Tăng cường thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch Thủ đô

Xã hội - Ngày đăng : 06:32, 06/03/2016

(HNM) - Chỉ trong 9 ngày (từ 28 tháng Chạp năm Ất Mùi đến mùng 7 tháng Giêng năm Bính Thân), lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 464.261 lượt, tăng 37% so với dịp Tết năm 2015, trong đó số khách quốc tế tăng 65% so với cùng kỳ 2015... Đó là tín hiệu lạc quan của ngành du lịch Hà Nội. Mặc dù mới được tái lập, nhưng Sở Du lịch Hà Nội đang nỗ lực vượt qua mọi thử thách để đưa ngành du lịch Thủ đô khẳng định vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn. Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng về vấn đề này.

Ông Đỗ Đình Hồng.


Xây dựng sản phẩm đặc trưng

- Dịp tết Nguyên đán vừa qua, Hà Nội được coi là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của du khách trong và ngoài nước. Ông có thể cho biết một số kết quả hoạt động của du lịch Hà Nội từ đầu năm 2016 đến nay?

- Điểm mới nhất và cũng là bước đột phá trong công tác quản lý du lịch trên địa bàn thành phố là Sở đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 5-1-2016 về phát triển du lịch TP Hà Nội năm 2016 làm cơ sở cho các ngành, các cấp, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) chủ động triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch.

Ngay từ đầu năm, Sở Du lịch phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình “Ký ức Hà Nội”. Đây là hoạt động du lịch văn hóa, giải trí mang tính cộng đồng cao, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong 5 ngày diễn ra, chương trình đã đón gần 12 vạn lượt khách, trong đó có khoảng 5.000 lượt khách quốc tế, bước đầu được du khách ghi nhận và đánh giá cao. Đồng thời, xác định tết Bính Thân năm 2016 là một sản phẩm du lịch nên Sở đã phối hợp với các DN lữ hành, lưu trú, vận tải, các điểm đến chủ động chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng nhu cầu của du khách; bởi vậy, số lượng khách đến Hà Nội trong 9 ngày Tết tăng mạnh.

- Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Ông có thể nói rõ những “rào cản” mà ngành du lịch Thủ đô cần phải vượt qua?

- Theo tôi, ngành du lịch Hà Nội vẫn còn những “rào cản” cần phải vượt qua như: Chất lượng sản phẩm du lịch chưa đồng đều, đa dạng, thiếu sản phẩm chủ lực mang bản sắc Hà Nội; chưa kêu gọi được các nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư phát triển khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách. Hai là, hoạt động tuyên truyền, hợp tác quảng bá du lịch chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường; chưa tạo dựng được các sự kiện du lịch thường niên thực sự có dấu ấn. Ba là, chất lượng và số lượng nguồn nhân lực du lịch chưa theo kịp tốc độ phát triển của du lịch Thủ đô, nhất là chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên. Bốn là, còn thiếu cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong việc quản lý và phát triển du lịch; trong việc bảo tồn, tôn tạo và khai thác tài nguyên phục vụ cho hoạt động du lịch. Năm là, tình hình an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch còn nhiều bất cập, vẫn xảy ra tình trạng chèo kéo, đeo bám, ép giá, xích lô dù, taxi dù...

- Nhiều tổ chức nước ngoài đánh giá cao về tiềm năng du lịch của Thủ đô. Vậy Hà Nội đã và sẽ làm gì để khai thác những tiềm năng đó?

- Thời gian qua, ngành du lịch Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển du lịch với tinh thần “Tất cả vì du khách đến với Thủ đô Hà Nội”. Sở Du lịch sẽ báo cáo UBND thành phố trình Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 ban hành nghị quyết phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đến năm 2020; trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển du lịch TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch; triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch mới có dấu ấn và hiệu quả; tiến hành, triển khai các hoạt động quảng bá du lịch, các sự kiện lớn để thu hút du khách như nâng tầm tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - Hà Nội 2016, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội 2016 và tham gia Hội chợ du lịch quốc tế; các hội chợ du lịch tại các quốc gia là thị trường nguồn, trọng điểm của ngành du lịch Hà Nội...

