Người chống tham nhũng rất cần trở thành "anh hùng"
Đời sống - Ngày đăng : 15:34, 05/03/2016
Các đơn vị có thành tích xuất sắc trong hoạt động “10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng” nhận bằng khen do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trao tặng, ngày 24-12-2015 - Ảnh: Tự Trung |
Chính phủ dự kiến trong tháng 3-2016, hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng sẽ được tổ chức. Mục đích đặt ra là sau tổng kết sẽ kiến nghị sửa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng và tìm biện pháp đột phá hoạch định công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Đừng làm nhụt chí người chính trực
Để chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc lần này, trước đó các bộ, ban, ngành và 63 tỉnh, thành đã có báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và lựa chọn ra những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng để biểu dương, khen thưởng.
Còn nhớ sau năm năm Luật phòng, chống tham nhũng đi vào cuộc sống, năm 2010 văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức hội nghị biểu dương những cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng.
88 người đến từ các địa phương trên cả nước đã được vinh danh tại hội nghị này là 88 câu chuyện có thật về sự vất vả, gian truân, bị trù dập, đe dọa về thân thể, tinh thần, thậm chí có người còn bị giết chết trong quá trình đối mặt với tham nhũng, đã làm nhụt chí nhiều người chính trực, tạo tâm lý sợ hãi không dám đấu tranh trước các hành vi sai trái.
Từ thực tế và qua đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng,
Chính phủ và nhiều địa phương, cơ quan chức năng đều cho rằng việc khen thưởng người có thành tích trong phòng, chống tham nhũng thời gian qua hiệu quả còn thấp, chưa thật sự động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân dũng cảm tố giác, đấu tranh với các hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Vì vậy, tại hội nghị tổng kết 10 năm lần này, để tiếp thêm động lực cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng rất cần vinh danh, biểu dương những cá nhân có thành tích trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng bằng những danh hiệu cao hơn, như “anh hùng chống tham nhũng” hoặc “anh hùng chống giặc nội xâm”.
Mục đích nhằm nhấn mạnh hơn nữa việc biểu dương mặt tích cực, đề cao gương sáng làm cho tên tuổi và những hành động dũng cảm, chính trực lan tỏa ra cả cộng đồng, tới mọi tầng lớp nhân dân.
Từ đó tác động tích cực đối với dư luận, góp phần khích lệ các cá nhân khác trong xã hội nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong chống tiêu cực, tham nhũng, góp phần vào việc xã hội hóa công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, xây dựng một xã hội minh bạch, tiến tới cải thiện thứ hạng bị xếp cao về tham nhũng của Việt Nam.
Nhân thêm những nhân tố tích cực
Việc vinh danh, biểu dương các điển hình trong công tác phòng, chống tham nhũng phải đi đôi với việc tăng cường bảo vệ người chống tham nhũng. Bộ Công an, Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện cơ chế, pháp luật bảo vệ, tôn vinh và khen thưởng người chống tham nhũng.
Tất cả cần thật sự đồng hành và bù đắp thiệt thòi cho những người chống tham nhũng. Có như vậy mới tạo được một phong trào đấu tranh mạnh mẽ với tham nhũng.
Đồng thời với việc biểu dương, tôn vinh những “anh hùng chống tham nhũng”, cũng cần vinh danh những “cán bộ, công chức liêm chính”.
Từ xưa tới nay, các vị quan thanh liêm luôn được nhân dân kính trọng. Họ đều là những người trung thực, tận tụy, luôn làm việc đúng, việc chính nghĩa, việc ích nước lợi dân và tất nhiên một cán bộ, công chức liêm khiết sẽ không khuất phục trước mọi cám dỗ của vật chất tầm thường. Thực tế cho thấy “liêm chính đã trở thành rào cản tham nhũng”.
Trong lúc mà tệ tham nhũng trở thành quốc nạn, trở thành mối đe dọa cho sự tồn vong của chế độ ta thì việc vinh danh, biểu dương những tấm gương cán bộ, công chức liêm chính là hết sức cấp thiết.
Chúng ta đều biết trong xã hội hiện nay, chắc chắn có rất nhiều cán bộ, công chức thanh liêm, nói đi đôi với làm, nhưng ta chưa có cuộc vận động bình chọn, biểu dương nào để nêu hình tượng tiêu biểu về gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của họ.
Việc tìm cán bộ, công chức liêm chính có lẽ không hề dễ, bởi những người thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư vốn khiêm tốn, không muốn tự nhận danh hiệu ấy. Mặt khác, để được đánh giá là liêm chính là cả một quá trình lâu dài lao động, rèn luyện, phấn đấu.
Nhưng dù khó khăn đến đâu, một đất nước vẫn có rất nhiều cán bộ, công chức cần được vinh danh là công bộc, là đầy tớ tốt của nhân dân, làm mẫu mực cho cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước.
Biểu dương, tôn vinh “anh hùng chống tham nhũng” và “cán bộ, công chức liêm chính” sẽ nhân lên những nhân tố tích cực trong lĩnh vực chống tham nhũng, xóa đi tiếng xấu về tệ tham nhũng ở Việt Nam với dư luận xã hội và bạn bè quốc tế. Việt Nam đã chứng minh chúng ta rất xuất sắc khi có vị trí dẫn đầu trong việc thực hiện và đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, xóa đói, giảm nghèo.
Hình ảnh Việt Nam sẽ còn đẹp hơn nữa nếu nâng vị thế đất nước lên hàng minh bạch, ít tham nhũng.