Phải có giải pháp mạnh!
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:37, 05/03/2016
Chất cấm đã được đưa lên tận vùng miền núi, vùng sâu, các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ đều có "hàng cấm" phục vụ người chăn nuôi, nhưng… không dễ phát hiện.
Một thông tin khác từ ngành Y tế, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có thêm khoảng 150.000 người mắc bệnh ung thư và khoảng 75.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Nguyên nhân là do môi trường ô nhiễm và thực phẩm nhiễm độc…
Như vậy "con đường từ dạ dày đến nghĩa địa" của mỗi người vẫn chưa được thu hẹp. Câu chuyện về một nền nông nghiệp đang đầu độc giống nòi bằng các loại nông sản không an toàn từng làm "nóng" nghị trường vẫn chưa hạ nhiệt. Quyết tâm loại bỏ "chất cấm", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo, trong 4 tháng tới phải triệt tiêu được việc sử dụng chất kháng sinh, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp.
Quyết tâm này có trở thành hiện thực hay không? Có thể loại bỏ được "chất cấm" trong chăn nuôi hay không? Khó! Bởi nhiều lẽ.
Thứ nhất, việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản, vật tư nông nghiệp ở các địa phương chưa được xem là nhiệm vụ quan trọng. Chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, nhiều nơi bị buông lỏng. Một địa phương có 19.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh loại này nhưng chỉ quản lý được 5.000 cơ sở thì liệu có thể truy xuất được nguồn gốc "chất cấm" hay không? Chưa nói chuyện khác.
Thứ hai, kinh doanh, sử dụng "chất cấm" trong chăn nuôi có thể xem là hành vi "đầu độc" giống nòi nhưng xử phạt không đủ sức răn đe. Do vậy, dẫn tới tình trạng "nhờn luật", bất chấp tất cả vì lợi nhuận và sẵn sàng tiếp tục thực hiện các hành vi vô cùng nguy hiểm cho xã hội.
Thứ ba, người tiêu dùng - nạn nhân - người bị "đầu độc" vì nhiều lý do vẫn đang tiếp tay cho những hành vi vô lương bởi thói quen mua thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Thay đổi nhận thức của người dân và cả nhà quản lý là một quá trình, không thể nói chuyện ngày một, ngày hai nhưng việc ban hành những quy định nhằm điều chỉnh hành vi phải được xem là vấn đề cấp thiết. Bên cạnh việc tăng cường kiểm soát khâu nhập khẩu "chất cấm" trong chăn nuôi, truy tìm đối tượng để xử lý tận gốc thì việc xử lý hình sự và sử dụng những giải pháp "mạnh" (ví dụ phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cao nhất là 1 tỷ đồng; phạt tù từ 1 năm đến 5 năm…) với các hành vi sai phạm là cần thiết.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần thi hành nghiêm túc quy định của pháp luật nhằm khuyến khích và tạo "sân chơi" công bằng cho những người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sạch. Đồng thời, khuyến khích người tiêu dùng thay đổi thói quen mua bán, sử dụng thực phẩm như hiện nay.
Nếu không có quyết tâm cao, giải pháp mạnh sẽ không thể rút ngắn được "con đường từ dạ dày đến nghĩa địa".