- Sở Du lịch Hà Nội đã có những biện pháp nào để phát triển các sản phẩm đặc trưng trong thời gian tới, thưa ông?

- Trong năm 2016 và những năm tới đây, chúng tôi xác định sẽ tập trung đa dạng hóa các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư chiến lược, các DN trong và ngoài nước đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Thủ đô như: Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm; khai thác không gian cảnh quan và mặt nước Hồ Tây; phát triển tuyến du lịch ven Sông Hồng; phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long phục vụ phát triển du lịch; nâng cấp điểm đến du lịch tại một số điểm di sản văn hóa trên địa bàn Hà Nội; đầu tư các điểm dừng chân cho khách tại khu vực nội đô và tổ chức biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ du khách tại một số rạp của Thủ đô và một số điểm trong khu vực phố cổ; quy hoạch phát triển khu du lịch Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia với sản phẩm chính là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Liên kết để phát triển

- Để phát triển được các sản phẩm du lịch, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề phối hợp giữa các cơ quan chức năng và giữa các điểm du lịch là rất quan trọng?

- Du lịch là một hoạt động có tính chất liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao; trong đó, sự liên kết, phối hợp giữa cơ quan chức năng với các tuyến, điểm du lịch là rất quan trọng. Các cơ quan chức năng (nhất là cơ quan quản lý về du lịch) là những đơn vị hoạch định các chính sách, cơ chế, môi trường, mô hình, loại hình và sản phẩm du lịch để các điểm du lịch hoạt động theo đúng với quy định của pháp luật, bảo đảm có tính đồng bộ và bền vững cao. Ngược lại, trong quá trình xây dựng các chính sách, chiến lược, quy hoạch về phát triển du lịch hay các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến du lịch, các cơ quan chức năng cũng cần có sự tham gia góp ý của các DN du lịch, các điểm đến du lịch nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thực tiễn cao nhất.

- Làm thế nào để Hà Nội có thể vừa khai thác được tiềm năng du lịch vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, thưa ông?

- Hà Nội là thành phố có bề dày nghìn năm văn hiến với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, có nhiều di sản văn hóa hấp dẫn, con người giàu lòng mến khách, thanh lịch, tài hoa. Đây là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc, quý giá của Thủ đô. Vì vậy, ngành du lịch Thủ đô đã có kế hoạch phát triển du lịch gắn với trách nhiệm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là xây dựng sản phẩm mới, phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế; đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành và các cấp để tạo dựng một môi trường văn hóa thuận lợi cho du lịch phát triển, xây dựng Hà Nội là trung tâm du lịch của cả nước và khu vực, là đầu mối tour, tuyến du lịch trong vùng.

- Sở đã có biện pháp gì để sắp xếp, phát triển tour du lịch lữ hành nội địa và quốc tế?

- Sở Du lịch luôn coi việc phát triển sản phẩm du lịch, các tour du lịch nội địa và quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên. Sở phối hợp với các tổ chức, các hiệp hội du lịch chỉ đạo các DN luôn làm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường kết nối, xây dựng những tour du lịch chuyên đề, liên tỉnh, liên vùng phù hợp với thị hiếu của khách du lịch trong nước cũng như quốc tế; bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch của thành phố phù hợp với tình hình thực tiễn... Bên cạnh đó là tăng cường công tác phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nhằm xây dựng môi trường du lịch trên địa bàn thành phố xanh - sạch - đẹp, an ninh, an toàn và văn minh...

