Bệnh nhân lo lắng, bệnh viện lúng túng!

Xã hội - Ngày đăng : 06:24, 02/03/2016

(HNM) - Ngày 1-3, mức phí của gần 1.900 loại dịch vụ khám chữa bệnh đã chính thức được điều chỉnh. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số BV trên địa bàn Hà Nội, nhiều người bệnh và gia đình bệnh nhân tỏ ra lo lắng, trong khi đó, không ít BV tỏ ra lúng túng khi thực thi.


Bệnh nhân lo lắng

Sáng 1-3, có mặt tại Khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai), dù bệnh nhân bị suy thận mãn đều có thẻ BHYT, nhưng trước thông tin viện phí tăng, trên gương mặt nhiều người lộ rõ sự lo lắng. Bệnh nhân Trương Thị Dần (60 tuổi, ở xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) có thâm niên chạy thận nhân tạo 9 năm, dù thuộc diện được BHYT chi trả tới 95%, nhưng mỗi lần tăng viện phí là một lần gánh nặng bệnh tật thêm chồng chất. Bà Dần cho biết, chi phí thuốc điều trị, ăn, ở, nhà trọ mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng. Lương về hưu mất sức ít ỏi (1,9 triệu đồng/tháng) không đủ chi phí cho điều trị. Vì vậy, những ngày khỏe, không phải nằm viện, bà thường tìm việc làm để có thêm tiền chữa bệnh. Viện phí tăng, bà Dần lo lắng: "Với những bệnh nhân mạn tính như tôi, cuộc đời gắn liền với giường bệnh thì chỉ cần viện phí tăng thêm vài chục, vài trăm nghìn đồng cũng là cả vấn đề".

Đề cập đến việc điều chỉnh viện phí lần này, Trưởng khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, giá vật tư thay đổi từng năm, do vậy, việc điều chỉnh giá là phù hợp. Trung bình, bệnh nhân chạy thận tại đây chi phí khoảng 7-9 triệu đồng/tháng (gồm cả thuốc). Khi áp dụng Thông tư 37, mỗi lần chạy thận, bệnh nhân sẽ phải trả thêm 100 nghìn đồng. Bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo 12 lần/tháng, như vậy sẽ chi trả thêm khoảng 1,2-1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lần này chỉ áp dụng với bệnh nhân có thẻ BHYT, đối với người bệnh phải đồng chi trả 20% thì một năm mất thêm khoảng 2,4 triệu đồng. Nếu bệnh nhân đóng BHYT liên tục trong 5 năm và chi phí khám chữa bệnh vượt quá 6 tháng lương cơ bản sẽ không phải đồng chi trả. Còn đối với bệnh nhân đồng chi trả 5% sẽ mất thêm khoản chi phí từ 500 đến 600 nghìn đồng/năm. "Với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, nếu BHYT không tăng được quỹ, không tăng được số người tham gia thì chính BHYT sẽ bị ảnh hưởng", bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Giá dịch vụ được tính đúng, tính đủ sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: Bá Hoạt


Không ít bất cập

Để thực hiện Thông tư 37 cần phải đồng bộ tương đương với danh mục dịch vụ kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư 43/2013/TT-BYT ngày 11-12-2013 và Thông tư 50/2014/TT-BYT ngày 26-12-2014. Tuy nhiên, ngay trước khi triển khai Thông tư 37, lãnh đạo nhiều cơ sở y tế đã phản ánh: Hiện nay, do danh mục kỹ thuật, thủ thuật chưa thống nhất với danh mục thanh toán của BHYT nên không ít BV sẽ gặp khó khăn khi thực hiện...

Về việc thực hiện quy định tăng giá viện phí lần này, ông Đỗ Tất Cường, Phó Tổng Giám đốc BV Đa khoa quốc tế Vinmec cho rằng, cùng lúc BV phải triển khai 3 thông tư, gồm: Thông tư 37, 43 và 50, các BV đang thực hiện hơn 12.000 danh mục kỹ thuật được quy định trong các thông tư cũ, nhưng tại Thông tư 37 chỉ quy định khoảng gần 2.000 danh mục kỹ thuật nên có độ "vênh" lớn, cơ sở y tế lúng túng khi triển khai. Thêm nữa, mặc dù Thông tư 37 chính thức có hiệu lực nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể thống nhất danh mục kỹ thuật để BHXH thanh toán. Trong trường hợp bệnh nhân thực hiện kỹ thuật, thủ thuật chưa được quy định thống nhất giữa các thông tư nêu trên, khi đó BHXH sẽ không thanh toán, thiệt thòi sẽ thuộc về bệnh nhân. "Sự không thống nhất tên gọi trong danh mục kỹ thuật hay thông tư này quy định có kỹ thuật này, còn thông tư kia không quy định khiến việc triển khai phần mềm của các BV gặp khó khăn. Bởi vì chỉ sai một từ là không ra kỹ thuật cần tìm…", ông Đỗ Tất Cường cho biết.

