Cải cách hành chính: Đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao
Đời sống - Ngày đăng : 06:44, 07/03/2016
1. Hà Nội đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể về CCHC trong những năm qua. Tuy nhiên, đứng trước đòi hỏi từ thực tiễn, Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố tiếp tục thống nhất cao chọn CCHC là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ mới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, từ đầu năm đến nay, lãnh đạo thành phố đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với khâu đột phá thứ hai này. Những chỉ đạo của các đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cho thấy sự quyết tâm, tinh thần quyết liệt tạo chuyển biến mạnh về CCHC ngay từ những tháng đầu, năm đầu nhiệm kỳ.
Hướng dẫn người dân về quy trình nộp hồ sơ tại bộ phận “một cửa” quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Nhật Nam |
Kết luận Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, ngày 29-2, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chỉ đạo: "Đẩy mạnh CCHC trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính quyền, nâng cao một bước về nhận thức, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức, bảo đảm hiệu quả công việc cao nhất". Ngay sau đó một ngày, tập thể UBND thành phố đã thảo luận về Kế hoạch CCHC nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Tại đây, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định: "Dù khó khăn cũng sẽ quyết tâm cải cách, làm từng bước, thận trọng, việc nào cấp thiết thì làm trước. Mục tiêu cao nhất là chuyển từ nền hành chính "xin - cho" sang nền hành chính phục vụ".
Các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là khâu đột phá đều là những việc khó. Trong quá trình thực hiện thời gian qua, thường có tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Nghĩa là lãnh đạo cấp thành phố thì quyết liệt, nhưng càng xuống cấp dưới thì càng "nguội" dần, thậm chí có cán bộ, công chức còn có biểu hiện thiếu nhiệt tình, trách nhiệm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cho rằng: "Ở trên chỉ làm chủ trương, nhưng đến cơ sở mới là làm việc với dân". Chính vì vậy, không thể để tái diễn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nhất là trong CCHC.
2. Hầu hết nghị quyết đại hội các đảng bộ trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020 đều chọn CCHC là khâu đột phá. Cùng với sự chuyển động mạnh mẽ ở cấp thành phố, một số địa phương cũng đang quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi đánh giá: "CCHC là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là khâu quyết định của nhiệm kỳ này". Thể hiện rõ "khát vọng đổi mới", quận Nam Từ Liêm đã xác định phải đổi mới toàn diện, xây dựng quận trở thành nơi đáng sống, trước hết là về thủ tục hành chính. Là nơi đầu tiên của Hà Nội thực hiện, từ đầu năm đến nay, Quận ủy Nam Từ Liêm đã tích cực chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. Năm 2015, quận đã rút ngắn quy trình thực hiện các thủ tục này từ 27 ngày xuống còn 7 ngày. Tuy nhiên, từ ngày 1-3-2016, quy trình tiếp tục được giảm xuống còn khoảng 3 ngày.
Tuy nhiên, sự chuyển động giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đồng đều. Hiện tượng để dân phải chờ, cơ quan hành chính "vắng như chùa Bà Đanh" những ngày đầu năm mới như ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số nơi là minh chứng. Chính vì vậy, vai trò của cấp ủy, của đội ngũ đảng viên trong CCHC cần phải nâng lên. Cấp ủy các cấp phải thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo nhằm huy động cả hệ thống chính trị chung sức đồng lòng thực hiện CCHC, không được coi đây là việc của khối chính quyền. Vị trí chủ công trong CCHC của cấp ủy được thể hiện sinh động và hiệu quả khi phát huy được tinh thần gương mẫu đi đầu của cá nhân từng cán bộ, đảng viên.
Sắp tới, Thành ủy tiếp tục thông qua 8 chương trình công tác lớn toàn khóa. Một trong số đó là chương trình về CCHC.