Mô hình trường học mới: Tạo chuyển biến, hiệu quả rõ rệt

Giáo dục - Ngày đăng : 07:24, 03/03/2016

(HNM) - Được triển khai thí điểm từ năm học 2011-2012, đến nay, mô hình trường học mới VNEN đã không còn xa lạ với nhiều người. Từ những bỡ ngỡ, băn khoăn ban đầu, mô hình đã thu hút sự quan tâm của không chỉ những người làm việc trong ngành Giáo dục.

Một giờ học nhóm của các em học sinh trường tiểu học đô thị Sài Đồng.


Trò tự tin, chủ động

Nằm tại Khu đô thị Sài Đồng, quận Long Biên, Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng có không gian rộng, nhiều hoa, cây xanh. Cùng với sự trìu mến của cô, thầy, không gian ấy dường như khiến cho các bé, đặc biệt là những bé bắt đầu vào lớp 1, dễ dàng cảm nhận được sự cởi mở, gần gũi khi bước chân tới trường.

Tận mắt tham quan và dự giờ tại Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng vào một ngày cuối năm 2015, cảm nhận chung đầu tiên của đoàn công tác là sự sôi động, tự nhiên, tự tin của HS. Năm học 2015-2016 là năm thứ hai trường triển khai mô hình VNEN, với 5 lớp, trong đó có hai lớp khối 4 và ba lớp khối 3. Tiết học giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho HS tại lớp 4A1 được cô giáo Vũ Thị Hoa Mơ giảng dạy nhẹ nhàng, gần gũi. Những kiến thức về trang phục, cách thức ứng xử, lời ăn tiếng nói... được truyền đạt thông qua những tình huống cụ thể hoặc chia sẻ từ chính những trao đổi, thảo luận của HS.

Thực tế dự giờ và trò chuyện với HS của trường có thể nhận thấy, khác với mô hình giáo dục truyền thống, HS không ngồi nghe giảng, đọc chép thụ động, mà được chia thành các nhóm và có một nhóm trưởng. Sau khi giáo viên dẫn dắt, gợi mở vấn đề, nhóm trưởng có trách nhiệm điều hành phần thảo luận của nhóm. Các thành viên đều được trình bày ý kiến, có thể phản biện đối với những nội dung cảm thấy chưa hợp lý hoặc cần điều chỉnh, bổ sung. Anh Lê Minh Hiếu, phụ huynh đánh giá: Sau hai năm học theo mô hình VNEN, con tôi có sự tiến bộ rõ về mọi mặt, nhất là ở sự chủ động, tự tin trong học tập và các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình.

Cô sáng tạo, đổi mới

Cô giáo Lê Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng khẳng định: Quá trình triển khai mô hình trường học mới, tôi và các thầy cô giáo cảm nhận HS mạnh dạn, tự tin và có nhiều chuyển biến tích cực trong học tập, hoạt động tập thể. Điểm khác biệt của mô hình VNEN là đòi hỏi các học sinh phải tự học, tự nghiên cứu. Vì vậy, dù nội dung dạy học được xây dựng trên cơ sở tương đồng với nội dung chương trình sách giáo khoa hiện hành, nhưng để đáp ứng yêu cầu mới, giáo viên phải tích cực tìm tòi, sáng tạo, tìm ra nhiều giải pháp để HS tự học tốt hơn.

Cô giáo Lưu Thị Chính Phương, giáo viên nhà trường cho biết: Vai trò của giáo viên thay đổi rất nhiều, nếu trước đây, giáo viên chủ yếu là giảng dạy, truyền đạt kiến thức trực tiếp thì đến nay phải dẫn dắt HS tiếp nhận kiến thức thông qua việc tổ chức các hoạt động tại lớp.

Đánh giá về kết quả triển khai mô hình trường học mới trong thời gian qua, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết: Qua triển khai mô hình VNEN, giáo viên có xu thế giảm hẳn việc giảng giải, thuyết trình, tập trung hơn vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức học tập, hỗ trợ HS tiến bộ. HS cũng ngày càng tự tin, chủ động, hào hứng học tập và tích cực trong các hoạt động tập thể. Những yếu tố này đang góp phần giúp cô và trò hình thành thói quen giảng dạy trong môi trường tương tác.

Năm học 2015-2016, gần 2.400 trường học ở 54 tỉnh, thành phố tham gia triển khai mô hình trường học mới. Tại Hà Nội, năm học trước, có 15 quận, huyện áp dụng, đến năm học này, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo nhân rộng tới 100% các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Tùy theo điều kiện cụ thể, các trường có thể áp dụng cho từng khối lớp hoặc cho toàn trường.

Thống Nhất