Để phụ nữ thật sự là người làm chủ

Xã hội - Ngày đăng : 06:20, 07/03/2016

(HNM) - Ngày mai, 8-3, một trong 365 ngày của năm nhưng là ngày đặc biệt của một nửa thế giới. Một ngày để nửa thế giới còn lại nói lời tri ân tới những người mẹ, người vợ… phái yếu nhưng mang thiên chức đặc biệt - người thầy đầu tiên của con người và là người "ủ ấm" mỗi gia đình. Trong mỗi mái nhà không thể thiếu bàn tay của phụ nữ, trong các hoạt động xã hội cũng vậy, bởi "phụ nữ là một nửa xã hội" (Lênin).

Để phái yếu vừa "đảm việc nhà", vừa "giỏi việc nước" rất cần sự thay đổi về tư duy, nhận thức của một nửa thế giới mang tên "những đấng mày râu", cũng như việc nghiêm túc thực hiện những cơ chế, chính sách hướng đến mục tiêu bình đẳng giới. Và quan trọng hơn, không gì khác, những người mẹ, người vợ cần nỗ lực vượt qua chính mình để thật sự là người làm chủ.

1. Trong tiềm thức dân tộc ta, người phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng. Từ thuở hồng hoang, mẹ Âu Cơ đã dẫn năm mươi người con đi mở nước. Trong nghìn năm Bắc thuộc, những Bà Trưng, Bà Triệu "phất cờ nương tử", dấy binh khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của ngoại xâm. Đất nước bao phen binh lửa, rồi hòa bình, bước vào cuộc kiến thiết mới, rồi đổi mới, hội nhập… bất cứ giai đoạn nào, ở bất cứ lĩnh vực nào cũng có những người phụ nữ xuất chúng, lưu danh sử sách và là mạch nguồn của những áng thơ văn đẹp nhất của mọi thời đại.

Từ ngày có Đảng lãnh đạo, những "thân cò lặn lội bờ sông" với khát khao "muốn bay không cất khỏi mình mà bay" đã bước vào đời sống xã hội như một tất yếu và bình đẳng với "một nửa kia của thế giới". Đặc biệt sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền thuộc về nhân dân, vấn đề giải phóng phụ nữ được coi trọng, được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, đạo luật. Phụ nữ Việt Nam đã có mặt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều người trở thành nhà chính trị, giữ cương vị cao trong các cơ quan quyền lực của đất nước (là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước); nhiều người trở thành nhà khoa học nổi tiếng với những công trình, đề tài nghiên cứu mang tầm cỡ quốc gia; nhiều người là những doanh nhân thành đạt, có tầm ảnh hưởng quốc tế… Trong những lĩnh vực tưởng như chỉ dành cho "cánh mày râu" như lực lượng vũ trang, phái yếu cũng không hề yếu. Sau nữ tướng lừng danh của "đội quân tóc dài" Nguyễn Thị Định, quân đội có thêm 4 nữ tướng: Trung tướng Lê Thu Hà, các Thiếu tướng Nguyễn Hồng Giang, Hồ Thủy, Nguyễn Thị Thanh Hà. Lực lượng công an có Thiếu tướng Bùi Tuyết Minh… Đặc biệt, phụ nữ chiếm 27,3% trong số đại biểu của Quốc hội, tổ chức quyền lực cao nhất của Nhà nước và được Liên hợp quốc đánh giá: "Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ". Và tự hào thay phụ nữ Việt Nam - những người làm đẹp cho mình, cho đất nước bởi phẩm chất cao đẹp "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".

2. Hiến pháp Việt Nam khẳng định: "Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới". Bình đẳng giới là một trong những giá trị của văn minh nhân loại, cũng là mục tiêu phấn đấu vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Tinh thần này đã được cụ thể hóa trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với những mục tiêu rất cụ thể. Nghị quyết 11 ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và HÐND các cấp từ 35% đến 40%... Chỉ thị số 36 ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về công tác nhân sự yêu cầu: "Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có cán bộ nữ trong ban thường vụ cấp ủy"…

