Mục tiêu lớn, khó khả thi
Đời sống - Ngày đăng : 07:35, 05/03/2016
Vấn đề ATVSTP vẫn là nỗi lo lớn đối với người tiêu dùng.Ảnh: Anh Tuấn |
“Quả bom” chất cấm
Theo đánh giá của Bộ NN& PTNT, tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật... trong nông nghiệp đang ở mức báo động. Giải quyết vấn đề này, các ngành chức năng đã tăng cường lấy mẫu, kiểm tra, giám sát, xử lý nhưng vi phạm vẫn tràn lan. Nguyên nhân chủ yếu do công tác quản lý chất cấm trên thị trường còn lỏng lẻo, chế tài xử phạt quá nhẹ.
Đại tá Phan Mạnh Thông, Trưởng phòng 5 (C49 - Bộ Công an) thông tin: Vừa qua, đơn vị kiểm tra 20 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, xác định các công ty này đã nhập 9 tấn Sabultamol (chất cấm) nhưng chỉ có 1 tấn sử dụng đúng mục đích. C49 đã thu hồi khoảng 1,9 tấn, còn lại trôi nổi trên thị trường. Vì lợi ích trước mắt, thương lái đã dùng đủ chiêu trò như cung cấp, cam kết mua sản phẩm với giá cao hơn so với giá thị trường khiến một số hộ chăn nuôi hám lợi sử dụng chất cấm để hưởng lợi.
Kiểm tra chất lượng ATVSTP trên địa bàn huyện Phúc Thọ. |
Với 40% nông sản phải nhập từ các tỉnh cùng điều kiện sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thị trường Hà Nội đang là nơi khó kiểm soát mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực thanh tra, kiểm tra. Theo ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Vinh Anh (Hà Nội), tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi ngày càng tinh vi. Mặc dù nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi không có chất cấm nhưng các cửa hàng vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ ở huyện, xã luôn có hàng để phục vụ người chăn nuôi. Các ngành chức năng rất khó phát hiện vì họ thường không bày ra quầy hàng mà ai có nhu cầu mới bán!
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc nhận định: Thời gian gần đây, thành phố đã có sự phân công, phân cấp rõ ràng giữa 3 ngành Y tế, Công thương, NN&PTNT về quản lý vệ sinh ATTP, trong đó vấn đề sản xuất được coi trọng nhất nên ngành nông nghiệp đã tập trung giám sát ngay tại "gốc" (để có thể truy xuất nguồn gốc); đồng thời, phân cấp quản lý mạnh mẽ cho huyện, thị xã để tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng ATTP, nhưng chưa hiệu quả.
Ông Hoàng Văn Thám, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ: Rất khó thực hiện Hiện, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT và thành phố, ở các huyện, thị xã sẽ rất khó thực hiện vì thực tế nhân lực của huyện để làm công tác ATTP còn mỏng và kiêm nhiệm nhiều việc. Nguồn kinh phí bố trí cho quản lý ATTP không nhiều; việc kiểm tra phải có kế hoạch, không thực hiện được thường xuyên hay đột xuất. |
Nhiều địa phương chưa coi đây là nhiệm vụ quan trọng, chưa vào cuộc quyết liệt, nên đến nay cấp huyện, thị xã mới quản lý được 20% số cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Hữu Thước cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 60 cửa hàng buôn bán thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ nằm ở các xã, thị trấn. Hầu hết các cửa hàng này cơ quan chức năng không kiểm soát được số lượng hàng bán ra bao nhiêu, đặc biệt là chất cấm, kháng sinh…
Chất cấm, với mức độ sử dụng đáng báo động trong trồng trọt, chăn nuôi hiện nay đang thực sự trở thành "quả bom" chực chờ phát nổ.
Không quyết liệt, khó triệt tiêu!
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, quản lý chất kháng sinh đang là vấn đề nhức nhối và khó kiểm soát nhất bởi khối lượng nhập khẩu quá lớn. Vì vậy, ngoài tăng cường kiểm soát nhập khẩu, cơ quan chức năng không thể chỉ xử lý phần "ngọn" như kiểm tra ở các lò mổ, trang trại mà phải truy rõ những trạng trại này lấy chất cấm ở đâu, ở công ty nào, rồi truy tìm đối tượng để xử lý tận gốc.
Bộ sẽ tiếp thu và kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, coi vi phạm về ATVSTP là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài xử lý hành chính khi Luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực (từ ngày 1-7-2016) quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 317 tội vi phạm quy định về ATTP, người nào sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng và cao nhất là 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm… - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói tại hội nghị tổng kết đợt cao điểm hành động ATVSTP trong nông nghiệp, ngày 3-3, đồng thời chỉ đạo, 4 tháng tới phải triệt tiêu được tình trạng sử dụng chất cấm, tồn dư bảo vệ thực vật trong nông nghiệp.
Đồng tình với Bộ trưởng Cao Đức Phát, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là một trong 2 địa phương phải quyết liệt xử lý tận gốc (vấn đề - PV). Tuy nhiên, nếu không quyết liệt thì cái đích "xử lý tận gốc về sử dụng trong thời gian 4 tháng" khó khả thi. Hiện các ngành chức năng của TP Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát, thống kê các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Đối với tuyến huyện, thị xã thì việc này còn chậm.
Xác định những khó khăn, thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan quyết liệt hơn nữa trong lấy mẫu, kiểm tra chất cấm, kháng sinh tại các trang trại, cơ sở giết mổ, chợ dân sinh để truy xuất nguồn gốc xuất xứ;... xử lý nghiêm khắc các cơ sở sản xuất xếp loại C mà không có biện pháp khắc phục khi tái kiểm tra nhiều lần.
Mỗi năm, nước ta có thêm 150.000 người bị ung thư (HNM) - Theo Bộ Y tế, chỉ trong 14 năm trở lại đây, số người mắc ung thư tại Việt Nam đã tăng lên gấp 2 lần. Cơ quan ghi nhận ung thư quốc tế (Globocan, trụ sở ở Pháp) cho biết, nếu như năm 1998, tại Việt Nam mới có hơn 70.000 trường hợp mắc ung thư mới thì đến nay, trung bình ở nước ta mỗi năm có khoảng 150.000 người mắc mới và khoảng 75.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Nguyên nhân được cho là do môi trường ô nhiễm và thực phẩm nhiễm độc. Xuân Lộc |