Tác giả Phạm Hoàng Hải - “Tôi không có ý định trở thành nhà văn chuyên nghiệp”
Sách - Ngày đăng : 16:48, 02/03/2016
Câu chuyện về loài hoa Thùy Miên đang tạo nên một làn sóng tìm đến với giá trị thực giá trị có mang hơi hướng cổ điển nhưng mà lại là thời thượng của các bạn trẻ hôm nay. Là người đi nhiều, viết nhiều, nhưng Phạm Hoàng Hải lại khẳng định “Tôi không có ý định trở thành nhà văn chuyên nghiệp”...
Tác giả Phạm Hoàng Hải |
- Ông ấp ủ viết cuốn tiểu thuyết này trong bao lâu? Là tác giả của nhiều cuốn sách về du lịch với thể loại bút ký, kịch bản, bài viết và có cả truyện ngắn, nhưng “Hoa Thùy Miên” là một cuốn tiểu thuyết, ông gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Ý tưởng về cuốn sách này đã được tôi ấp ủ từ 7, 8 năm về trước, nhưng nếu tính từ khi chính thức ngồi vào máy để viết bản thảo tiểu thuyết này đến khi hoàn thành vào tháng 12-2015 là khoảng 3 năm rưỡi liên tục.
Thuận lợi thì có rất nhiều, trước hết là tôi biết rằng văn phong cũng như kiến thức, tầm nhìn văn hóa sâu sắc của mình đã được khẳng định qua nhiều truyện ngắn, kịch bản, bài viết và đặc biệt là những cuốn bút ký du lịch văn hóa đã được độc giả trong nước và quốc tế đánh giá cao. Thí dụ như cuốn “Hội An người bạn đường văn hóa du lịch” của tôi được coi như một tiểu từ điển văn hóa về Hội An được rất nhiều khách du lịch yêu thích. Các cuốn về Tam Đảo, Sa Pa, Hạ Long… tôi đã xuất bản trước đó là những cuốn sách rất có vị thế về các địa danh này bởi nội dung phong phú và văn phong đẹp đẽ cuốn hút du khách.
Tôi không có ý định trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Tôi nghĩ rất nhiều nhưng lại viết chậm và ít, chỉ viết khi nào thấy rât cần phải viết và khi nào được đặt hàng nghiêm chỉnh, tin tưởng với các chủ đề mà mình yêu thích. Đã rất nhiều năm tôi không sống bằng nhuận bút của mình và tôi đã chuẩn bị đủ cho mình không phải thiếu thốn lo nghĩ gì về kinh tế. Viết tiểu thuyết này tôi không chịu sức ép về việc chạy theo thị hiếu để ăn khách tức thời, bán sách thật nhanh để thu hồi vốn.
Thuận lợi nữa là tôi không bị thúc ép về thời gian. Tôi viết khi mà thật thích và viết cho đến lúc nào thấy được thì thôi vì thế tôi đã sống cùng các nhân vật trong tác phẩm của mình một cách hoàn toàn máu thịt, để nó tự lớn lên trong lòng mình. Đã có rất nhiều chi tiết, nhân vật, tình huống trong tiểu thuyết này đã tự nảy nở trong tôi đến mức nhiều khi tôi thấy ngạc nhiên bàng hoàng khi nó hiện lên trên các trang trong bản thảo trên máy.
Còn khó khăn nữa là các ý tưởng và tình tiết tuôn ra ào ào khi viết, lúc đầu dài tới gần 700 trang, làm sao đề dồn nén lại, để sắp xếp lại và thu gọn lại chỉ còn có 350 trang. Có nhiều trường đoạn rất hay, hấp dẫn nhưng vẫn phải đành cắt bỏ, rất tiếc công sức thời gian nhưng mà tiếc nhất là các ý tưởng sáng tác ra rồi mà đành phải cắt. Việc này chiếm nhiều thời gian hơn viết và kém chủ động vì thế rất mệt và ít hứng thú.
- Trong thời buổi thông tin đại chúng cực kỳ ngắn gọn, nhanh gấp, vội vã hiện nay, vì sao ông lại chọn lối viết văn cổ điển, nắn nót tỉ mỉ, nâng niu từng câu từng chữ như vậy?
Tôi biết, xu hướng hiện nay thông tin đại chúng phát triển rất nhanh, cộng đồng mạng xã hội cũng phát triển không ngừng, cuộc sống cũng trở nên vội vã đến mức con người chỉ kịp giao lưu với nhau bằng nút “like”, nhưng tôi tin cách đưa thông tin cổ điển bằng những câu chữ vẫn sẽ có chỗ đứng.
Hiện nay đã xuất hiện xu hướng tìm về với những giá trị đích thực, xu hướng quay lại với các phong cách cao sang lúc này đang bắt đầu thịnh hành từ trong giới trẻ. Giới trẻ hiện nay đang tìm đọc sách về thiền, về Phật, các sách tâm linh nhất là các sách của người tu tập phương Tây. Loại sách kinh điển nhưng mà hiện đại, nói về kinh sách xưa cũ nhưng mà trình bày cực mới, mới hơn cả những văn chương hiện sinh tưởng là mới lắm. Trong văn học cũng vậy, các bạn trẻ cũng tìm đến một cách thưởng thức “sang” hơn, đó là tìm một góc ngồi yên tĩnh, trân trọng trên tay một cuốn tiểu thuyết đàng hoàng để mà sẽ dưa mình vào thế giới của những câu chữ tử tế, cái đó khác với việc vừa đi vừa cắm mắt vào smart phone lướt nhanh qua biết bao nhiêu cái tin vụn vặt. Chính vì thế tôi viết cuốn “Hoa Thùy Miên” nhưng vẫn hướng đến đối tượng độc giả trẻ.
