Nâng tầm vị thế cho nông sản Thủ đô
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:07, 20/01/2023
Chuyên kinh doanh sản phẩm giò chả mang thương hiệu Xuân Hương (quận Hoàng Mai), ông Hoàng Xuân Toàn cho biết, cơ sở có 3 sản phẩm (chả cốm, chả sườn sụn và giò lụa) tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022. Để bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, cơ sở đã đầu tư máy móc hiện đại, nhập nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, làm ra sản phẩm chất lượng thơm ngon, tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám, với diện tích 15ha, trong đó 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP và 5ha đạt GlobalGAP, thời gian tới, hợp tác xã chuyển dần sang sản xuất rau sạch, rau hữu cơ; đồng thời hoàn thiện chuỗi khép kín, đầu tư thêm nhà chế biến, máy sấy lạnh, đa dạng hóa sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện mỗi ngày, hợp tác xã thu mua gần 2 tấn rau sạch cung cấp cho 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị lớn là BigC và T-Mart, 15 cửa hàng tiện ích và 11 trường học.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp đầu tư từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản…, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Hiện nay, toàn thành phố có 1.700 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản, bao gồm chế biến sản phẩm thịt (42,6%), thủy sản (26,7%), rau quả (33,7%); mỗi tháng cung cấp khoảng 1.000 tấn sản phẩm ra thị trường… Lương thực, thực phẩm là những mặt hàng có thời gian bảo quản ngắn, nên chế biến là giải pháp tối ưu để khắc phục hạn chế này; sản phẩm chế biến còn cho hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với sản phẩm thô.
Tuy vậy, nhìn chung, thị trường tiêu thụ lớn, có nhiều điều kiện kết nối, hệ thống vận chuyển, kho bãi thuận lợi nhưng chế biến nông sản của Hà Nội hiện vẫn rất manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ chế biến ở các hợp tác xã, hộ sản xuất còn lạc hậu, công suất thấp, chưa xứng tầm với quy mô thị trường của Thủ đô.
Để phát huy hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản an toàn qua chế biến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam (quận Hoàng Mai) Trần Thu Hằng cho biết, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sản xuất tập trung gắn với hệ thống chế biến; nâng cao năng lực chế biến sản phẩm nông sản cho các doanh nghiệp gắn với hạ tầng thương mại tiêu thụ nông sản; phát triển hệ thống logistics, dịch vụ phụ trợ hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Về phía mình, công ty đã đầu tư đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chế biến nông sản...
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), để phát triển ngành Nông nghiệp, quy mô công nghiệp bảo quản, chế biến phải đủ lớn. Hà Nội cần đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, để nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến sâu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong mọi tình huống, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả thành tựu công nghệ cao, công nghệ số trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Hà Nội cũng tăng cường sự kết nối, hình thành nền nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng; nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản…