Trung Quốc xử lý “xác sống” trong nền kinh tế
Nông nghiệp - Ngày đăng : 15:36, 04/03/2016
Kể từ những năm 1990, ước tính đã có từ 20 tới 35 triệu lao động đã bị sa thải. Đến nay, thách thức tái cơ cấu những doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả trong nền kinh tế đang trở thành một trong những mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Trung Quốc. Nhưng lần này, chính phủ đang có cách tiếp cận khiêm tốn hơn trong việc xử lý những “xác sống” này trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc - điều không chỉ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc và thế giới bất an mà còn làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ bất ổn xã hội.
Trong 5 năm tới, Bắc Kinh đã đề ra kế hoạch cắt giảm 1,8 triệu công nhân ngành than và thép. Để giảm bớt tác động về mặt xã hội, chính phủ tuyên bố sẽ chi 100 tỷ nhân dân tệ (15,3 tỷ USD) nhằm trợ cấp thôi việc, tái đào tạo và tái định cư cho người lao động.
Khói bốc lên từ một nhà máy sản xuất thép Tonghua, Trung Quốc. |
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học đặt câu hỏi, liệu chỉ cắt giảm biên chế có đủ để tạo ra bước đột phá trong nền kinh tế?
Tập đoàn khai mỏ LongMay là một ví dụ. Vào thời kỳ hoàng kim, tập đoàn này có 250.000 nhân công. Giờ đây con số này chỉ không tới 200.000 người. Hơn 50.000 công nhân đã chuyển sang làm việc trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, lâm nghiệp hay vệ sinh. Thế nhưng, trong nửa đầu năm 2015, tập đoàn vẫn thua lỗ 2,23 tỷ nhân dân tệ. Trong tháng 11/2015, chính quyền tỉnh đã phải can thiệp bằng gói cứu trợ trị giá 3,8 tỷ nhân dân tệ để giúp công ty này trả nợ.
Tại kỳ họp Quốc hội năm nay, mặc dù Trung Quốc cam kết sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “công xưởng của thế giới” sang chú trọng vào tiêu dùng và dịch vụ. Tuy nhiên, chưa rõ chính phủ sẽ kiềm chế sản lượng dư thừa của các nhà máy bằng cách nào, và cứng rắn đến đâu?
Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ đạt mức trung bình 6,5% mỗi năm từ nay tới năm 2020. Trong bài phát biểu ngày 3/3, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Li Daokui ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ vào khoảng 6,7%.
Các nhà kinh tế học tại Nomura Holdings Inc., Banco Bilbao Vizcaya Argentaria SA và Goldman Sachs Group Inc., cùng với nhiều thể chế tài chính khác đều nhận định mục tiêu nói trên là khá lạc quan, đặt trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung đang đối mặt với nhiều “cơn gió ngược”.
Theo các thể chế này, nhiều ngành tại Trung Quốc hiện đang vượt quá công suất cần thiết khoảng 35%. Sản xuất vượt nhu cầu trong khi thị trường tiêu thụ co hẹp đang góp phần đẩy gánh nặng nợ tại nhiều công ty gia tăng.
Trong tuần này, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s Investors Service đã hạ bậc xếp hạng của 25 tổ chức tài chính, 38 công ty quốc doanh và các chi nhánh của các công ty Trung Quốc. Ngoài ra, Moody’s cũng hạ đánh giá triển vọng tín dụng của Bắc Kinh từ mức ổn định xuống tiêu cực.
Có nhiều lý do khiến các nỗ lực tái cơ cấu 150.000 doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc đang diễn ra chậm hơn so với những năm cuối thập kỷ 90. Một nền kinh tế chuyên môn hóa sâu hơn đồng nghĩa với việc khó tìm việc làm mới cho các công nhân bị sa thải. Các nguồn lực mới cũng hạn chế hơn so với thời điểm những năm 2000, khi Trung Quốc chuẩn bị gia nhập WTO.
Một nhà máy thép bị bỏ hoang ở Trung Quốc. |
Thêm một vấn đề nữa đó là những bất cập trong việc thực hiện chính sách. Trung Quốc đã nhiều lần công bố các biện pháp cải cách, nhưng việc thực hiện lại bị chính quyền địa phương phớt lờ vì phần lớn các địa phương đều mong muốn thúc đẩy việc làm và tăng nguồn thu thuế.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu quét qua, Trung Quốc nỗ lực tăng hiệu quả hoạt động của ngành thép bằng cách đóng cửa các nhà máy nhỏ lẻ. Tuy nhiên điều này lại đem lại tác dụng không mong muốn: Năng lực sản xuất tại các nhà máy thép tăng vọt, khiến sản lượng dư thừa nghiêm trọng.
Mối lo ngại về nguy cơ bất ổn xã hội cũng gia tăng. Trong năm ngoái, số lượng các cuộc biểu tình do người lao động tiến hành đã tăng gấp đôi so với năm 2014. Để đối phó với vấn đề này, Trung Quốc đã bổ sung thêm các biện pháp để giảm bớt tác động của việc sa thải hàng loạt nhân công bằng cách mở rộng mạng lưới công tác xã hội và tăng cường hỗ trợ người thất nghiệp.
Dù thế nào, việc xử lý những “xác sống” trong nền kinh tế quyết liệt đến đâu sẽ còn phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm của những nhà lãnh đạo Trung Quốc, vốn đã có một năm đau đầu vì chứng khoán lao dốc chóng mặt và kinh tế tăng trưởng chậm nhất một phần tư thập kỷ.