Xuất khẩu nông sản: Không dễ tận dụng lợi thế

Kinh tế - Ngày đăng : 06:53, 07/03/2016

(HNM) - Dù nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã được ký kết nhưng với khả năng cạnh tranh hiện nay của nông sản Việt Nam, vấn đề đặt ra là cần có biện pháp hóa giải các rào cản kỹ thuật một cách hiệu quả nhằm thúc đẩy xuất khẩu.


Nhận diện rào cản

Kim ngạch xuất khẩu nông sản 2 tháng đầu năm 2016 đạt 4,2 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là tín hiệu khởi sắc sau khoảng thời gian nông sản Việt Nam vật lộn với hàng loạt khó khăn. Theo ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương, các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết sẽ mở ra những thị trường xuất khẩu trọng điểm cho Việt Nam, dự báo kim ngạch xuất khẩu nông sản tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, những rào cản về kỹ thuật và thương mại đang được các quốc gia dựng lên, gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam. Trong khi đó, tại Việt Nam vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp sử dụng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép trong sản xuất sản phẩm cá tra, cá ba sa xuất khẩu.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Cảng Sài Gòn.


Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) An Văn Khang cho biết, đối với thị trường Châu Âu, khó khăn lớn nhất là những rào cản phi thuế quan như chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ do thị trường này đặt ra. Một số ngành hàng như chè, rau quả, thủy sản vẫn "vấp" phải tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khá cao; sản phẩm gỗ phải đáp ứng sự minh bạch về nguồn gốc... Ngoài ra, đến 90% các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị thấp. Không chỉ khó khăn ở vấn đề thị trường, nguồn cung các mặt hàng nông sản thế giới tăng, lượng tồn kho cao ở nhiều nước khiến mức độ cạnh tranh càng trở nên gay gắt.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện sức tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu vẫn còn yếu do khủng hoảng kinh tế. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, chẳng hạn như gạo, ngoài cạnh tranh với các nước xuất khẩu lớn của thế giới về giá và chất lượng thì một số nước tham gia xuất khẩu gạo trong khu vực gồm Campuchia, Myanmar… đã trở thành đối thủ cạnh tranh gay gắt. Do đó, 2 tháng đầu năm, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 5,95% so với năm 2015.

Giải quyết các vấn đề kỹ thuật

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã phối hợp thành công trong việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật nhằm đưa xoài Việt Nam vào Nhật Bản, đưa vải tươi sang Australia và Hoa Kỳ, nối lại xuất khẩu các mặt hàng rau gia vị sang Châu Âu sau một thời gian tạm ngừng; phối hợp tích cực trong việc đàm phán với Trung Quốc về khử trùng gạo, tháo gỡ để xuất khẩu trở lại thanh long sang Đài Loan… Song, tiềm năng xuất khẩu nông sản Việt Nam còn hạn chế dẫn tới kim ngạch xuất khẩu chưa cao.

Để chủ động thích ứng với những biến động của kinh tế quốc tế, bảo đảm hội nhập đem lại hiệu quả thiết thực; đồng thời sẵn sàng ứng phó với những vấn đề phát sinh trong thương mại, ông Nam đề nghị, các bộ, ngành tăng cường phối hợp và bảo đảm giải quyết kịp thời các rào cản kỹ thuật và tranh chấp phát sinh trong giao dịch nông sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hướng tới chất lượng, đổi mới các hình thức xúc tiến, gắn kết chặt chẽ nhu cầu của các ngành hàng, các doanh nghiệp, hướng vào thị trường trọng tâm, trọng điểm có nhu cầu lớn về thủy sản, gỗ, hạt điều, hạt tiêu và chè nhằm tháo gỡ khó khăn cho các sản phẩm, doanh nghiệp...

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nguyễn Như Tiệp: Dứt điểm phải xử lý nghiêm doanh nghiệp làm ăn bất chính, trục lợi gây ảnh hưởng tới uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiện tiêu thụ thị trường nội địa với các mặt hàng nông sản chiếm tỷ lệ rất thấp cần phải có chính sách quảng bá sản phẩm ngay trên sân nhà, góp phần giải quyết được một phần khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Ngọc Quỳnh