Nhà vệ sinh công cộng: Phải xem là biểu hiện của văn minh đô thị
Đời sống - Ngày đăng : 16:57, 03/03/2016
“Nhịn" mãi sẽ nguy hại cho sức khỏe
Ông Lâm Văn Thuận (quận 5), một tài xế chạy xe ôtô du lịch trong nội thành TP Hồ Chí Minh cho biết, tiểu tiện luôn là nỗi ám ảnh thường trực với cánh tài như ông. Ông Thuận kể chuyện, có đôi lần vì lỡ uống nhiều nước trước khi lên xe, ông phải chấp nhận “nín” suốt quãng hành trình dài cả chục km trong khu vực nội thành. “Ngay cả hành khách đôi khi mình cũng phải phải thuyết phục “nhịn”, đến điểm dừng họ chỉ chực ùa xuống tìm nhà VSCC để giải quyết vấn đề”, ông Thuận cho biết.
Phải xem nhà vệ sinh công cộng là biểu hiện của văn minh đô thị. |
Không chỉ là nỗi khổ với cánh tài xế ôtô, mà người đi xe máy cũng vấp phải những tình huống oái oăm khi có “nhu cầu cần giải quyết” trên đường. Anh Nguyễn Trọng Long (quận 8) cho hay, trên nhiều tuyến đường, công viên trong thành phố không được bố trí nhà VSCC. Theo anh Long, trên những tuyến đường không có nhà VSCC, "nhịn" mãi không được nữa, không ít người đi đường bắt buộc chấp nhận phải “giải quyết nỗi buồn” ngay tại lề đường, không kể là đàn ông hay phụ nữ. Điều đó gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, “nhưng không làm như vậy thì còn cách nào khác, vào nhà người ta xin đi nhờ thì đâu có được, mà đâu có nhịn được mãi”, anh Long chia sẻ.
Theo bác sỹ Vũ Văn Ty, Trưởng khoa Tiết niệu (Bệnh viện quốc tế City), việc nhịn tiểu ở một mức vừa phải thì không sao, tuy nhiên nếu nhịn tiểu quá lâu sẽ gây nên một số vấn đề về sức khỏe. Bởi trong nước tiểu có hàng trăm loại chất thải khác nhau, khi bị ứ lại sẽ bám trong thành bàng quang có thể dẫn đến sỏi tiết niệu, lâu ngày sẽ gây ra ảnh hưởng đến chức năng thận. Đối với những người có tiền sử đái tháo đường, việc nhịn tiểu lâu cũng sẽ gây ra những vấn đề như suy thận, tỷ lệ sỏi thận sẽ nhiều hơn người bình thường.
Không theo quy chuẩn nào...
Theo ông Lê Thành Khoa – Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh (Công ty DV Công ích TNXP) cho biết, hiện Việt Nam không có quy chuẩn nào để tính toán mật độ (diện tích, dân cư) xây dựng, lắp đặt nhà VSCC. Tại TP Hồ Chí Minh, các quận, huyện tiến hành khảo sát địa điểm dựa trên nhu cầu trên địa bàn, sau đó giao địa điểm, cấp phép cho công ty đầu tư xây dựng và quản lý. Hiện nay, Công ty DV Công ích TNXP đang quản lý 55 nhà VSCC trên địa bàn thành phố (quận 3, 5, 10, 11, 12, Bình Thạnh), dựa trên nhu cầu lắp đặt các nhà VSCC của quận, huyện, chủ yếu tại các khu vực có dân cư đông, khu vực xảy ra tình trạng phóng uế bừa bãi.
Tuy nhiên theo ông Khoa, việc xây dựng nhà VSCC trong các tuyến đường trung tâm thành phố cũng gặp khó, bởi muốn xây dựng thì chỉ có xây tại lề đường. Nhưng việc xây dựng một nhà vệ sinh trước cửa cơ quan, công ty, sẽ vấp phải sự phản đối. Tại các khu vực ngoại thành, mặc dù có xây dựng nhà VSCC nhưng lại rất ít người sử dụng do người dân không muốn mất phí. Để khắc phục tình trạng đó, thành phố cũng thí điểm với một số ngân hàng, xây dựng một số nhà VSCC miễn phí kết hợp với máy ATM, đồng thời xây dựng lại những nhà VSCC đã xuống cấp. “Đây là nhu cầu bản năng của con người, đâu có thể kìm hãm được, do đó cũng không thể đổ hết cho người dân là không có ý thức”, ông Khoa nói.
Thiếu và "loạn" nhà vệ sinh không chỉ làm khổ dẫn mà còn ảnh hưởng tới ngành công nghiệp không khói là.. du lịch. Theo bà Trần Đặng Minh Uyên, Giám đốc Công ty Winway Travel, du khách cũng thường xuyên phải đi vệ sinh ngoài đường vì nhà VSCC tại TP Hồ Chí Minh vừa ít số lượng, vừa kém vệ sinh. Hệ thống nhà VSCC không đủ, công ty bắt buộc phải thay đổi tuyến thăm quan qua những điểm có nhà VSCC, đáp ứng nhu cầu của du khách. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch tour đã đề ra trước đó của công ty.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lửa Việt Tours cho rằng, muốn phát triển du lịch Việt Nam, buộc phải có một “cuộc cách mạng” bắt đầu từ nhà vệ sinh. Ông Mỹ khẳng định, vệ sinh là nhu cầu quan trọng nhất của con người. Thậm chí, tại Nhật Bản còn có cả một “Hiệp hội nhà vệ sinh” để quản lý vấn đề này. Du khách đi tour thường than nhà VSCC tại Việt Nam quá bẩn, lại ít dẫn đến tình huống phải xếp hàng dài mới đến lượt “giải quyết”. Theo ông Mỹ, phải tăng thêm số lượng nhà vệ sinh tại các địa điểm công cộng như thăm quan du lịch, khu vui chơi, đồng thời cũng phải vận động các nhà hàng khách sạn tại các khu vực trên cho du khách đi vệ sinh để đáp ứng đủ nhu cầu.