Bóc gỡ đường dây lớn chuyên “phù phép” hồ sơ thương binh, nạn nhân da cam giả
Pháp luật - Ngày đăng : 07:50, 03/03/2016
Trong các ngày 9,10 và 14-4-2015, báo mạng Kiến thức (thuộc báo Khoa học và Đời sống) liên tiếp đăng phóng sự điều tra của tác giả Quách Dương về những vi phạm trong việc làm giả hồ sơ để xin hưởng chế độ trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Ngay khi bài báo được đăng tải, Ban giám đốc Công an tỉnh Nam Định đã chỉ đạo cơ quan an ninh điều tra khẩn trương xác định tính xác thực của nguồn tin. Từ các tài liệu do phóng viên cung cấp và những tài liệu điều tra được, nội dung vụ án dần hé lộ. Năm 2014, Nhà nước tiến hành tổng kết Pháp lệnh người có công, trong đó có nội dung tiếp tục rà soát, kiểm tra, giải quyết, xét duyệt chế độ ưu đãi cho những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhưng chưa được hưởng tiền trợ cấp.
Huy chương các đối tượng làm giả. |
Lợi dụng chính sách này, nhiều người không tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường B, C, K đã làm giả hồ sơ để hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nam Định còn phát hiện nhiều trường hợp làm giả hồ sơ thanh niên xung phong, hồ sơ thương binh… Trong đường dây làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức này nổi lên 3 cái tên chính, đều trú tại huyện Nghĩa Hưng, gồm Nguyễn Văn Hà (54 tuổi), Nguyễn Thanh Thảng (67t tuổi) và Đồng Hải Thịnh (59 tuổi).
Trong đó, Nguyễn Văn Hà là người nhận các đầu mối có yêu cầu làm giả hồ sơ, tài liệu; Đồng Hải Thịnh và Nguyễn Thanh Thảng là người cung cấp các loại phôi và làm giả các văn bản, giấy tờ cần thiết trong hồ sơ xin hưởng chế độ chính sách.
Những cái tên chính trong đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức đã hé lộ. Quá trình điều tra, điều tra viên rất ngạc nhiên khi biết nhiều người không đi chiến đấu tại chiến trường B,C,K lại đang được hưởng chế độ trợ cấp CĐDC. Thậm chí có người bị tai nạn lao động tại địa phương lại được công nhận là thương binh và đang hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng…
Quá trình truy tìm đơn vị cung cấp các loại giấy tờ trong hồ sơ xin trợ cấp chế độ chính sách cũng gặp không ít khó khăn. Bởi đến nay, nhiều đơn vị bộ đội đã giải thể, đổi phiên hiệu, sáp nhập hay chuyển sang làm kinh tế. Do vậy công tác kiểm tra hồ sơ gặp rất nhiều phức tạp. Mặt khác, vì tài liệu là giả nên tên các đơn vị quân đội, địa chỉ chiến đấu bị các đối tượng khai sai, không đúng đã gây ra nhiều phiền toái, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến kết quả điều tra...
Các đối tượng chính trong vụ án. |
Sau gần 7 tháng điều tra, Công an tỉnh Nam Định đã thu thập đủ căn cứ, tài liệu để kết thúc điều tra giai đoạn I của vụ án, chuyển toàn bộ hồ sơ và bản kết luận điều tra vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định đề nghị truy tố 12 bị can. Trong đó, 3 bị can Nguyễn Văn Hà, Đồng Hải Thịnh, Nguyễn Thanh Thảng bị truy tố về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại điều 267 Bộ luật hình sự.
9 bị can còn lại bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (do đã tự làm giả hồ sơ hoặc thuê người khác làm giả hồ sơ để được hưởng chế độ chính sách). Tổng số tiền theo quyết định đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi của Sở LĐTB&XH Nam Định đối với các bị can và một số người đã chiếm hưởng là 1.097.289.700 đồng. Họ đã tự nguyện khắc phục, nộp lại số tiền là 445.997.800 đồng. Hiện Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Nam Định đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Đại tá Phan Văn Hòa, Trưởng phòng an ninh điều tra Công an tỉnh Nam Định: Ngay trong giai đoạn điều tra, chúng tôi vừa đấu tranh, vừa cảm hóa, giáo dục vừa phân tích, giải thích để họ hiểu đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, của Nhà nước. Từ đó mà nhiều cá nhân làm sai đã khai báo toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của bản thân và lập công chuộc tội, cung cấp cho cơ quan an ninh điều tra nhiều thông tin có giá trị để tiếp tục mở rộng vụ án.