Trong năm 2016, Sở sẽ tham gia Hội chợ du lịch quốc tế JATA tại Nhật Bản, Đức, Pháp, Trung Quốc; tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VITM ở Hà Nội; tổ chức một số chương trình cho các DN lữ hành quốc tế Hà Nội đi khảo sát và hợp tác du lịch với các đối tác ở nước ngoài tại Nga vào tháng 2-2016, Vân Nam - Trung Quốc vào cuối năm 2016…

Tạo môi trường đầu tư thông thoáng

- Hiện nay, nhiều du khách trong nước và quốc tế phản ánh về các hiện tượng “chặt chém”, cư xử thiếu văn hóa còn xảy ra trên địa bàn Thủ đô. Vậy ngành du lịch đã có những biện pháp nào để xử lý dứt điểm các hiện tượng này?

- Số vụ việc nêu trên không nhiều nhưng tình trạng này đã làm xấu đi một phần hình ảnh du lịch Thủ đô. Để giải quyết dứt điểm, năm 2016, chúng tôi tập trung triển khai thực hiện một số việc chính như: Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, mở các lớp bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp, ứng xử và phục vụ trong hoạt động du lịch tới người dân, các DN tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Hai là, phối hợp với các cơ quan chức năng, các quận, huyện, thị xã để thường xuyên kiểm tra đối với các đơn vị, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trong việc chấp hành các quy định của pháp luật nhằm hạn chế dần và tiến tới xóa bỏ những hiện tượng “chặt chém” đối với du khách. Ba là, thông báo rộng rãi trên địa bàn thành phố và cả nước về số điện thoại Đường dây nóng (0941.336677) của bộ phận hỗ trợ khách du lịch thuộc Sở Du lịch Hà Nội nhằm kịp thời phản ánh các hiện tượng chèo kéo, đeo bám, “chặt chém” để Sở phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các hiện tượng trên.

- Theo ông, Hà Nội cần phải làm gì để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch Thủ đô?

- Để đẩy mạnh đầu tư cho du lịch Hà Nội phát triển, tôi cho rằng cần thực hiện tốt một số việc là: Tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó cần tập trung hướng đến các nhà đầu tư lớn, các DN có tiềm lực, kinh nghiệm mang tính đột phá trong lĩnh vực du lịch.

Thứ hai là, tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng cho các nhà đầu tư; coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc hỗ trợ các dự án đã triển khai đầu tư trên địa bàn thành phố; thường xuyên tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của các DN đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai các dự án.

Ba là, xây dựng và trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết về chính sách khuyến khích đầu tư theo hướng nâng mức ưu đãi đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh khách sạn, lữ hành, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; rà soát các quy định về giao đất, thuế sử dụng đất nhằm giảm mức thuế sử dụng, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng nhiều diện tích cho không gian cảnh quan...

Bốn là, tiếp tục đầu tư nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng của thành phố nhằm góp phần hỗ trợ cho việc đẩy mạnh phát triển ngành du lịch.

- Thời gian tới, ngành du lịch Hà Nội xác định việc đầu tư nâng cao chất lượng và chuẩn hóa nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch thế nào, thưa ông?

- Ngành sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu, ngành nghề và trình độ đào tạo; thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch theo bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (tiêu chuẩn VTOS), đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; chú trọng hợp tác với các tỉnh, thành phố và hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, có kế hoạch đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước cho lãnh đạo quản trị, trưởng các bộ phận quan trọng của DN để xây dựng thương hiệu mạnh cho du lịch Hà Nội. Bên cạnh đó là thường xuyên mở các khóa học bồi dưỡng kiến thức cộng đồng, kiến thức nghiệp vụ cho lãnh đạo các DN du lịch, các lớp thuyết minh viên, nghiệp vụ khách sạn, hướng dẫn viên, lái xe du lịch; tập huấn về công tác thông tin hỗ trợ khách du lịch, công tác quản lý nhà nước đối với các quận, huyện, thị xã...

- Trân trọng cảm ơn ông về nội dung đã trao đổi!

Vương Tuấn Anh