Xây dựng thương hiệu rau sạch Mê Linh

Kinh tế - Ngày đăng : 08:54, 04/03/2016

(HNM) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân huyện Mê Linh đã tạo ra những cánh đồng rau, củ, quả sạch đem lại hiệu quả kinh tế cao...

Chăm sóc rau an toàn tại huyện Mê Linh.Ảnh: Thái Hiền


Trên cánh đồng thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Mười cùng nhiều người dân đang tất bật chăm sóc những luống rau xanh ngắt. Đưa tay gạt những giọt mồ hôi, bà Mười chia sẻ: "Trồng rau xanh tuy vất vả, phải chăm sóc đủ các điều kiện thì cây rau mới sinh trưởng, phát triển tốt, nhưng bù lại cho thu nhập khá. Gia đình tôi trồng 5 sào rau cải, hành tây, su hào, ớt, trung bình mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng".

Cũng như gia đình bà Mười, nhiều hộ trồng rau, củ, quả ở xã Tiền Phong cũng đang "sống khỏe" nhờ trồng rau an toàn. Ông Ngô Văn Tấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tiền Phong cho biết: Thu nhập của hơn 3.100 hộ dân địa phương chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Mấy năm gần đây, thực hiện chủ trương thu hồi đất để phục vụ các dự án công nghiệp, đô thị, diện tích đất nông nghiệp ở địa phương bị thu hồi nhiều, hiện chỉ còn 110ha. Không còn nhiều đất sản xuất, người dân chuyển sang trồng rau xanh và hoa. So với trồng lúa một năm 2 vụ, thì trồng rau sạch mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Ông Tấn dẫn chứng, vụ xuân năm nay, trồng một sào hành tây sau khi trừ chi phí cho thu lãi 20 triệu đồng, su hào khoảng 17 triệu đồng, cải ngọt 16 triệu đồng, người dân lãi lớn.

Tráng Việt cũng là một trong những xã có khá nhiều hộ trồng rau xanh cho thu nhập cao ở Mê Linh. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Huy Đoàn, thôn Nông Cao trồng 8 sào rau an toàn, bình quân cho thu nhập hơn 350 triệu đồng/năm. Nhận thấy hiệu quả, gia đình ông Đoàn vừa chuyển sang trồng củ cải, vụ xuân này cho thu hoạch hơn 3 tấn với giá bán tại ruộng 8.000 đồng/kg. "Củ cải hợp với đất bãi tơi xốp nên lớn nhanh, củ to, trắng; từ khi trồng đến khi thu hoạch trong vòng 45-60 ngày tùy vào điều kiện thời tiết, đây là cây trồng cho hiệu quả cao so với cây rau màu khác" - ông Đoàn cho hay.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Phùng Minh Chiến, dù diện tích nông nghiệp đang có chiều hướng giảm do quá trình đô thị hóa, nhưng diện tích rau sạch của huyện không giảm, mà tăng trong một vài năm qua. Mê Linh đang hình thành các vùng chuyên canh lớn, năng suất, chất lượng cao. Đáng nói, nông dân ở đây chịu khó tìm tòi, học hỏi tiến bộ kỹ thuật mới đưa vào sản xuất, hạn chế được tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu để phòng và chữa bệnh, thay vào đó là việc sử dụng biện pháp che phủ ni lông, dùng thiên địch, bẫy bả sinh học để hạn chế sâu bệnh. Phần lớn nông dân đã nhận thức rõ, phun thuốc rất tốn kém, không mang lại thu nhập cao mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người nông dân, trước khi ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, sau dồn điền, đổi thửa, huyện đã tập trung chuyển đổi hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh lúa, rau, hoa chất lượng cao. Trong đó, có
7 xã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn với diện tích gần 500ha. Thời gian tới, Mê Linh tiếp tục tháo gỡ khó khăn thông qua việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất. Huyện đang tích cực vận động các địa phương chuyển sang trồng rau an toàn, xây dựng thương hiệu để rau sạch không chỉ là thương hiệu của riêng xã Tráng Việt, mà từng bước trở thành mặt hàng nông sản chất lượng cao của toàn huyện.

Lê Lan