Chủ tịch nước hứa giải quyết khiếu nại tồn đọng trước khi hết nhiệm kỳ
Chính trị - Ngày đăng : 14:38, 03/03/2016
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (giữa) lắng nghe những góp ý của cử tri Q.1 - Ảnh Q.Khải |
Chia sẻ với các cử tri tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết đây là buổi tiếp xúc cử tri cuối cùng với cương vị là đại biểu Quốc hội khóa XIII đồng thời bày tỏ sự tri ân đến bà con cử tri trong thời gian qua đã giúp cho tổ đại biểu hoàn thành trọng trách của mình, đồng thời có những đóng góp tâm huyết cho hoạt động của Quốc hội.
Trong khoảng bốn tháng còn lại của nhiệm kỳ, tổ đại biểu vẫn tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm, sẽ cố gắng giải quyết những vấn đề còn tồn đọng mà cử tri gửi gắm.
“Trường hợp số ít vấn đề chưa giải quyết xong cũng sẽ bàn giao cho tổ đại biểu quốc hội nhiệm kỳ sau giải quyết dứt điểm”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cũng mong mỏi cử tri quận 1 tiếp tục phát huy truyền thống và có những đóng góp thẳng thắn, xây dựng cho hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới.
Có đại biểu cả nhiệm kỳ không thấy làm gì
Trước đó, cử tri Phạm Bá Lữ, P.Đa Kao góp ý quyền giám sát của Quốc hội chưa đến nơi đến chốn.
Dẫn chứng vấn đề này, cử tri Lữ cho rằng nhiều vấn đề đã được luật hóa nhưng việc vi phạm luật còn nhiều mà các đơn vị liên quan chưa, chậm giải quyết.
“Có đại biểu Quốc hội cả nhiệm kỳ không thấy làm gì, thậm chí không có ý kiến phát biểu tại các kỳ họp, nghị trường”, cử tri Lữ nhấn mạnh.
Để tăng cường quyền giám sát của quốc hội, cử tri Lữ đề nghị nhiệm kỳ tới nên tăng đại biểu quốc hội chuyên trách. Nhiệm kỳ qua nhiều đồng chí kiêm nhiệm cả nhiệm kỳ không làm gì.
Cử tri Lê Đình Vũ, P.Tân Định, Q.1 cho rằng Quốc hội không chỉ là cơ quan ban hành mà còn có chức năng giám sát việc xây dựng luật. Nhưng khi cử tri phát hiện phản ánh về các trường hợp áp dụng sai luật, gây ảnh hưởng quyền lợi người dân lại chậm được giải quyết.
Dẫn chứng cụ thể, cử tri Vũ cho rằng đã phát hiện việc áp dụng sai Luật bảo hiểm xã hội ở một công ty đã nhiều lần phản ánh đến đoàn địa biểu quốc hội nhưng chưa được phúc đáp, giải quyết.
Hay dẫn chứng đường dây nóng của Thành ủy TP.HCM vừa công bố thì có hàng ngàn cuộc gọi phản ánh khiến cho tình trạng nghẽn mạch, chứng tỏ bức xúc của người dân hiện nay rất lớn ở nhiều lĩnh vực.
“Vì vậy Quốc hội cần mở kênh giám sát sao cho hiệu quả các vấn đề bức xúc của người dân”, cử tri Vũ đề xuất đồng thời góp ý thêm sắp tới khi Quốc hội xem xét sửa đổi Luật báo chí làm sao phải thông thoáng hơn.
Ngày 21-3, khai mạc kỳ họp cuối cùng quốc hội khóa XIII
Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội khóa XIII (đơn vị 1), ông Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội TP tiếp thu những ý kiến của cử tri để chuyển đến Quốc hội. Ông Lịch cũng thông tin thêm kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII dự kiến sẽ diễn ra từ ngày từ ngày 21-3 đến ngày 14-4.
Khác với kỳ họp trước chủ yếu dành thời gian để tổng kết nhưng do Quốc hội còn nợ cử tri một số vấn đề lớn nên kỳ họp lần này sẽ kéo dài trong khoảng 3 tuần vừa để tổng kết vừa để giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng trươc khi kết thúc nhiệm kỳ.
Cũng theo ông Trần Du Lịch, kỳ họp sắp tới Quốc hội tiếp tục thông qua 7 đạo Luật đã thảo luận trong kỳ họp lần 10.
Cụ thể: Luật tiếp cận thông tin, sửa đổi Luật ký kết gia nhập thực hiện các điều ước quốc tế, Luật báo chí sửa đổi, sửa đổi Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ, sửa Luật dược, sửa đổi một số điều Thuế giá trị gia tăng - thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế. Sửa đổi Luật thuế xuất nhập khẩu.
Ngoài ra Quốc hội xem xét đánh giá kinh tế xã hội năm 2010-2015 và thông qua kế hoạch 2016-2020 đồng thời quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, trên cơ sở đó HĐND các địa phương phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm trên địa bàn.