Syria - Nơi hội tụ những mâu thuẫn của thời đại

Thế giới - Ngày đăng : 20:13, 06/03/2016

(HNMO) - Syria hiện được coi là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất của thế giới và cũng là một trong những điểm nóng nghiêm trọng nhất.

Một khu vực bị phá hủy trong cuộc nội chiến ở thành phố Aleppo, Syria. Ảnh: Reuters.


Đất nước Syria đang chìm trong bạo lực đẫm máu, với hơn 400.000 người chết và 10 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Đã đến lúc phải đi đến một giải pháp toàn diện. Nhưng một giải pháp như vậy cần phải dựa trên những hiểu biết rõ ràng và và khách quan về xung đột Syria ngay từ nơi cuộc chiến bắt đầu.

Từ nội chiến đến xung đột toàn cầu

Căng thẳng bắt đầu dâng lên giữa những người biểu tình và chế độ Bashar-al-Assad đầu năm 2011. Vào tháng 7/2011, tổ chức chống chính quyền Assad chính thức được thành lập từ các quân nhân đào ngũ ở quân đội Syria mang tên Quân đội Syria Tự do (FSA). Trong khi đó, dân tộc Kurd ở miền bắc Syria cũng hình hành một đơn vị quốc phòng riêng biệt để chống đối chính phủ.

Năm 2012, các cuộc xung đột vũ trang đầu tiên nổ ra giữa những người ủng hộ chính phủ, FSA và Mặt trận Al-Nursa (một nhánh của al-Qaeda ở Syria) vừa được thành lập. Lực lượng người Kurd bắt đầu tham gia vào cuộc xung đột với FSA, tuy nhiên tránh tham chiến trực tiếp với chính quyền Assad.

Cuộc chiến Syria đã khiến hơn 400.000 người chết và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.


Tình hình càng trở nên phức tạp khi các thế lực ngoại quốc bắt đầu can thiệp bằng cách hỗ trợ các nhóm khác nhau. Trong khi Iran và Hezbollah ủng hộ chính quyền Assad, thì Mỹ lại hỗ trợ lực lượng FSA.

Năm 2013, Hezbollah và quân đội Iran bắt đầu tham gia cuộc chiến. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng bắt đầu nhúng tay vào Syria.

Sau đó, Mỹ cùng các quốc gia vùng Vịnh bắt đầu thiết lập liên quân để không kích IS. Vào tháng 9, đồng minh lâu năm của Syria là Nga tuyên bố tiến hành chiến dịch không kích để chống lại IS. Tiếp đó, tháng 11, Pháp không kích các mục tiêu IS ở Syria sau cuộc khủng bố đẫm máu Paris làm 130 người thiệt mạng.

Sau tất cả những diễn biến trên, hiện tại cục diện ở Syria đang hết sức rối rắm. Lực lượng Assad vẫn đang kiểm soát phần lãnh thổ phía Tây đất nước, trong đó có thủ đô Damascus. Trong khi đó, các nhóm phiến quân chống chính phủ lại đang cố thủ tại miền Bắc và Nam Syria. Lực lượng người Kurd thì trấn giữ phần lớn lãnh thổ của họ dọc biên giới phía Bắc với Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức khủng bố IS thì thiết lập chế độ cực đoan dọc sông Euphrates, cho phép chúng linh hoạt tham chiến cả ở Iraq và Syria.

Nơi hội tụ những mâu thuẫn cơ bản của thời đại

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (thứ 2 từ trái qua) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov (ngoài cùng bên trái) tại phiên họp của Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Syria (ISSG) ở Munich, Đức, hôm 11/2. Ảnh: Reuters


Để hiểu được tại sao cuộc chiến Syria lại kéo dài và diễn biến phức tạp với sự tham gia của nhiều bên như vậy, cần phải thấy được bản chất của xung đột đang diễn ra.

Một là, về tính chất tôn giáo của các cuộc xung đột. Ở Tuynidi, Ai Cập và Libya hơn 90% cư dân theo đạo Hồi dòng Sunni, các ông Ben Ali, Mubarack, Gadhafi và những nhân vật chủ chốt trong chính quyền của họ đều là những tín đồ đạo Hồi dòng Sunni. Nghĩa là những người theo đạo Hồi dòng Sunni lật đổ chính quyền của người Sunni.

Ngược lại, tại Syria, Tổng thống Bashar al-Assad và các cộng sự chủ chốt của ông trong chính quyền Damacus là tín đồ đạo Hồi dòng Shiite thiểu số, hơn 70% dân Syria là tín đồ đạo Hồi dòng Sunni. Ở đây, người Sunni chiếm đa số nổi dậy chống chính quyền của người Shiite thiểu số.

Như vậy, khác với Tuynidi, Ai Cập và Libya cuộc xung đột ở Syria nhất là ở giai đoạn đầu, mang đậm màu sắc một cuộc xung đột tôn giáo. Từ trước tới nay và ở khắp nơi trên hành tinh, mọi cuộc xung đột tôn giáo đều gay gắt, kéo dài và đẫm máu.

