Ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngang Bắc Kinh?
Đời sống - Ngày đăng : 21:13, 04/03/2016
"Đừng đi ra ngoài! Xin hãy chia sẻ và bảo vệ gia đình bạn. Sáng nay, Hà Nội có chỉ số AQI lên đến 388, đây là mức cực kỳ ô nhiễm và có hại đối với cả những người khoẻ mạnh", khuyến cáo trên Facebook John Hùng Trần được hàng trăm lượt bình luận và gần 2.000 lượt chia sẻ trong vài ngày qua.
Chỉ số AQI (Air Quality Index - chỉ số chất lượng không khí) mà anh Hùng nhắc đến được đo từ máy đo chất lượng không khí đặt tại trụ sở Đại sứ quán Mỹ (phố Láng Hạ) và được cập nhật liên tục trên website chỉ số không khí toàn cầu Aqicn.org.
Chỉ số AQI của Hà Nội hôm 1/3 (trên) và Bắc Kinh 4/3 (dưới). |
'Hà Nội không ô nhiễm nặng như Bắc Kinh'
Những ngày qua, chỉ số AQI khá cao (AQI = 114 - 388), thậm chí sáng 1/3, AQI lên mức 388. Bắc Kinh - thành phố ô nhiễm nổi tiếng của Trung Quốc, những ngày qua chỉ số AQI cũng ở mức 119-430. Trong đó, sáng nay chỉ số cao nhất đo được là 430.
Sáng 4/3, Tiền Phong dẫn lời TS Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho hay kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường cũng tương đồng với kết quả đo được ở Đại sứ quán Mỹ và kết quả công bố trên Aqicn.org.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, không thể so sánh ô nhiễm ở Hà Nội với Bắc Kinh chỉ bằng chỉ số ở một vài thời điểm. Muốn so sánh phải có chuỗi số liệu trong một thời gian nhất định ở nhiều trạm quan trắc khác nhau.
TS Tùng khẳng định, Hà Nội không ô nhiễm nặng như Bắc Kinh. Chỉ số AQI cũng thay đổi trong ngày, tăng mạnh vào lúc cao điểm giao thông. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí là vấn đề tồn tại từ lâu ở Hà Nội. Trong đó, quan ngại nhất là nồng độ bụi mịn và nồng độ ozon trong không khí vượt mức cho phép.
Cũng trên Tiền Phong, GS TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Môi trường và Thiên nhiên Việt Nam cho rằng, Hà Nội không thể ô nhiễm như Bắc Kinh.
"Tôi từng sống ở Bắc Kinh. Thành phố này có cả hệ thống sưởi ấm bằng than. Ô nhiễm ở Bắc Kinh rất khác Hà Nội”, ông Đăng nói và cho rằng, ô nhiễm không khí là vấn đề nhiều năm nay của Hà Nội.
Thi công cẩu thả khiến nhiều tuyến đường ở Hà Nội chìm trong bụi. Ảnh: Lê Hiếu. |
10 năm trước, ô nhiễm đã ở mức báo động
Theo Báo cáo môi trường quốc gia 2014 - báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên & Môi trường, các nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam gồm: giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp; xây dựng và dân sinh; nông nghiệp, làng nghề; chôn lấp và xử lý chất thải.
5 năm gần đây, chất lượng không khí đô thị chưa có nhiều cải thiện, AQI vẫn ở mức tương đối cao. Năm 2013, Hà Nội có tới 237 ngày chất lượng không khí kém (AQI 101-200), 21 ngày chất lượng không khí xấu (AQI 201-300) và một ngày chất lượng không khí ở mức nguy hại (AQI>300).
Ngoài ra, nồng độ bụi cao vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhất, đặc biệt là đối với môi trường không khí tại các đô thị.
Theo số liệu đo tại trạm quan trắc Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) năm 2010-2013, ô nhiễm không khí thường tập trung vào các tháng 5-9 và 11-3 khi nhiệt độ thấp hoặc không khí khô làm cản trở sự phát tán của các chất ô nhiễm ở tầng mặt.
Ô nhiễm không khí khiến sức khỏe con người bị suy giảm, quá trình lão hóa trong cơ thể bị thúc đẩy, chức năng của phổi bị suy giảm, gây bệnh hen suyễn, ho, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, suy nhược thần kinh, tim mạch và giảm tuổi thọ. Nguy hiểm nhất là có thể gây ra bệnh ung thư phổi.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, các bệnh về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc và một trong các nguyên nhân là ô nhiễm không khí.
Ùn tắc triền miên ở Hà Nội cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh. |
Ô nhiễm ở Hà Nội ngày càng gia tăng
Năm 2004, UBND TP Hà Nội cho biết, mức độ nhiễm không khí đã tới mức báo động, các chỉ số về ô nhiễm đều vượt tiêu chuẩn nhiều lần. Nồng độ bụi tại quận Đống Đa và Long Biên là 0,8mg/m3, Tây Hồ 0,78 mg/m3, Hoàng Mai 0,72mg/m3, Ba Đình và Hoàn Kiếm hơn 0,5 mg/m3, trong khi tiêu chuẩn cho phép dưới 0,2mg/m3.
Ba năm sau, Trung tâm Kỹ thuật môi trường đô thị và khu công nghiệp (CEETIA) cho biết, nồng độ ô nhiễm không khí tại các khu dân cư ở Hà Nội có xu hướng gia tăng. Nồng độ các khí độc hại đều tăng, nồng độ bụi tăng 4-20%.
Theo ông Phạm Ngọc Đăng - Giám đốc CEETIA, ở thời điểm năm 2007, ước tính ô nhiễm không khí ở Hà Nội làm thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng mỗi ngày.
Năm 2009, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho hay, nguyên nhân ô nhiễm do 95% lượng xe tải chở quá tải, không che chắn, không đảm bảo vệ sinh. Khi tắc nghẽn giao thông, mức độ ô nhiễm hơi xăng dầu có thể tăng lên 4 - 5 lần.
Kết quả quan trắc tại trạm khí tượng Láng (Hà Nội) cho thấy, lượng bụi khí PM10, SO2, nồng độ bụi lơ lửng tại thủ đô đều vượt tiêu chuẩn cho phép.
Đầu năm 2012, ARIA Technologies - công ty cung cấp giải pháp tính toán, mô phỏng ô nhiễm môi trường không khí và hỗ trợ dự báo khí tượng Pháp cho hay, Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm nhất châu Á, và là thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á.
Theo ông Jacques Moussafir - Giám đốc ARIA, nguồn gây ô nhiễm chính là giao thông, thể hiện ở hàm lượng bụi PM10 cao gấp 4 lần mức khuyến cáo của WHO.
"Mức độ ô nhiễm của Hà Nội tương đương Delih (Ấn Độ) và Karachi (Pakistan) - hai trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nếu chất lượng không khí ở Hà Nội tiếp tục đi xuống, các trường hợp nhiễm bệnh sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020", ông Moussafir cảnh báo tại hội thảo năm 2012.
Cuối năm 2015, Vụ Môi trường (Bộ GTVT) công bố, ô nhiễm bụi ở Hà Nội vượt giới hạn cho phép 1-2 lần. Còn Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) cho hay, tại nhiều nút giao thông và khu đông dân cư của thủ đô, nồng độ bụi cao hơn 5-7 lần mức cho phép.