Vì luật còn... chỗ lách
Giao thông - Ngày đăng : 09:07, 04/03/2016
Xe dừng trả khách ngay tại chân cầu vượt |
Thu hồi phù hiệu hàng loạt xe hợp đồng
Từ lâu, vấn đề xe hợp đồng (XHĐ) trá hình đã gây nhức nhối trong hoạt động vận tải hành khách tại nhiều địa phương. Ngay tại Hà Nội, đang có không ít nhà xe lợi dụng danh nghĩa XHĐ để tổ chức đón trả khách tại nhiều địa điểm như bệnh viện, trường học… và dọc các tuyến quốc lộ. Thậm chí, các nhà xe thuê văn phòng giao dịch xung quanh các bến xe, sau đó tổ chức đi gom khách. Hành khách chỉ việc gọi điện đặt chỗ là sẽ có xe đến đón. Các tuyến đang có nhiều XHĐ hoạt động nhiều nhất là Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa…
Ông Nguyễn Tuyển, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, thời gian qua thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan xử lý nghiêm và đã thu hồi phù hiệu hàng loạt XHĐ vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải. Có những tháng Sở đã quyết định thu hồi phù hiệu hơn 20 phương tiện núp bóng XHĐ để hoạt động tuyến cố định trái quy định, hoặc vi phạm các lỗi như đón trả khách sai quy định tại chân cầu vượt Mai Dịch, đường Vành đai 3 trên cao, đường Phạm Hùng, đường Phạm Văn Đồng… Nhức nhối nhất phải kể tới nhà xe Sao Việt chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai. Đây là các XHĐ, nhưng đang chạy gần như xe khách tuyến cố định.
Xây dựng phần mềm quản lý
Thừa nhận Lào Cai đang là "điểm nóng" của hoạt động xe khách núp bóng XHĐ, ông Phạm Tiến Quỳnh, Trưởng phòng Vận tải (Sở GT-VT Lào Cai) bức xúc: Lào Cai là tỉnh có du lịch phát triển, theo đó loại hình XHĐ càng có điều kiện phát triển. Thời gian qua, việc cấp phép kinh doanh vận tải với XHĐ rất đơn giản.
Khi hoạt động, XHĐ không có mẫu hợp đồng vận chuyển cụ thể, danh sách hành khách để trống hết, ngày tháng, hành trình, nơi xuất bến cũng hầu như để trống. Hiện đang có tình trạng XHĐ sử dụng danh sách hành khách khống rồi sau đó bắt khách dọc đường và điền vào hợp đồng vận chuyển để đối phó khi bị kiểm tra. Bên cạnh đó, có những đơn vị vận tải gửi hợp đồng xe về Sở rất chậm. Ví dụ, như 8h xe chạy thì 9h mới gửi hợp đồng, nội dung hợp đồng để trống rất nhiều mục khiến việc thanh tra, kiểm tra rất khó khăn...
Hiện cả nước có hơn 7.000 đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch (khoảng 35.000 xe). Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GT-VT sẽ phối hợp với các ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các hiệp hội và DN nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Nghị định số 86/2014/CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô để trình Chính phủ trong tháng 12-2016. |
Nhiều ý kiến cho rằng chính tình trạng lộn xộn trong quản lý XHĐ là nguyên nhân dẫn tới tình trạng xe "dù", bến "cóc" bùng phát tại nhiều địa phương hiện nay. Không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của các doanh nghiệp (DN) vận tải khách tuyến cố định, hành vi tranh giành, đón trả khách bừa bãi tại các cổng trường học, bệnh viện, khu dân cư và dọc các tuyến quốc lộ còn gây ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.
Góp ý vào việc sửa đổi bổ sung quy định nhằm quản chặt loại hình XHĐ, ông Phạm Tiến Quỳnh kiến nghị quy định xe khách hợp đồng phải mang bản hợp đồng in sẵn chứ không được viết tay để điền tên hành khách sau khi đã bắt khách dọc đường. Bên cạnh đó, nên lập hộp thư điện tử để DN kinh doanh XHĐ gửi thông báo danh sách hành khách về Sở GT-VT.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận, các quy định về quản lý XHĐ chưa chặt chẽ nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ngày càng diễn biến phức tạp. Ngay trong năm 2016, Tổng cục sẽ xây dựng phần mềm quản lý XHĐ dựa trên dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để các sở GT-VT có sự phối hợp trong quản lý và giám sát hoạt động của phương tiện.