Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ ngày 1/3

Đời sống - Ngày đăng : 14:41, 29/02/2016

Từ đầu tháng 3/2016, hàng loạt chính sách quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh chính thức có hiệu lực trong đó có quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, nâng tốc độ tối đa của xe cơ giới thêm 10km/h ở khu vực đông dân cư…


Ô tô được tăng tốc thêm 10km/h trong khu đông dân

Thông tư 91 của Bộ GTVT Quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3. Thông tư 91 cho phép ô tô tăng vận tốc thêm 10km/h tương ứng với 2 loại đường.

Cụ thể, trên đường bộ trong khu vực đông dân cư với đường đôi (có dải phân cách giữa) và đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới cho phép xe cơ giới chạy với tốc độ tối đa là 60km/h. Với đường hai chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có 1 làn xe cơ giới, các xe cơ giới được chạy với tốc độ 50km/h.

Xe cơ giới được tăng tốc thêm 10km/h ở khu vực dân cư (Ảnh Quang Phong)


Trên đường bộ ngoài khu vực đông dân cư, xe ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt), ô tô tải từ 3,5 tấn trở lên được chạy tối đa 80 - 90 km/h; xe ô tô trên 30 chỗ, tải trọng trên 3,5 tấn được chạy tối đa 70 - 80km/h; ô tô buýt, đầu kéo rơ-moóc, ô tô chuyên dùng, xe mô tô được chạy tối đa 60 - 70km/h; ô tô kéo rơ-moóc, ô tô kéo khác được chạy 50 - 60km/h.

Thông tư 91 cũng quy định rõ tốc độ tối đa cho phép với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy, xe máy điện khi tham gia giao thông, tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ và không quá 40km/h.

Tốc độ của các loại xe cơ giới trên đường cao tốc không vượt qua 120km/h.

Thông tư giải thích rõ đường bộ trong khu vực đông dân cư là đoạn đường bộ nằm trong khu vực nội thành phố, nội thị xã và những đoạn đường có dân cư sinh sống sát dọc theo đường, có các hoạt động có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ và được xác định bằng biển báo là đường qua khu đông dân cư.

Thống nhất dịch vụ y tế giữa các bệnh viện cùng hạng

Từ ngày 1/3, Thông tư liên tịch số 37 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc chính thức có hiệu lực.

Thông tư liên tịch này quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Thông tư quy định rõ đối với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế thì khung giá và thẩm quyền quy định mức giá cụ thể thực hiện theo quy định tại Luật Giá, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Đối tượng áp dụng trong thông tư là các cơ sở y tế, đơn vị, tổ chức và cá nhân có tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế.

Quy định mới về kinh doanh dược liệu

Từ ngày 6/3, Thông tư 03 của Bộ Y tế quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu chính thức có hiệu lực. Theo đó, cơ sở Việt Nam nhập khẩu dược liệu phải đủ điều kiện như Đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu; Đạt các nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc” đối với dược liệu theo quy định tại Thông tư này do Bộ Y tế kiểm tra; Giấy phép nhập khẩu dược liệu do Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế cấp theo quy định…

Cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu thì được kinh doanh dịch vụ bảo quản dược liệu và không phải làm thủ tục bổ sung phạm vi kinh doanh.

Đối với cơ sở bán lẻ dược liệu phải đảm bảo điều kiện có địa điểm cố định, diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh, tối thiểu là 25 m2, riêng biệt; bố trí ở nơi cao ráo, thoáng mát, an toàn, cách xa nguồn ô nhiễm, bảo đảm phòng chống cháy nổ; phải có khu vực trưng bày, khu vực bảo quản dược liệu. Về nhân sự phải có đủ nhân viên trình độ phù hợp với công việc được giao, trong đó có ít nhất có một người trình độ từ dược tá trở lên.

Thay đổi mức thuế nhập khẩu ưu đãi

Từ này 6/3, Thông tư 16 của Bộ Tài chính sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 27.07, 29.02, 39.02 tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi chính thức có hiệu lực.

Thông tư này cũng sửa đổi, bổ sung Chương 98 quy định mà hàng và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng đối với một số nhóm mặt hàng, mặt hàng tại mục II, phụ lục II của biểu thuế nhập khẩu.

Cơ chế khắc phục hậu quả thiên tai

Quyết định về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai có hiệu lực từ ngày 5/3/2016. Cụ thể, về hỗ trợ dân sinh, khôi phục cơ sở hạ tầng chỉ xem xét hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương đối với những địa phương có mức thiệt hại lớn vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương.

Căn cứ vào tình hình thiệt hại, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục của địa phương, ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách; Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương có điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%; Các địa phương còn lại, ngân sách địa phương tự đảm bảo kinh phí; Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Về hỗ trợ thiệt hại do nắng nóng, hạn hán, thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 143 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Trường hợp nắng nóng, hạn hán, xảy ra gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, ngân sách địa phương sau khi bố trí lại ngân sách, dự phòng, quỹ dự trữ tài chính vẫn không đủ, UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dựa trên đề xuất của các Bộ ngành liên quan Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương.

Quy định về quyết toán dự án thuộc nguồn vốn nhà nước

Từ ngày 5/3, Thông tư 09 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước bắt đầu có hiệu lực. Thông tư này quy định quyết toán đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, sau khi hoàn thành hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn. Vốn nhà nước bao gồm: vốn đầu tư công, vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước.

Theo Quang Phong/Dân trí