Không thể “đánh trống bỏ dùi”!

Bạn đọc - Ngày đăng : 08:30, 05/03/2016

(HNM) - Việc Hà Nội triển khai thực hiện Quy chế


Qua tìm hiểu, tôi được biết Quy chế có rất nhiều quy định cụ thể, rõ ràng, từ các khái niệm, phương tiện, hình thức quảng cáo cho đến khu vực không được phép quảng cáo, khu vực hạn chế quảng cáo và trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương trong việc quản lý hoạt động này. Là một công dân sinh sống, làm việc lâu năm trên địa bàn Thủ đô, tôi đánh giá cao việc Hà Nội xây dựng được một Quy chế quản lý đặc thù cho hoạt động quảng cáo ngoài trời, vốn diễn ra vô cùng sôi động và phức tạp.

Trước hết, khu vực không được phép quảng cáo là khu vực Quảng trường Ba Đình, hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, công trình di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh trại quân đội, đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế…, theo tôi là hoàn toàn hợp lý, bởi những nơi này được ví như "bộ mặt" của Thủ đô, cần sự thông thoáng, tôn nghiêm. Khu vực hạn chế quảng cáo trong Quy chế được nêu rõ từng địa danh, tuyến phố (Quảng trường 19-8, 1-5, phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ…) sẽ tránh được tình trạng các tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng sự không rõ ràng để thực hiện nội dung quảng cáo tại những địa điểm này.

Điều đáng ghi nhận là quy định về biển quảng cáo tại các công trình, nhà ở riêng lẻ theo nội dung Quy chế đã khắc phục được những điểm vênh, những kẽ hở của các quy định trước đó về hình thức quảng cáo phổ biến này. Chẳng hạn, Thông tư 19/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định việc lắp đặt bảng quảng cáo tại các công trình, nhà ở phải ốp sát vào ban công, trong khi nhiều nhà ở Hà Nội không có ban công nhưng lại có mặt tiền, có hoạt động kinh doanh và có nhu cầu quảng cáo.

Kẽ hở này đã được điều chỉnh trong Quy chế với quy định rõ: "Bảng quảng cáo ngang lắp đặt tại mặt tiền các công trình, nhà ở riêng lẻ nếu công trình đó không có ban công, mái hiên thì có thể ốp vào mặt tường nhà, mặt ngoài bảng quảng cáo nhô ra khỏi mặt tường nhà không quá 0,2m, không che chắn thông gió, chiếu sáng". Tương tự, quy định "đóng khung" mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được treo tối đa 20 băng rôn quảng cáo đối với một chương trình biểu diễn nghệ thuật, hội chợ, triển lãm; 200 băng rôn đối với chương trình an sinh xã hội… tồn tại nhiều năm nay được điều chỉnh tăng lên sẽ hạn chế được tình trạng doanh nghiệp quảng cáo "chui", gây rác đường phố.

Điểm tiến bộ của Quy chế đã rõ, trách nhiệm của các ngành chức năng cũng đã rõ, tôi chỉ băn khoăn một điều, các ngành chức năng, các địa phương sẽ phối hợp triển khai thực hiện như thế nào để Quy chế được triển khai sâu rộng và mỗi người dân sinh sống, lao động, học tập trên địa bàn Thủ đô tự nguyện, tự giác thực hiện. Cùng với đó là việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo rao vặt... Tôi được biết, quận Hoàn Kiếm có những tổ "cơ động" thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý những người có hành vi vi phạm các quy định về hoạt động quảng cáo ngoài trời nói riêng, về nếp sống văn minh đô thị nói chung, hoạt động khá hiệu quả. Thực tế cũng cho thấy, thời gian nào các cấp, các ngành chức năng vào cuộc đồng bộ thì thời gian đó phố phường Hà Nội sạch "rác" quảng cáo hơn.

Rõ là, khi ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, thì sự vào cuộc đồng bộ, bền bỉ của các ngành, các địa phương trong quá trình triển khai Quy chế là vô cùng quan trọng. Không thể làm kiểu "đầu voi, đuôi chuột", "đánh trống bỏ dùi" như một số phong trào trước đó!

Luật sư Nguyễn Hồng Linh (Tòa nhà VOV Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội)