Ủy ban Pháp luật tăng cường giám sát tổ chức thực hiện Hiến pháp

Chính trị - Ngày đăng : 20:24, 29/02/2016

Chiều 29/2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự lễ kỷ niệm và chúc mừng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống của Ủy ban (4/3/1946-4/3/2016).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)


Từ Tiểu ban Pháp chính được thành lập trong những tháng năm đầu của Quốc hội Khóa I, đến Ủy ban dự án pháp luật rồi đến Ủy ban Pháp luật ngày nay, Ủy ban Pháp luật luôn là cơ quan giúp việc có tầm quan trọng hàng đầu của Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Cùng với các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội khác, hiệu quả từ công tác tại Ủy ban Pháp luật đã góp phần đưa các hoạt động của Quốc hội ngày càng trở nên hiệu quả và thực chất hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

70 năm ra đời, hình thành và phát triển, Ủy ban Pháp luật đã phục vụ Quốc hội xây dựng và ban hành năm bản Hiến pháp, 389 bộ luật, 223 pháp lệnh và nhiều nghị quyết, quyết định của Quốc hội.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận, đánh giá cao thành tích của Ủy ban Pháp luật 70 năm qua và trân trọng gửi lời chúc tốt đẹp đến các thế hệ thành viên, cán bộ của Ủy ban Pháp luật qua các thời kỳ.

Khẳng định những thành tựu quan trọng của Ủy ban Pháp luật trong những năm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Ủy ban Pháp luật là một trong những đơn vị trụ cột của Quốc hội, là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân về tính đúng đắn của pháp luật; là cơ quan trung tâm trong hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội. Đây là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm hết sức to lớn của Ủy ban Pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng có nhiều kinh nghiệm quan trọng rút ra trong hoạt động của Ủy ban. Trước hết là tinh thần đoàn kết - cơ sở quan trọng để duy trì quan hệ gắn bó mật thiết, duy trì sự đồng thuận, phát huy trí tuệ tập thể vì nhiệm vụ chung của Ủy ban. Thứ hai là truyền thống đề cao và tinh thần thượng tôn, bảo vệ pháp luật, bảo vệ Hiến pháp để phục vụ lợi ích của nhân dân.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị mỗi thành viên Ủy ban Pháp luật, mỗi cán bộ phục vụ trong lĩnh vực này cần luôn quán triệt sâu sắc, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết; phải luôn có ý thức trung thành với Hiến pháp, lấy thượng tôn pháp luật làm đầu trong thực hiện chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh xây dựng và ban hành Hiến pháp đã là rất khó khăn nhưng việc đảm bảo thi hành Hiến pháp còn khó khăn hơn. Do đó, Ủy ban Pháp luật phải xác định nhiệm vụ hàng đầu của mình trong việc tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện Hiến pháp; tuyệt đối tránh tình trạng “đánh trống, bỏ dùi,” “chạy theo số lượng” trong tổ chức thi hành Hiến pháp. Trong quá trình đó, thường xuyên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao chất lượng, tính khoa học và thực tiễn trong thi hành Hiến pháp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng với truyền thống vẻ vang 70 năm qua, Ủy ban Pháp luật sẽ không ngừng phát huy thành tựu đạt được, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ được giao; đóng góp nhiều hơn nữa vào thành tựu chung của Quốc hội, đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật./.

Theo TTXVN/Vietnam+