Bốn tính năng đột phá trên điện thoại thông minh năm 2016

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 19:50, 29/02/2016

(HNMO) - Không thể phủ nhận rằng Mobile World Congress 2016 đã đem lại cho người dùng vô số các thiết bị mới đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, trong số này nổi bật lên một số tính năng thú vị - vốn được cho là sẽ trở thành xu hướng thời thượng trong thời gian tới.


1. Công nghệ sạc siêu nhanh của Oppo

Dù không ra mắt bất cứ điện thoại thông minh mới nào ở MWC năm nay, Oppo lại gây sự chú ý với khách tham qua nhờ công nghệ ổn định hình ảnh mới của hãng. Tuy nhiên sự độc đáo thực sự lại nằm ở công nghệ sạc pin siêu nhanh mang tên Super VOOC - được đánh giá là mang tính cách mạng đối với thị trường điện thoại thông minh hiện nay.


Theo Oppo, Super VOOC có thể sạc đầy pin 2.500 mAh chỉ trong vòng 15 phút qua cả kết nối Micro USB hay USB Type-C. Đây là thành quả của hệ thống sạc xung điện thế thấp và pin được tuỳ chỉnh - những khái niệm không được hãng điện thoại Trung Quốc lý giải cụ thể. Ngay vào lúc này, dù Oppo chưa nêu rõ khi nào sẽ triển khai công nghệ mới này trên điện thoại của mình nhưng chắc chắn ngày đó sẽ không còn xa xôi. Trên thực tế, nếu tính tin cậy của Super VOOC đủ tốt, việc nhiều nhà sản xuất khác cũng sẽ cùng triển khai nó thông qua việc mua lại bản quyền sáng chế là điều dễ đoán trước.

2. Thiết kế modular của LG G5

Bước sang thế hệ G5 mới, dòng điện thoại đầu bảng của LG đã có bước tiến lớn so với G4 trước kia nhờ thiết kế mô-đun. Cụ thể, phần dưới của máy có thể tháo rời và thay thế bằng các phụ kiện riêng tuỳ theo nhu cầu sử dụng của người dùng. Hiện tại, LG đã tung ra thị trường một số “món” độc đáo như tay cầm máy ảnh (bổ sung nút bấm chụp độc lập, cơ chế điều khiển zoom và pin 1.200 mAh tăng cường), mô-đun chuyển đổi âm thanh số-tương tự Hi-Fi (sản phẩm hợp tác giữa LG và Bang & Olufsen)…


Thực tế, LG không phải hãng đầu tiên thử nghiệm thiết kế điện thoại mô-đun bởi lẽ Google đã tiến hành dự án Ara được một thời gian dài. Tuy nhiên, hãng điện tử Hàn Quốc lại thành công trong việc đưa được sản phẩm thực tế ra thị trường trước tiên (dự kiến G5 sẽ có mặt từ tháng 4 này).

3. Công nghệ bắt nét điểm ảnh kép của Samsung

So với Galaxy S6, thế hệ S7 và S7 edge mới không quá khác biệt về ngoại hình. Tuy nhiên hai máy mới của Samsung lại ẩn chứa những tính năng khá đặc biệt. Trong đó, đáng chú ý là công nghệ lấy nét mới. Thay vì máy ảnh 16Mpx với cơ cấu lấy nét tự động nhận biết pha, Galaxy S7 lại sở hữu máy ảnh 12Mpx với điểm ảnh cỡ lớn hơn và khả năng lấy nét điểm ảnh kép (Dual Pixel). Đây là tính năng mới chỉ có trên các dòng DSLR hiện đại (như của Canon) và chưa từng được triển khai trên điện thoại thông minh.


Khác với cơ chế lấy nét nhận biết pha - vốn sử dụng khoảng 5% đến 10% số điểm ảnh trên cảm biến phục vụ cho việc lấy nét, công nghệ lấy nét tự động bằng điểm ảnh kép sử dụng toàn bộ số điểm ảnh trên cảm biến cho mục đích này. Đây là thay đổi lớn rất có ích lợi đối với việc bắt nét các chủ thể di động hoặc trong điều kiện thiếu sáng. Dù hiện tại, độ hiệu quả của công nghệ mới trên thế hệ Galaxy S7 chưa được kiểm nghiệm thực tế (do máy chưa có mặt trên thị trường) nhưng về mặt lý thuyết, nó thực sự đem lại cải thiện đáng giá đối với máy ảnh trên điện thoại thông minh.

4. Máy ảnh kép góc rộng của LG G5

Dù không phải là mẫu điện thoại đầu tiên tích hợp hai máy ảnh ở mặt sau, G5 lại đột phá nhờ việc kết hợp sáng tạo thiết kế này. Trên mẫu máy cao cấp mới ra mắt, LG trang bị máy ảnh 16Mpx với ống kính có góc nhìn 78 độ (tương tự như nhiều dòng điện thoại khác hiện nay) song song với một máy ảnh 8Mpx với ống kính góc siêu rộng 135 độ (thậm chí rộng hơn cả tầm nhìn của con người). Khi kết hợp chúng lại với nhau, G5 có thể tạo ra hình ảnh góc rộng cực kì ấn tượng mà không cần tới phụ kiện hỗ trợ hay module ống kính to nặng.

Hoàng Linh