Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND: Cơ cấu gắn với chất lượng

Chính trị - Ngày đăng : 06:34, 02/03/2016

(HNM) - Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) và các quy định hiện hành đặt ra vấn đề tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, giảm số đại biểu khối các cơ quan hành pháp.


Chú trọng tiêu chuẩn

Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND (năm 2015) chú trọng hơn về quy định tiêu chuẩn của ĐBQH và đại biểu HĐND so với luật cũ. Các tiêu chuẩn này đều được liên hệ với Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đó là: Có trình độ chuyên môn, có sức khỏe, có kinh nghiệm công tác và uy tín. Luật cũng yêu cầu bảo đảm cơ cấu hợp lý về số đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số. Cụ thể, số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử ĐBQH do UBTVQH dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử ĐBQH do UBTVQH dự kiến được ấn định là có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là phụ nữ. Cũng theo đó, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.

Nguyên tắc chung là không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng.

Góp phần vào sự phát triển của đất nước

Đến thời điểm này, trung ương và các địa phương vừa tổ chức công tác hiệp thương vòng 1 bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thống nhất dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử. Việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử viên cũng đã được triển khai. Trong thông báo về kết quả hiệp thương, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị cơ cấu tôn giáo cần phân bổ hợp lý ở các địa phương; giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính, tăng số lượng đại biểu chuyên trách; đồng thời, quan tâm cơ cấu, thành phần kinh tế tư nhân nhằm góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Bên cạnh cơ cấu, nhiều người quan tâm đến chất lượng đại biểu. Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường cho rằng, việc đề cao cơ cấu thành phần là rất cần thiết, nhưng tiêu chuẩn người ứng cử mới là quan trọng. Theo ĐBQH Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội), Quốc hội và HĐND là hai cơ quan đại diện cho các tầng lớp nhân dân nên cần có người đại diện cho các giai tầng nhưng phải lấy chất lượng của đại biểu lên hàng đầu.

Trao đổi về cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cũng khẳng định, tăng đại biểu chuyên trách, chất lượng đại biểu sẽ tăng lên. Ngoài ra, trước thực tế một số ĐBQH khóa XIII vi phạm pháp luật bị Quốc hội bãi nhiệm, trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn về bầu cử ĐBQH khóa XIV, đã có một số ý kiến ở cấp tham mưu cho rằng cần có "rào cản kỹ thuật" để hạn chế, sàng lọc người tự ứng cử. Nhưng theo quy định hiện hành, mọi công dân từ đủ 21 tuổi trở lên nếu có đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của luật đều được ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Do vậy, không thể có những quy định phân biệt giữa người được giới thiệu ứng cử với người tự ứng cử.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến và phân bổ để bầu đủ 500 ĐBQH khóa XIV. Trong đó, số lượng đại biểu trung ương là 198 người, số lượng đại biểu ở địa phương là 302 người. Trên cơ sở dân số và đặc điểm của mỗi địa phương, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được phân bổ bầu 30 đại biểu mỗi địa phương; 4 tỉnh được bầu từ 10 đến 14 đại biểu; 6 tỉnh được bầu 9 đại biểu; 7 tỉnh được bầu 8 đại biểu; 17 tỉnh, thành phố được bầu 7 đại biểu và 26 tỉnh, thành phố được bầu 6 đại biểu.

Hà Phong