Cộng đồng mạng bức xúc trước "tiểu tặc"
Đời sống - Ngày đăng : 07:28, 06/03/2016
Nỗ lực vô vọng chống "tiểu tặc". |
Trước vụ việc nói trên, cộng đồng mạng đã dậy sóng với những chỉ trích hết sức gay gắt. Bạn đọc N.T thẳng thắn chỉ trích: "Đây là hành vi rất xấu hổ đối với người Hà Nội, có thể nói là không có văn hóa (cho dù là có bệnh lý hay say rượu). Thật vô văn hóa cho con người có hành động này!". Tuy nhiên, đáng buồn đây chỉ là một trong số vô vàn các trường hợp "tường đè" vốn đang diễn ra hàng ngày trên các tuyến phố nội đô.
Bước ra đường vào những ngày này, không khó để ai đó nhận ra những điểm nóng về nạn đái đường khi ngay cả những con phố đẹp đẽ nhất cũng thoang thoảng mùi hương. Điều đáng nói là bên cạnh gầm cầu, nhà hoang, phần lớn những nơi bốc mùi như thế lại gồm cả là công viên, cơ quan nhà nước, trường học, các điểm di tích, du lịch vốn có lượng người qua lại đông đảo.
Một cư dân mạng chia sẻ: "Các bác có tin là mỗi lần em đi tập thể dục đoạn đường qua Hùng Vương cắt Hàng Cháo (ngay cạnh có 2 nhà vệ sinh công cộng) hoặc phải tránh người tè bậy vì xấu hổ, hoặc phải đeo khẩu trang vì khai. đó là nơi du lịch, vài bước chân ra Văn Miếu. Họ tè ngang nhiên, vừa cài cúc quần vừa đi, vừa huýt sáo. Thậm chí họ đỗ xe ô tô, taxi, xe máy... thành hàng để đua nhau đi tè. rồi người đi tập thể dục vừa ra khỏi nhà cũng úp mặt vào gốc cây: tè... hình như họ khoái vì tè thế cho mát mà may ra lại có người nhìn, khoái cảm thì phải! hay vì bất lực chuyên ấy nên tìm đến kiểu tè bậy để lấy lại...?. Thực tế, theo quan sát của phóng viên HNMO, khu vực quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám thường xuyên là địa điểm được giới "tường đè" ưa chuộng. Nếu ra đây vào sập tối, không khó để chứng kiến những cảnh thiếu tế nhị ấy.
|
Trên diễn đàn Otofun, một số thành viên tỏ ra bức xúc khi vấn nạn đái đường không chỉ... trên đường mà còn cả với những chiếc xe hơi, bãi đỗ xe, sân bay. Thành viên có tên cwise của mạng xã hội này cho biết:"Vẫn biết chuyện này khá phổ biến và bình thường, vì em vẫn hay bị ngửi...... nhưng hôm vừa rồi đi lên sân bay Nội Bài lần đầu em bị dính xong. Chả là em muốn lùi đuôi xe vào sát bãi cỏ, yên tâm khả năng va chạm là hạn chế, nhưng mà nhầm, lúc ra thì thấy khai mù mịt, một bãi nước tiểu ngay cửa sau ghế lái, lênh láng ra tận bánh sau, không biết làm thế nào cả, vẫn phải nín thở, mở cốp nhét vali, còn khách thì buộc phải mở cửa thì mới vào xe được, em định bảo để em đánh ra nhưng người ta đã mở cửa, thôi thì... lên xe, mùi nước tiểu bốc nồng nặc, đi nửa đường nó mới hết. Sao nhà vệ sinh ở trong sân bay tử tế như thế đứa tè bậy không chịu chạy vào nhỉ?"
Bức tranh “Cấm đái bậy” của cháu Vũ Đặng Anh Thơ, 10 tuổi (tham gia cuộc thi "Vệ sinh yêu nước" năm 2012) gây được sự chú ý của người xem. |
Cũng một số ý kiến cũng tỏ ra thông cảm rằng hiện nay, sự thiếu hụt hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở những khu vực đông dân cư cũng là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên. Mặt khác, phần lớn các điểm "tháo nước" đều được đặt tập trung quanh các điểm du lịch, khu mua sắm. Trong khi đó, nhu cầu tại những nơi đông dân cư - vốn tập trung nhiều quán ăn, nhà hàng - cũng rất lớn. Một người dùng chia sẻ trên Facebook: "Tôi thấy ở Việt Nam đã in sâu văn hóa đái đường. Nhưng hỏi lại không đái đường thì đái ở đâu? Cần có một khoản kinh phí xây dựng và vận hành các nhà vệ sinh công cộng với hình thức miễn phí hoàn toàn tôi đảm bảo chắc chắn rằng nạn đái đường sẽ tự diệt vong. Đên bến xe sẽ thấy tiểu tiện quá bất tiện vào ra luôn có người canh lấy tiền nên mất đi cái gọi là vệ sinh cá nhân. Vì vậy cần chấn chỉnh và ra quy định bắt buộc với các cơ quan chủ quản trích một phần kinh phí cho vấn đề này. Hy vọng các nhà lãnh đạo các cấp quan tâm. Cảm ơn!".
Giữa thanh thiên bạch nhật..."cho nó mát". |
Tuy nhiên, số khác lại cho rằng việc đổ tại cho hạ tầng yếu kém mới chỉ là một phần nhỏ của vấn đề. Bạn đọc Hoàng Long thẳng thắn: "Có quá nhiều ý kiến phản biện lý do này, hoàn cảnh nọ... Thiết nghĩ một người bình thường thôi điều lịch sự tối thiểu là đi tiểu tiện cũng cần phải tránh né, tìm kiếm một nơi nào kín đáo nhất có thể để mà tè. Đơn giản là ý thức, lịch sự, văn minh của con người. Đằng này đứng ngay giữa đường không coi ai ra gì, không đúng nơi, đúng chỗ... thì rõ ràng con người đó chẳng ra gì. Còn bao biện gấp quá, kẹt quá, không có nhà vệ sinh công cộng... là những bao biện thiếu văn hoá. Cái não của con người tôi nghĩ không khó để xử lý những tình huống quá đơn giản như vậy, chỉ có những con người thiếu động não, coi thường người khác mới như vậy. Cần lên án!". Tương tự như vậy, bạn đọc Nguyễn Doãn Lộc bình luận: "Không thể biện minh cho những hành vi như vậy được, mặt quá "dày", thiếu nhân cách, cần phạt thật nặng!".
Trước cửa trường đại học cũng...chơi luôn! |
Thực tế, cũng ít ai biết rằng tại điểm C, khoản 1, điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đã quy định rất rõ: "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư". Dù vậy, cho tới nay, những hành vi xả xú uế ra đô thị vốn ngày nào cũng diễn ra ở mọi cung đường Hà thành này lại rất hiếm khi bị xử lý, nêu gương xấu khiến những "tiểu tặc" vẫn tiếp tục thoải mái xả bất cứ nơi nào họ muốn. Điều này ngày càng làm cho bộ mặt đô thị Thủ đô xuống cấp, xấu xí trong mắt mỗi công dân cũng như bạn bè quốc tế.