- Là một tác giả không còn trẻ, nhưng ông lại muốn dành cuốn sách này cho người trẻ, ông có nghĩ đó là một bất lợi đối với ông?
Đúng là tuổi của tôi không còn trẻ (sinh năm 1948 tại Hà Nội), điều tưởng chừng như là bất lợi nhưng lại là lợi thế của tôi đó là tuổi tác. Ở độ “đủ cao tuổi” để tích lũy nhiều kinh nghiệm kiến thức văn hóa nghiêm cẩn.
Tôi là người ưa hoạt động, làm việc không ngừng nghỉ. Tôi đã nghiên cứu sâu về tôn giáo, tâm linh và quen rất nhiều các người thâm hậu giỏi giang, cùng tập yoga, thiền, võ thuật, khí công dưỡng sinh. Tôi đã chơi nhiếp ảnh nghệ thuật, có biết tiếng Anh tiếng Pháp, đã đi nhiều nước và dự các hội nghị quốc tế. Tuổi cao, nhưng tâm hồn tôi còn rất trẻ, hiện nay tôi vẫn đi nhiều nhìn nhiều làm quen rất nhiều bạn mới nhất là với các bạn trẻ, sinh viên. Tôi vẫn say mê tham gia khiêu vũ với các phong cách rất mới như là đã chơi Salsa từ khi môn này vừa mới nhập vào Việt Nam, đang chơi Tango Arhentina một môn rất mới hiện nay ở Việt Nam. Hàng ngày tôi vẫn tập Gym và bơi đều đặn. Tôi còn đủ trẻ để sử dụng các phương tiện IT, khi viết bản thảo bằng máy đã giúp rất nhiều khi dùng mạng, email, message, youtube, face book để tìm và xác minh tư liệu, liên lạc thông tin, biên soạn sửa chữa bản thảo dễ dàng và hiệu quả.
Phong cảnh rừng sâu núi cao, sông suối thác gềnh cúng là rất khó đề mà thể hiện sinh động và đẹp đến nao lòng cùng cả thời tiết khí hậu cũng phải thật đúng. Rồi các lối sống lễ nghi tập tục của một thời đã xa, không khí lịch sử nhưng mà nội dung lại rất hiện đại, làm sao để mà hài hòa được cái phiêu diêu đầy chất liêu trai với cái suy nghĩ như người ngày nay. Tất cả đều là những khó khăn mà tôi đã thấy được và phải vượt qua trên từng trang viết. Nhiều người đã thấy ngạc nhiên vì sao giọng văn của tôi đầy chất liêu trai mơ mơ thực thực mà truyện lại mang dáng vẻ tiểu thuyết phương tây. Tất cả những thứ này nếu mà không nắm thật vững không hiểu thật sâu thì người xem bỏ sách xuống ngay không muốn đọc nữa.
- Sau cuốn tiểu thuyết này ông đã có định viết tác phẩm văn học nào tiếp theo chưa?
Như đã chia sẻ, tôi không bị áp lực viết vì tiền nhuận bút, viết vì nổi tiếng và cũng không muốn trở thành người viết văn chuyên nghiệp nên tôi chưa định viết tiếp cuốn tiểu thuyết nào mới. Tôi sẽ viết khi có ý tưởng nảy sinh trong đầu và khi có hứng với các nhân vật đó, khi đó tôi hy vọng sẽ tiếp tục được chia sẻ với độc giả trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn và chúc ông sẽ có thêm các tác phẩm chất lượng khác!
Tác giả Phạm Hoàng Hải sinh năm 1948 tại Hà Nội, còn có bút danh: Hải Phạm Hoàng, Hoàng Đại Dương. Đã công tác tại NXB Thế giới; Thư ký tòa soạn tạp chí Vietnam Cultural Window. Ông là tác giả truyện ngắn “Một giờ học bình thường” (báo Văn nghệ năm 1988) đã chuyển thể thành phim truyện nhựa với Hoa hậu Bùi Bích Phương là diễn viên chính; Kịch bản truyền hình: “Ngọc Hoàng Xử tội” đạt Giải thưởng UNESCO - 1990. Sách đã xuất bản: Sa Pa giữa trời mây trắng; Tam Đảo - Miền du lịch Đất tâm linh; Hội An người bạn đường du lịch văn hóa; Hạ Long Thiên đường giữa hạ giới; Nghệ thuật rối nước Việt Nam; Quảng Bình - Phong Nha - Sun Spa Resort; Đà Nẵng trên con đường di sản; Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam; Hà Nội di sản văn hiến… được dịch ra nhiều thứ tiếng và là những cuốn cẩm nang du lịch không thể thiếu đối với khách du lịch. |