Chịu "thất thu" để bảo vệ khách hàng

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:43, 02/03/2016

(HNM) - Tổng công ty Viễn thông Viettel cho biết, mỗi tháng nhà mạng này chặn khoảng 20 triệu tin nhắn rác (TNR). Với đơn giá hiện tại, hàng tháng Viettel

TNR đã trở thành vấn nạn khiến xã hội bức xúc và không ít khách hàng đã tìm đến các phần mềm chặn TNR. Nhu cầu này lớn đến mức chỉ cần vào mạng gõ cụm từ "phần mềm chặn TNR", ngay lập tức hàng triệu kết quả hiện ra. Trong đó, một số phần mềm miễn phí, nhưng cũng có nhiều phần mềm được rao bán công khai với giá tới hàng triệu đồng. Trên nhiều website, diễn đàn khuyến cáo khách hàng nên tự "cứu" mình bằng cách cài đặt phần mềm, hoặc thủ thuật trên điện thoại thông minh như chặn theo đầu số và danh bạ; chặn theo bộ lọc từ khóa; cài ứng dụng tự động chặn spam...

Tuy nhiên, chưa có một giải pháp nào hữu hiệu toàn diện đến thời điểm này. Chẳng hạn, chặn đầu số theo danh bạ đôi khi sẽ khiến người dùng bỏ lỡ những cuộc gọi ngoài danh bạ, hoặc từ số điện thoại cố định quan trọng. Nếu sử dụng phần mềm chặn tin nhắn theo dải đầu số, theo các cụm từ "nhạy cảm" khi quảng cáo, khách hàng sẽ bị chặn cả những bạn bè dùng sim 11 số, hoặc để lọt nếu người phát tán TNR sử dụng sim 10 số để bắn tin "bẩn". Cách thức này cũng không tiện lợi, bởi đối tượng phát tán TNR "lách" việc chặn spam bằng cách viết sai cú pháp tin nhắn, có thêm dấu cách ở giữa hoặc thiếu dấu... Ngoài ra, khách hàng sử dụng các loại điện thoại cơ bản không cài được phần mềm thì chỉ còn cách "chịu trận" và trông chờ vào nỗ lực của nhà cung cấp dịch vụ.

Khách giao dịch tại Viettel. Ảnh: Thanh Hải


Theo Viettel Telecom, giải pháp chặn TNR phải từ một góc tiếp cận và giải quyết vấn đề hoàn toàn khác. Cuối năm 2015, Viettel đưa vào triển khai hệ thống Viettel-Antispam cho khách hàng trên toàn mạng với bước cải tiến vượt bậc đã chặn được hàng triệu TNR mỗi ngày. Trong khi nhiều doanh nghiệp rao bán các phần mềm chặn TNR, bán các giải pháp chặn tin nhắn, thì Viettel tiên phong triển khai miễn phí cho khách hàng của mình. Việc ngăn chặn TNR được chuyển lên cấp độ hệ thống hạ tầng mạng di động, thay cho những giải pháp đơn lẻ trên thiết bị đầu cuối của khách hàng. Hệ thống này của Viettel như một bộ lọc trước luồng tin nhắn đến với máy chủ dịch vụ (SMSC). Trên cơ sở phân tích hành vi dựa trên hàng trăm đặc điểm, như nhận dạng nguồn phát, tần suất phát, kịch bản nội dung…, hệ thống sẽ tự động phân loại đó là tin nhắn thông thường hay TNR. Chỉ những tin nhắn "sạch" mới được đưa vào hệ thống SMSC để gửi tới máy nhận. Cũng vì hệ thống chặn từ nguồn như vậy, nên TNR sẽ không đi qua hệ thống gửi tin cũng như hệ thống tính cước phí.

Hiện tại, trung bình mỗi tháng hệ thống chặn khoảng hơn 20 triệu tin nhắn, đồng nghĩa với việc đơn vị này sẽ thất thu hàng chục tỷ đồng doanh thu. Tuy nhiên, Viettel vẫn chấp nhận "nói không" với TNR, thể hiện hành động mạnh mẽ và tiên phong trong việc hạn chế tối đa TNR làm phiền khách hàng. Viettel cũng là nhà mạng đầu tiên đưa vào áp dụng hệ thống kiểm soát dịch vụ dựa trên quản lý cú pháp cung cấp dịch vụ (command code) với tất cả đầu số ngắn do Viettel cung cấp nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Hà Thanh