Đòi hỏi thời hội nhập

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:16, 03/03/2016

(HNM) - Hợp tác xã (HTX) - mô hình kinh tế tập thể đã có nhiều đóng góp trong các giai đoạn phát triển đất nước trước đây. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các HTX nông nghiệp đã phần nào "hụt hơi".

Để tạo điều kiện phát triển HTX, Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này. Luật Hợp tác xã năm 1996, sau đó là Luật Hợp tác xã năm 2003 và mới nhất là Luật Hợp tác xã năm 2012 đã giúp nhiều HTX "bứt phá", nhưng nhìn chung vẫn còn không ít khó khăn. Các HTX nông nghiệp hiện nay vẫn lúng túng trong phương thức hoạt động. Đa số HTX nông nghiệp hiện nay tập trung hoạt động đáp ứng nhu cầu đầu vào như cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, thủy lợi… Các dịch vụ vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm như bảo quản, chế biến, tiêu thụ… gần như bỏ ngỏ. Ngay trong một số lĩnh vực sản xuất nông sản phát triển như: lúa gạo, bò sữa, cà phê, hồ tiêu…, chỉ khoảng 10-15% sản lượng được tiêu thụ qua tổ hợp tác và HTX. Vai trò của các HTX khá mờ nhạt.

Đâu là nguyên nhân? Một phần do các HTX thiếu vốn, khó tiếp cận vốn vay, một phần còn lúng túng trong định hướng phát triển, một phần do chất lượng nhân lực thấp… dẫn tới không muốn thay đổi, hoạt động nặng về hành chính, bao cấp.

Cộng đồng ASEAN đã chính thức hình thành, cùng với việc tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng. Với những ưu thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nông nghiệp nước nhà đứng trước cơ hội thuận lợi để phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, lợi thế đó không thể phát huy nếu không có sự đổi mới tích cực của chính người nông dân, của từng HTX để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của những thị trường tiềm năng, khó tính…

Tuy nhiên, với những hạn chế đặc thù, họ rất cần sự "chỉ đường, dẫn lối", thậm chí là "mở đường, dẫn lối" của các cơ quan chức năng, trước hết là trong tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để tạo điều kiện phát triển chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, phát triển nhân lực… Doanh nghiệp chưa thật mặn mà với nông nghiệp, nông dân, liên kết "4 nhà" lỏng lẻo cũng vì những tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm.

Mô hình HTX - với sự tham gia trực tiếp của nông dân, sẽ phát huy vai trò thực thụ nếu được "cởi trói". Những thành công trong "khoán 10" đã là một minh chứng. Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là sự "mở đường"!

Nguyễn Đức