoạt động chất vấn - giám sát trực tiếp tại kỳ họp. Nội dung chất vấn được tổng hợp từ các đề xuất của đại biểu, thông qua hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri mà các tổ đại biểu, các ban HĐND đề xuất hoặc được lựa chọn từ những vấn đề dân sinh bức xúc, vấn đề đang được dư luận quan tâm. Trên cơ sở câu hỏi chất vấn của các tổ đại biểu và các ban, Thường trực HĐND thành phố tổng hợp chuyển đến UBND thành phố để trả lời. Với cách thức tiến hành, điều hành phiên chất vấn theo nhóm vấn đề, có phóng sự truyền hình minh họa, đã giúp cho đại biểu nhìn rõ toàn cảnh nội dung chất vấn, từ đó xem xét, có ý kiến và có quyết sách đúng đắn.
Đáng lưu ý, các phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố đều được truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi cùng giám sát, tái giám sát. Nhiều vấn đề được chất vấn, làm rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục được cử tri đồng tình như: Thiếu trường lớp tại các khu vực dân cư; lấn chiếm đất đai; nhà siêu mỏng, siêu méo; quy hoạch, xây dựng các công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí; cấp nước sạch...
Sau các kỳ họp, các vấn đề chất vấn đã được UBND TP Hà Nội tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục tạo chuyển biến tích cực. Riêng về nhóm vấn đề môi trường, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá hiệu quả của các trạm xử lý nước thải đang hoạt động; rà soát quy hoạch các cụm công nghiệp để bố trí đất xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung; đẩy nhanh việc xây dựng và đưa vào vận hành các trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp đã có quy hoạch. Hay như nhóm vấn đề quản lý đô thị, nhà siêu mỏng, siêu méo được các đại biểu chất vấn ở các kỳ họp thứ 13 và 14 của HĐND thành phố, sau đó UBND thành phố đã chỉ đạo giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo trên tuyến phố Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu về hợp thửa, hợp khối; thu hồi đối với trường hợp nhà không đủ điều kiện để chỉnh trang đô thị.
Cử tri Cáp Trung Hóa (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức) cho biết: "Qua theo dõi phiên CVTLCV các kỳ họp của HĐND thành phố, tôi rất hài lòng về phần chất vấn của đại biểu. Dù nhiều nội dung mới chỉ là giải pháp chỉ đạo rà soát, nhưng đó cũng là sự chuyển động của cơ quan nhà nước về những vấn đề cử tri bức xúc, phản ánh".
"Đeo bám" những nội dung chất vấn
Không chỉ quan tâm đến chất vấn tại nghị trường, Thường trực HĐND thành phố còn quan tâm đến vấn đề "hậu" chất vấn. Thường trực HĐND đã nghiên cứu, có cơ chế bảo đảm mỗi kết luận của phiên chất vấn đều có người chịu trách nhiệm cụ thể, phân công lãnh đạo các ban và Văn phòng HĐND theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận theo đúng yêu cầu về tiến độ. Kết thúc mỗi phiên chất vấn, chủ tọa kỳ họp đều có kết luận cụ thể đối với từng nội dung và việc thực hiện kết luận của phiên chất vấn kỳ này sẽ được xem xét ở đầu phiên chất vấn của kỳ sau. Đặc biệt, Thường trực HĐND TP Hà Nội luôn thống nhất quan điểm "chỉ chuyển sang vấn đề mới khi đã giải quyết xong vấn đề cũ", do đó việc "đeo bám" vấn đề đã góp phần giải quyết triệt để những việc cử tri quan tâm, xã hội bức xúc.
Dù vậy, thời gian 1 ngày dành cho hoạt động CVTLCV ở các kỳ họp HĐND thành phố hiện nay vẫn là ít so với mong mỏi của cử tri. Kỹ năng chất vấn của đại biểu và sự tham gia chất vấn của đại biểu vẫn chưa thực sự sôi động, đồng đều, mới đa phần ở đại biểu chuyên trách. Để hoạt động chất vấn có hiệu quả, trước hết phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu dân cử, đòi hỏi các vị đại biểu HĐND phải am hiểu, có bản lĩnh, dám hỏi, dám "truy vấn" đến cùng. Khi chất vấn, người đại biểu phải có bằng chứng xác thực, tránh hỏi "cho biết" hoặc hỏi "cho có". Sau trả lời chất vấn, cần giám sát chặt chẽ "lời hứa" thì chất vấn mới thực sự có hiệu quả.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt: Còn tâm lý nể nang, ngại va chạm Một trong những hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động CVTLCV hiện nay là tâm lý nể nang, ngại va chạm của một số đại biểu HĐND. Các đại biểu khi chất vấn thường "né" những vấn đề nhạy cảm, mặc dù đó là vấn đề bức xúc, nổi cộm cần làm rõ. Do đó, người trả lời chất vấn cũng chỉ hứa hẹn về các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành, đơn vị mình. Bởi thế, vấn đề "hậu" chất vấn được HĐND thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng nhằm giải quyết tận gốc những vấn đề đã nêu ra tại kỳ họp. |