Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:18, 08/03/2016
Ngoài những dự án đang triển khai, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội tiếp tục cùng Bộ GT-VT tập trung đầu tư 65 dự án với tổng kinh phí đầu tư gần 430.000 tỷ đồng. Các công trình này cơ bản hoàn thành trước năm 2025, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đầu tư cho giai đoạn trung hạn tiếp theo. Việc bố trí danh mục dự án đầu tư được thực hiện trên cơ sở: Hoàn chỉnh những tuyến đường đang dở dang, nối thông những đoạn đang vướng mắc nhiều năm qua chưa thực hiện được; tập trung xây dựng các tuyến đường vành đai và trục xuyên tâm có tính chiến lược để giảm lưu lượng xe vào nội đô; phát triển giao thông công cộng (xe buýt nhanh, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm)… Những dự án sắp triển khai này đi vào vận hành sẽ tạo cho Hà Nội một cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại hơn nhiều so với hiện nay.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra, giao thông Hà Nội không chỉ giới hạn trong địa giới hành chính Thủ đô. Phát triển hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, với vai trò là hạt nhân của Vùng Thủ đô mới (gồm Hà Nội và 9 tỉnh lân cận), rõ ràng cần có tầm "nhìn xa, trông rộng" hơn. Nhiệm vụ này cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành phải quyết tâm thực hiện khi xem xét báo cáo đồ án "Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050" cách đây ít ngày.
Bảo đảm giao thông thông suốt sẽ tạo thuận lợi cho đi lại và giao thương, thúc đẩy sự phát triển của cả vùng, tránh thế cục bộ địa phương như bấy lâu vẫn diễn ra. Mặt khác, chính từ sự thuận tiện, thông thoáng của hệ thống giao thông sẽ góp phần làm giảm nhanh áp lực dân số đổ dồn vào Hà Nội, tạo ra sự phát triển hài hòa và bền vững hơn.
Phát triển giao thông Hà Nội phải đặt trong bối cảnh tương quan chung và kết nối với hệ thông giao thông trong toàn Vùng Thủ đô chính là giải pháp vừa giúp "người", song cũng chính là giúp "mình". Do vậy, phải nhìn vấn đề này trong một chỉnh thể thống nhất, có liên quan đến một loạt vấn đề khác như: Bố trí lại các khu công nghiệp; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng, trong đó Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên phát triển công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao; còn lĩnh vực công nghiệp phụ trợ dịch chuyển dần ra khu vực vành đai…
Như vậy, quy hoạch giao thông của Hà Nội tất yếu cần phải có sự cộng hưởng của các địa phương khác. Và điều này cần phải được thể hiện bằng hành động khi triển khai trên thực địa đối với các dự án cụ thể. Chỉ có vậy mới tránh được những khập khiễng, bất cập khi kết nối; mới đạt được hiệu quả như mong muốn. Để điều này trở thành hiện thực, ngay từ bây giờ, cần sớm chọn lựa cho được đơn vị tư vấn trong, ngoài nước có năng lực và kinh nghiệm tiếp tục nghiên cứu để triển khai các quy hoạch chi tiết chuyên ngành như: Quy hoạch vận tải hành khách công cộng, vận tải thủy, đường sắt đô thị; các phương án bố trí vốn cho những dự án mới…
Trên cơ sở đó, triển khai những kết nối cần thiết với các đề án quy hoạch giao thông của những địa phương lân cận của Thủ đô. Và nhìn rộng hơn, tất cả các dự án phải trở thành những chi tiết quan trọng làm nên một bức tranh kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, thân thiện và hiệu quả.