Bài đầu: Sống cùng ô nhiễm
Đời sống - Ngày đăng : 06:28, 06/03/2016
Bài đầu: Sống cùng ô nhiễm
Giai đoạn 2010-2015, Hà Nội có thêm 70 làng nghề. Số lượng làng nghề tăng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức, ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề nhưng kết quả chưa như mong muốn. Ảnh: Bá Hoạt |
Đủ kiểu ô nhiễm môi trường
Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn (Gia Lâm) đã nhiều lần làm "nóng" dư luận, nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Mạnh Thọ, Trưởng thôn Linh Quy Bắc cho biết: "Bấy lâu nay, chúng tôi luôn phải sống chung với ô nhiễm. Người già, trẻ nhỏ thường mắc các bệnh về đường hô hấp. Xã không có nước sạch. Nguồn nước giếng khoan bị nhiễm sắt nặng, trong khi nước giếng khơi không thể sử dụng được, vì các lò giết mổ trâu bò xả thẳng chất thải ra hệ thống thoát nước chung; lâu dần, nước thải ngấm vào lòng đất, làm ô nhiễm hệ thông nước ngầm".
Cũng theo ông Thọ, nghề giết mổ gia súc đã hình thành tại thôn Linh Quy Bắc khoảng 3-4 năm nay. Mới đầu chỉ vài điểm, hoạt động không thường xuyên; gần đây, do nhu cầu dùng thịt bò trong thành phố cao nên các điểm giết mổ hoạt động hằng ngày. Hai thôn Linh Quy Bắc, Linh Quy Đông hiện có 6-7 điểm giết mổ trâu bò, trung bình mỗi đêm họ thịt khoảng 30 con. Mục sở thị các điểm giết mổ trâu bò mới thấy mức độ ô nhiễm nghiêm trọng từ hoạt động này. Phía sau bờ tường một lò giết mổ ở thôn Linh Quy Bắc, phân bò lẫn với nước thải lênh láng, xả thẳng vào hệ thống tiêu thoát chung của thôn, biến thành màu đen kịt; từng ngày, ngấm xuống lòng đất, khiến nguồn nước ô nhiễm trầm trọng thêm.
Vấn đề ý thức
Ở làng nghề làm bún Phú Đô (phường Phú Đô, Nam Từ Liêm), chất lượng môi trường sống nơi đây đã được nâng lên ít nhiều sau khi đầu tư hệ thống cống thoát nước. Ông Bùi Quang Cảnh, từng 10 năm làm trưởng thôn nói với chúng tôi, mỗi ngày Phú Đô sản xuất 80 tấn bún. Trước đây, khi còn làm thủ công, gạo phải ngâm 3, 4 ngày, các hộ sản xuất chăn nuôi thêm lợn nên môi trường ô nhiễm nặng. Gạo ngâm xong, chất thải đổ thẳng xuống hệ thống thoát nước, hòa cùng chất thải chăn nuôi nên ngay từ đầu làng đã có thể ngửi thấy mùi chua chua, thum thủm. Lúc sốt đất cũng không ai dám mua ở Phú Đô. "Giờ hệ thống thoát nước đã được cống hóa, không còn nhiều hộ nuôi lợn, bún được làm bằng máy, hôm trước ngâm gạo, hôm sau ra thành phẩm. Nhiều hộ đã tự xử lý nước thải bằng cách cho vào những thùng lớn, sau khi chất thải tự lắng mới chắt đổ vào hệ thống thoát nước chung" - ông Cảnh nói.
Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Thu Hà, công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 2, phụ trách khu vực làng bún Phú Đô vẫn bức xúc cho biết: "Nói ô nhiễm giảm thì đúng, nhưng ý thức của người dân còn chưa cao. Vẫn có hộ xả thẳng ra hệ thống thoát nước chung. Ngày trở trời không chịu được, nhất là ở đoạn mương hở (gần Khu Liên hợp thể thao) chảy ra Sông Nhuệ. Nước có màu đục trắng, mùi chua, thum thủm bốc lên nồng nặc".
Với làng nghề Triều Khúc (Thanh Trì), Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều, ông Triều Đình Tâm cũng thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí và tiếng ồn, một phần do ý thức của các hộ dân. Nước thải sinh hoạt và sản xuất chưa được xử lý tập trung. Các hộ làm nghề tái chế nhựa, khi vệ sinh đồ tái chế, vẫn xả thẳng ra hệ thống chung. Rác thải và rác thải sản xuất phát sinh trong ngày không được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý. Mặc dù xã đã ký hợp đồng với Xí nghiệp Môi trường đô thị thu gom rác thải sinh hoạt và sản xuất ở hai điểm tập kết, với khối lượng 17-18 tấn/ngày đêm, nhưng vẫn còn tình trạng rác lưu cữu, ảnh hưởng đến môi trường...
Sản xuất tại làng nghề sơn mài Duyên Thái (huyện Thường Tín). Ảnh: Lê Tuấn |
Bao giờ hết "nóng"?
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Phạm Văn Khánh, thành phố hiện có 1.350 làng nghề (chiếm 59% tổng số làng trên địa bàn thành phố), trong đó có 287 làng nghề được công nhận theo tiêu chí làng nghề của thành phố. Sự phát triển nghề và làng nghề đã thu hút 30-70% số hộ và 50-90% số lao động, với hơn 700.000 người tham gia sản xuất thường xuyên.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Văn Khánh, đa số làng nghề chỉ sản xuất quy mô lẻ, công nghệ và thiết bị đơn giản, hiệu quả sử dụng nguyên liệu thấp, mặt bằng sản xuất hạn chế. Đặc biệt, việc đầu tư cho xây dựng các hệ thống bảo vệ môi trường như xử lý, giảm thiểu chất thải (lỏng, rắn và khí) từ các quá trình sản xuất chưa được cơ sở sản xuất quan tâm. Ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình của người lao động còn chưa cao. Vì vậy, ô nhiễm môi trường các làng nghề tiếp tục là vấn đề "nóng" cần được quan tâm và giải quyết. "Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện có 20 làng nghề có môi trường ô nhiễm nghiêm trọng" - ông Phạm Văn Khánh nói.
Vấn đề nữa, hầu hết các làng nghề có cơ sở hạ tầng lạc hậu, hệ thống thoát nước lộ thiên. Nước thải từ cơ sở sản xuất xả thẳng xuống hệ thống thoát nước, từ đó chảy ra ao, hồ. Tù đọng lâu ngày, những ao, hồ chứa nước thải này không chỉ gây ô nhiễm không khí, làm mất vệ sinh môi trường, mà còn ngấm xuống các tầng nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, hầu hết các dự án xử lý nước thải nhỏ lẻ không được xử lý triệt để, còn các dự án lớn vẫn nằm trên giấy.