Liên kết là đòi hỏi tất yếu!

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:47, 04/03/2016

(HNM) - Bằng Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 5-5-2008 của Thủ tướng Chính phủ, vùng Thủ đô Hà Nội chính thức được định hình gồm Hà Nội và 7 tỉnh lân cận.


Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quy mô, phạm vi nghiên cứu của Vùng bao gồm Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh lân cận. Từ đó đến nay, Hà Nội cũng như các tỉnh trong vùng Thủ đô, đã bước đầu triển khai bám sát các định hướng, chiến lược. Nhiều dự án có quy mô lớn trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật đã được thực hiện ở quy mô cấp vùng.

Liên kết là việc tất yếu của nền kinh tế thị trường để tạo nên những cực tăng trưởng, điều này cho phép Hà Nội cũng như các tỉnh thuộc vùng Thủ đô tận dụng những cơ hội bên ngoài, đồng thời phát huy lợi thế riêng của từng địa phương cho yêu cầu phát triển. Hà Nội đặc biệt coi trọng tăng cường liên kết với các địa phương. Ngược lại, các địa phương cũng nhận thấy những khả năng hợp tác to lớn với Hà Nội trên nhiều lĩnh vực.

Những năm gần đây, hàng loạt dự án giao thông lớn đã được đầu tư và đưa vào sử dụng, như các tuyến cao tốc Hà Nội đi Hải Phòng, Lào Cai, Ninh Bình, Hạ Long, Bắc Giang, Thái Nguyên… là hành lang kết nối không chỉ với các tỉnh lân cận mà còn là trục hội nhập quốc tế thông qua cửa khẩu hàng không hoặc cửa khẩu biên giới. Rõ ràng những hành lang này đã mở ra điều kiện vô cùng thuận lợi, góp phần cho Hà Nội đẩy mạnh phát triển theo mô hình "chùm đô thị" đa cực.

Tuy nhiên, có một thực tế là với từng lĩnh vực cụ thể như dịch vụ, du lịch, thương mại, sự hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh thuộc vùng Thủ đô dường như còn chưa thể hiện được sự bứt phá. Liên kết chia sẻ các chức năng vùng còn chưa rõ ràng; công tác phối hợp giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ngành còn nhiều lúng túng, chưa tạo được sự gắn kết giữa các tỉnh, thành phố trong nội vùng… Điều này khiến cho nền kinh tế Thủ đô và các địa phương vẫn còn tách biệt, ít tương tác.

Chính vì vậy, chiến lược phát triển kinh tế Hà Nội trong quá trình triển khai liên kết vùng tới đây đòi hỏi phải được thực hiện quy hoạch theo không gian lãnh thổ và xác định chức năng, nội dung hợp tác liên kết một cách thiết thực, hợp lý. Ví dụ như trong liên kết sản xuất nông nghiệp, các địa phương sẽ cung cấp thực phẩm an toàn, chất lượng cao cho thị trường Thủ đô, ngược lại Hà Nội với lợi thế là trung tâm khoa học, kinh tế… sẽ là đầu mối nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất, chế biến tiên tiến, đồng thời tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho địa phương trong vùng...

Trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô của Thủ tướng Chính phủ năm 2008 ghi rõ: "Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của vùng Thủ đô Hà Nội nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội có đủ chức năng và vị thế của một trung tâm đô thị hiện đại… Đến năm 2050, vùng Thủ đô Hà Nội sẽ là vùng kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương...".

Liên kết là đòi hỏi tất yếu từ sự vận động phát triển nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng Thủ đô nói chung và các tỉnh, thành phố thuộc vùng Thủ đô nói riêng. Do vậy, ngay từ bây giờ Hà Nội cần tạo ra những cơ chế chính sách liên kết để thúc đẩy vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển bền vững!

Nữ Quỳnh