Hai là, khác với Tuynidi, Ai Cập và Libya, Syria có vị trí địa chính trị, địa chiến lược cực kỳ quan trọng. Syria nằm ở bờ Đông của Địa Trung Hải, nơi ngã ba của ba châu lục: châu Á, châu Phi, châu Âu, và ở tâm điểm của vòng cung Ảrập - Hồi giáo Bắc Phi - Trung Đông.

Mặc dù không giàu dầu mỏ, khí đốt như Iraq, Iran, Saudi Arabia và các quốc gia Bắc Phi, Trung Đông khác, với vị trí địa chính trị, địa chiến lược nói trên, Syria trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng và lợi ích hết sức gay gắt của các cường quốc thế giới, trước hết là Nga và Mỹ.

Mặt khác, Syria cần thắt chặt quan hệ với Nga để đương đầu với Israel và các đối thủ khác ở khu vực. Trong khi Nga rất cần Syria vì Syria là bạn thân thiết duy nhất của Nga ở Trung Đông, là nơi đứng chân của Nga ở Trung Đông, và Nga dùng Syria làm nơi để ngăn chặn Mỹ và Tây Âu độc chiếm khu vực Trung Đông - nơi cận kề với Trung Á - sân sau của Nga. Nếu Mỹ và Tây Âu khuất phục được Syria và Iran, thì họ sẽ tràn vào Trung Á, can thiệp vào các nước Cộng hòa tự trị của Nga và an ninh của Nga bị đe dọa hết sức nghiêm trọng trên toàn tuyến Tây Nam.

Về phía đối diện với Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Ý và các đồng minh khu vực (Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ…) đã hơn hai thập niên nay, tìm mọi cách để loại bỏ Tổng tống Bashar al - Assad nhằm hai mục đích: 1. Chặt đứt trục liên minh Syria - Iran tại Trung Đông, Damacus là cánh tay phải của Teheran; 2. Đẩy lùi ảnh hưởng của Nga khỏi vòng cung Bắc Phi - Trung Đông.

Hai cường quốc khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia hợp tác với Mỹ và Tây Âu nhanh chóng loại bỏ Bashar al Assad có hai mục đích riêng (ngoài hai mục đích chung nói trên): 1. Loại Assad để làm suy yếu Iran, cường quốc khu vực thách thức vai trò của Thổ và Saudi Arabia, tranh giành vai trò “minh chủ” ở khu vực; 2. Làm suy yếu lực lượng Hồi giáo dòng Shiite vì Iran là trung tâm sức mạnh của Hồi giáo Shiite tại vòng cung Bắc Phi - Trung Đông, còn Thổ và Saudi Arabia là nơi tập trung sức mạnh của Hồi giáo Sunni.

Như vậy, tại Syria đang đồng thời tồn tại tất cả các mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn chủ yếu của thời đại, đó là:mâu thuẫn giữa sự áp đặt của siêu cường Mỹ lên thế giới và các lực lượng chống áp đặt trên thế giới; mâu thuẫn giữa các cường quốc thế giới trong việc tranh giành các vị trí địa chính trị, địa chiến lược đặc biệt quan trọng của Syria; mâu thuẫn giữa các cường quốc khu vực trong việc tranh giành ngôi vị “minh chủ”; mâu thuẫn giữa Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shiite; mâu thuẫn sắc tộc, dân tộc trong đất nước Syria nói riêng, ở khu vực nói chung; mâu thuẫn giữa đòi hỏi của người dân về một xã hội dân chủ, công bằng với nền chính trị thiếu dân chủ và do các nhóm lợi ích chi phối.

6 nguyên tắc cơ bản để chấm dứt xung đột

Để chấm dứt cuộc chiến Syria với bản chất đặc thù và diễn biến phức tạp nêu trên, cần phải đạt được 6 điều, những điều này có thể coi là nguyên tắc cơ bản cho việc kết thúc chiến sự.

Thứ nhất, Mỹ cần ngừng tất cả các hoạt động công khai và bí mật nhằm lật đổ chính phủ Syria. Thứ hai, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần đảm bảo thi hành lệnh ngừng bắn đạt được giữa tất cả các bên bao gồm Mỹ, Nga, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Iran, nhằm ngăn chặn các hoạt động tài trợ tài chính và quân sự cho các lực lượng vũ trang ở Syria.

Thứ ba, tất cả các hoạt động bán quân sự cần phải dừng lại, bao gồm cả hoạt động của những “lực lượng ôn hòa” mà Mỹ ủng hộ. Thứ tư, Mỹ và Nga mà trên thực tế là Hội đồng Bảo an nên buộc chính phủ Syria hành động một cách có trách nhiệm, chấm dứt hành động trừng phạt những người phản đối chế độ.

Thứ năm, một quá trình chuyển tiếp chính trị nên diễn ra từ từ và với sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của tất cả các bên chứ không phải là tiến hành một cách tùy ý, vội vàng.

Cuối cùng, cần gây sức ép để các nước vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tiến hành đàm phán trực tiếp trong một khuôn khổ khu vực nhằm đảm bảo một nền trật tự ổn định lâu dài tại đây. Người Turk, người Ả rập và người Iran đã cùng chung sống cùng nhau trong cả thiên niên kỷ. Chính những dân tộc này chứ không phải bất cứ cường quốc nào khác bên ngoài, nên dẫn đường cho một nền hòa bình ổn định trong khu vực.

Bảo San