Một thống kê cho thấy, tỷ lệ nữ trúng cử cấp ủy viên cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 19,07% tăng so với nhiệm kỳ trước (18,1%) và vượt xa mức yêu cầu của Trung ương (15%). Ở cấp trên trực tiếp cơ sở, tỷ lệ này chỉ đạt 14,3%, nhưng cũng tăng so với nhiệm kỳ trước (0,3%). Kết quả này cho thấy thành công bước đầu trong công tác cán bộ nữ của Đảng - một minh chứng rõ nét trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Tuy nhiên, có một thực tế là tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý vẫn chưa tương xứng với sự phát triển của lực lượng lao động nữ (phụ nữ chiếm 51% lực lượng lao động). Cán bộ nữ được quy hoạch cấp vụ, cấp thứ trưởng đều thấp hơn 30% và tỷ lệ này chắc hẳn sẽ làm "một nửa thế giới" chạnh lòng. Rõ ràng, dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách Vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhưng câu chuyện bình đẳng thật sự vẫn còn là công việc cần làm tốt hơn.

3. Ðằng sau sự thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ. Vậy đằng sau thành công của người phụ nữ là gì? Không gì khác là sự dấn thân, sự hy sinh thầm lặng, nhiều khi "nước mắt nuốt vào trong". Không thể không nói là: Không ai có thể làm tốt hơn người phụ nữ trong câu chuyện rủ rỉ hòa giải, hàn gắn hạnh phúc gia đình, giữ xóm làng trong ấm ngoài êm; không ai có thể thay thế các bà các chị trong việc làm "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi" tạo nên nét đẹp văn hóa của những con phố văn minh thương mại; không ai có thể gánh vác công việc của những nữ công nhân cần mẫn đêm đêm cho thành phố phong quang, sạch sẽ… Sức mạnh tiềm ẩn trong thiên chức phụ nữ cùng những phong trào như: Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc; Đoạn đường phụ nữ tự quản an toàn, xanh, sạch, đẹp; Phụ nữ nuôi lợn nhựa giúp nhau xóa đói giảm nghèo… đang gắn kết "một nửa thế giới" trong các hoạt động xã hội góp phần cùng phụ nữ vươn lên với những thành công trong cuộc sống.

Dẫu vậy, phụ nữ làm cán bộ lãnh đạo, quản lý, dù ít hay nhiều đều phải tự đặt mình lên bàn cân với cán cân thường lệch về thiên chức, bổn phận. Thực tế, không nhiều phụ nữ có thể cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Và cũng có một thực tế khác, nhiều chị em chưa thật sự nỗ lực để nâng cao trình độ, để tham gia cương vị lãnh đạo, quản lý.

Mặt khác, dù mất nhiều cơ hội thăng tiến so với đồng nghiệp nam giới khi phải thực hiện thiên chức làm mẹ, nhưng có lẽ "một nửa thế giới" giàu lòng tự trọng sẽ không chấp nhận sự ưu đãi kiểu như "hạ tiêu chuẩn", "hạ điều kiện" ứng viên cho bất cứ chức danh nào. Những người phụ nữ phấn đấu thật sự, lao động thật sự muốn có và có quyền đòi hỏi sự minh bạch, sòng phẳng trong tuyển dụng, bổ nhiện… Và điều này sẽ giúp các mẹ các chị tự tin khẳng định năng lực của mình.

Chính sách bình đẳng giới phải thật sự đi vào cuộc sống. Và phải bằng những hành động mang tính cụ thể, mạnh mẽ hơn. Đơn cử như việc đạt tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử. Nhiệm kỳ 2011 - 2016, tỷ lệ đại biểu nữ chỉ chiếm 24% tổng số đại biểu Quốc hội. Do vậy, trong quá trình giới thiệu, hiệp thương chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, cần phải cụ thể hóa sâu sắc hơn chủ trương, chính sách đối với cán bộ nữ của Đảng và Nhà nước. Và bằng lá phiếu trách nhiệm, cử tri cần tạo điều kiện để phụ nữ nói tiếng nói của chính mình trong các cơ quan quyền lực và thực hiện quyền làm chủ một cách bình đẳng với "phần còn lại của thế giới".

Những nước mắt mồ hôi, những hy sinh thầm lặng, những cống hiến không thể nói hết cho đời sống xã hội... nhưng khi trở về với gia đình, các bà các chị vẫn là vợ hiền, dâu thảo. Phụ nữ thật sự là một nửa không thể thiếu của thế giới. Nhưng nếu một nửa còn lại kia vẫn tư duy kiểu "tôi giặt cho bà cái áo của tôi" trong ngày 8-3 thì bình đẳng giới tiếp tục là con đường gian nan như câu chuyện "làm chủ" đang đè nặng đôi vai phụ nữ.

Cù Xuân Trường