Bông hồng của lực lượng cảnh vệ
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:40, 08/03/2016
Đại úy Đỗ Thị Anh Cúc tại phòng thí nghiệm. |
Mảng ký ức đẹp như mơ của ông đã nuôi dưỡng trong em niềm tự hào, ước mong được trở thành một chiến sĩ cảnh vệ giống bố mình". Thượng úy Đặng Hồng Nhung, sinh năm 1987 (con gái lớn của Thượng tá Đặng Quốc Trung, sĩ quan bảo vệ tiếp cận kỳ cựu của lực lượng cảnh vệ) đã tâm sự rất chân thành như thế!
Cha truyền, con nối
Giống nhiều bóng hồng trong lực lượng cảnh vệ, Thượng úy Đặng Hồng Nhung, Phòng Bảo vệ khách quốc tế, Mitting, Hội nghị (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an) có vẻ đẹp đằm thắm cùng phong thái chỉn chu, cương nghị, điều không dễ gặp ở những người cùng trang lứa. Nhung kể: "Ngày nhỏ, dù không được gặp bố thường xuyên nhưng mấy chị em đều hiểu, ông đang làm một công việc quan trọng, âm thầm nhưng rất đỗi vinh dự. Mỗi lần ông về, cả nhà lại quây quần nghe ông kể về những chuyến đi với niềm tự hào toát lên trong ánh mắt, giọng nói, cử chỉ... Điều này in sâu trong ký ức em, truyền cảm hứng cho em quyết tâm phấn đấu không ngừng để trở thành một người lính cảnh vệ".
Những tâm sự giản dị của Thượng úy Đặng Hồng Nhung chắp nối dòng ký ức không đủ để hình dung những nỗ lực không mệt mỏi của cô cùng những nữ chiến sĩ cảnh vệ. Đại tá Nguyễn Văn Tiệc - Trưởng phòng Bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, cho chúng tôi cái nhìn rõ hơn về công việc của những cô gái này: "Do đặc thù nghề nghiệp với những yêu cầu khắt khe về thể lực nên sự có mặt của phụ nữ trong lực lượng cảnh vệ rất hiếm.
Người làm công tác bảo vệ tiếp cận như Thượng úy Đặng Hồng Nhung lại càng hiếm hơn bởi cần hội tụ trí thông minh, khả năng quan sát tinh tường, nhanh nhạy; tinh thông võ thuật, sử dụng thành thạo vũ khí, ngoại ngữ; có phông văn hóa rộng, am hiểu chính sách ngoại giao của Đảng, Nhà nước và có thần thái đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam… Để bám trụ công tác, những người làm công tác bảo vệ tiếp cận nói riêng, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ nói chung còn liên tục phải trải qua các đợt huấn luyện, sát hạch gian khổ hằng quý, hằng năm với một mức thành tích duy nhất được tính, có nghĩa là không có sự nương nhẹ cho nữ giới".
Nói về những tháng ngày "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" trên sàn tập, Đặng Hồng Nhung cười: "Em có bí quyết riêng để vượt qua chị ạ! Mỗi lần mệt mỏi, đau nhức, em đều nghĩ, bố cũng đã từng trải qua điều này, để cố gắng hơn". Sự tin tưởng, hài lòng của những vị khách quốc tế cũng là động lực giúp nữ sĩ quan tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ này thêm yêu công việc. Là nữ giới, Đặng Hồng Nhung thường được phân công hộ tống, bảo vệ các nữ nguyên thủ, phu nhân các nguyên thủ khi sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Ngoài những cuộc đón tiếp chính thức, các quý bà còn có hoạt động riêng, nhiều khi nằm ngoài chương trình, khiến phương án bảo vệ phải liên tục thay đổi.
Tác phong chuyên nghiệp, sự tận tụy của nữ cảnh vệ Việt Nam tạo sự tin tưởng tuyệt đối cho các vị khách quốc tế. Nhung nhớ lại: "Nhiệm vụ gần đây nhất của em là bảo vệ phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bên cạnh phu nhân lúc nào cũng có một đội an ninh được trang bị đầy đủ như lực lượng bảo vệ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, ngay sau hoạt động đầu tiên, chứng kiến tác phong chính quy, chuyên nghiệp, cẩn trọng, chu đáo của cảnh vệ Việt Nam, phu nhân đã đặt niềm tin hoàn toàn, chỉ cần một mình em làm nhiệm vụ tiếp cận cho những hoạt động tiếp theo của bà. Khi ngồi trên xe ô tô, phu nhân nói: "Bạn có thể hướng dẫn cho tôi cách nói cảm ơn đồng chí bằng tiếng Việt không?". Sau đó, mỗi hoạt động, bà đều nói câu này để thể hiện sự hài lòng. Tại chân cầu thang máy bay, khi chia tay bà nói với em: "Cảm ơn đồng chí, đồng chí đã làm rất tốt công việc của mình". Những lời cảm ơn đó luôn là động lực để em tiếp tục say mê công việc và không ngừng nỗ lực để xứng đáng hơn với trọng trách của mình".