Cũng về vấn đề này, theo ông Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc BV Đa khoa Quảng Ninh, như quy định tại Thông tư 43 có danh mục kỹ thuật liên quan tới viêm phổi cấp, nhưng theo quy định tại Thông tư 37, BHYT chỉ thanh toán cho bệnh nhân viêm phổi. Vậy nếu bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi cấp, người bệnh sẽ không được thanh toán. Do đó, BV mong cơ quan quản lý khẩn trương thống nhất, ban hành danh mục kỹ thuật tương đương với danh mục kỹ thuật cũ để đồng nhất cách hiểu giữa các cơ sở y tế và cơ quan bảo hiểm để căn cứ vào đó thanh toán BHYT cho bệnh nhân. Còn theo bà Nguyễn Thị Cương, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (BV Đa khoa Hà Đông), BV đang thực hiện hơn 100 danh mục y tế không có giá trong Thông tư 37, cũng không có giá trong các danh mục tương đương khác nên chưa biết phải áp giá thế nào.

Về việc một số lãnh đạo BV còn băn khoăn về sự chưa đồng nhất của danh mục kỹ thuật, thủ thuật trong thông tư cũ, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Bộ Y tế sẽ quy định rõ những danh mục nào là tương đương để tháo gỡ những khó khăn của BV và bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân.

Cuộc đua chất lượng

Ngày 1-3, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra các BV trực thuộc về việc triển khai tăng giá viện phí. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên đã yêu cầu các BV thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai bảng giá dịch vụ; đồng thời tiến hành rà soát trường hợp bệnh nhân có và không có BHYT để tránh nhầm lẫn trong thanh toán viện phí.

Tại BV Đa khoa Hà Đông, Giám đốc BV Đào Thiện Tiến cho biết, trong thời gian gần đây, BV đã tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải thiện cơ sở vật chất để "đón đầu" giá viện phí mới. Hiện nay, các khoa: Cấp cứu, Khám bệnh, Sản, Nhi… đã niêm yết hai bảng giá, giá dịch vụ y tế cũ (áp dụng cho bệnh nhân không có BHYT) và bảng giá mới theo Thông tư 37 (cho bệnh nhân sử dụng BHYT).

Khi giá viện phí được tính đúng, tính đủ, cuộc cạnh tranh về chất lượng BV sẽ gắt gao hơn. Theo bà Lưu Thị Liên, lúc này là thời điểm các BV phải cùng đua chất lượng mới mong giữ được bệnh nhân. Đặc biệt, với quy định thông tuyến BHYT, thống nhất giá khám chữa bệnh BHYT giữa BV cùng hạng trên toàn quốc, người bệnh có quyền lựa chọn những BV làm tốt, phục vụ tốt.

Bệnh nhân Vũ Thị Nhung (64 tuổi ở Lạng Sơn) bị ung thư tuyến giáp, khám bệnh định kỳ tại BV Bạch Mai cho rằng, muốn tăng lượng người tham gia BHYT thì các thủ tục khám chữa bệnh cần giảm bớt. Trước đây, Khoa Ung bướu (BV Bạch Mai) trực tiếp làm thủ tục BHYT, người bệnh chỉ phải đến đó lấy số phiếu khám chữa bệnh. Bây giờ, BV lại yêu cầu người bệnh phải đến khoa khám chữa bệnh ban đầu để nộp các thủ tục giấy tờ, nộp BHYT, sau đó lên Khoa Ung bướu lấy số phiếu khám rồi tiếp tục quay lại nơi khám bệnh ban đầu làm các thủ tục BHYT. Như vậy là gây phiền hà cho người bệnh.

Thu Trang