Viết tiếp hành trình
Cùng với Thượng úy Đặng Hồng Nhung, Đại úy Đỗ Thị Anh Cúc (Đội trưởng Đội Kỹ thuật Kiểm nghiệm độc chất - Phòng Kỹ thuật bảo vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an) cũng đang viết tiếp hành trình của cha mẹ mình. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa với tấm bằng loại khá, không khó để kiếm một công việc có thu nhập cao, song với ước mơ từ thuở thiếu thời, cô tha thiết xin về nơi bố mẹ mình đã cả đời cống hiến. Gặp Đỗ Thị Anh Cúc tại phòng thí nghiệm giữa vô vàn máy móc, chai lọ và mùi hóa chất nồng nặc, tôi nghe cô kể chuyện đời, chuyện nghề, những buồn vui, gian khó của một người phụ nữ làm công tác bảo vệ bằng việc ứng dụng những thành tựu khoa học.
Đỗ Thị Anh Cúc chia sẻ: "Nhiệm vụ của đội mình là ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, sử dụng các thiết bị kỹ thuật để kiểm tra, phát hiện, xử lý các chất độc hại trong đồ ăn, thức uống. Công việc hằng ngày là lấy mẫu thực phẩm để phân tích dinh dưỡng cũng như loại trừ các chất gây hại. Ngoài ra, khi lãnh đạo cấp cao đi công tác sẽ có cán bộ của đơn vị tháp tùng làm công tác an ninh cũng như kiểm nghiệm thực phẩm. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, yêu cầu bắt buộc cho mỗi người là tham gia đầy đủ các khóa huấn luyện với các môn cơ bản như bắn súng, võ thuật, điều lệnh...".
Với nhiệm vụ của một chiến sĩ cảnh vệ, khi lên đường tháp tùng lãnh đạo, mỗi người đều phải mang theo thiết bị phân tích cơ động rất nặng, chưa kể còn sẵn sàng tham gia hỗ trợ đồng nghiệp làm công tác tiếp cận trong những trường hợp cần thiết. Nhiều chuyến đi dài ngày, đến những vùng cao hẻo lánh, hay những lần liên tục bám trụ các điểm tổ chức tiệc, kiểm nghiệm độc chất… việc bảo đảm thể lực cho mình càng trở nên cần thiết. Ý thức được điều này, ngoài việc thường xuyên cập nhật thông tin nâng cao nghiệp vụ, Đỗ Thị Anh Cúc còn rất nỗ lực trong các kỳ huấn luyện. Và cô là một trong bốn nữ xạ thủ xuất sắc của đội tuyển bắn súng Bộ Công an với thành tích 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc đồng đội tại Hội khỏe Vì an ninh Tổ quốc 2015, giải nhất bắn súng cá nhân Hội thao truyền thống Bộ Tư lệnh Cảnh vệ 2012… 10 năm liên tục, Đỗ Thị Anh Cúc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Đạt nhiều thành tích trong công tác, được cấp trên, đồng nghiệp tín nhiệm nhưng cũng như nhiều nữ đồng nghiệp khác, Đỗ Thị Anh Cúc cũng gặp không ít khó khăn khi vừa nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa hoàn thành thiên chức làm vợ, làm mẹ. Cô tâm sự: "Mình lo nhất những lúc con ốm trong khi mẹ lại đi công tác xa, hay những ngày lễ, tết, công việc dồn dập, thời gian cho gia đình quá ít ỏi. Rất may, chồng mình cũng làm công việc nghiên cứu nên rất hiểu và chia sẻ với vợ, luôn là hậu phương vững chắc cho mình yên tâm công tác".
Một điểm chung đáng kể nữa của Đại úy Đỗ Thị Anh Cúc với những người nối nghiệp cha, mẹ là thói quen tìm đến những đồng nghiệp đặc biệt này để tâm sự, sẻ chia những vui, buồn trong công việc. Sự gần gũi, yêu thương cùng thái độ trân trọng nghề nghiệp chung của những người thân yêu đã tiếp thêm sức mạnh cho Đỗ Thị Anh Cúc trên con đường đã chọn.