An toàn thực phẩm mùa lễ hội: hiện hữu những nỗi lo

Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 29/02/2016

(HNM) - Sau tết Nguyên đán, lượng người đi lễ chùa, dự hội tăng mạnh, kéo theo nỗi lo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Mùa lễ hội năm nay, dù đã có tín hiệu thay đổi theo hướng tích cực, nhưng nhìn chung, ATVSTP vẫn là nỗi lo thường trực.

Một quán bún ốc ở Phủ Tây Hồ.


Đắt khách dù không bảo đảm vệ sinh

Những ngày đầu năm mới Bính Thân, Phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) luôn trong cảnh đông đúc, lượng khách đến cầu tài, cầu lộc tăng đột biến. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, trên đoạn đường dẫn vào phủ, những mẹt bánh đúc, bánh tôm được bày bán lộ thiên, không có tủ kính che đậy. Lượng khách quá tải khiến việc phục vụ không được chu đáo.

Tại một số cửa hàng, nhân viên dùng tay không bốc thực phẩm, thức ăn chín được để cạnh những thùng cua, ốc tanh ngòm. Rác, giấy ăn vương đầy trong nhiều quán ăn. Nơi rửa bát nằm ngay sát nhà vệ sinh; những chồng bát được xếp trong chậu nước nổi váng mỡ, nhân viên phục vụ chỉ kịp "nhúng" bát bẩn vào nước, lắc qua lắc lại rồi bê đống bát vẫn còn ướt ra cho khách mới dùng. Có điều lạ, là dù môi trường ở khu vực hàng quán không sạch sẽ nhưng nhiều thực khách vẫn ngồi ăn uống một cách ngon lành.

Sự nhếch nhác không chỉ dễ thấy trên đoạn đường dẫn vào Phủ Tây Hồ. Ở bên trong phủ, người dân ăn bánh, kẹo, hoa quả xong liền xả rác ngay dưới chân. Đã có 23 năm gắn bó với di tích này, bác Trương Tín Hồi, Phó Trưởng ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ cho rằng, ý thức của nhiều người đi lễ rất hạn chế. Dịp đầu năm, ngoài việc tăng số lượng thùng đựng rác, Ban quản lý di tích còn bố trí 5 nhân viên làm nhiệm vụ quét dọn thường xuyên ở khu vực phía trong phủ. Tuy thế, tình hình vệ sinh không khá lên được bởi nhân viên vừa quét sạch được vài phút thì lại có người xả rác bừa bãi.

"Không dễ thay đổi ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh tại các điểm lễ hội. Chỉ nói riêng về quy định mỗi người chỉ thắp một nén hương khi vào phủ mà phải mất 10 năm mọi chuyện mới tương đối ổn thỏa", bác Trương Tín Hồi nói.

Theo Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Nguyễn Thị Lâm, việc thực phẩm được bày bán lộ thiên, dụng cụ ăn uống như bát, đũa, thìa… không được vệ sinh sạch sẽ có thể khiến người dự lễ hội mắc bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn E.coli, lao phổi, viêm gan…

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An Nguyễn Mạnh Trường, tại khu vực Phủ Tây Hồ có 21 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống có đăng ký, chưa kể số hàng quán nhỏ lẻ. Mọi năm, trước dịp lễ hội, cơ quan chức năng tổ chức một lần tập huấn kiến thức về bảo đảm ATVSTP cho các hộ kinh doanh tại đây. Năm nay, số lượt tập huấn về điều kiện bảo đảm ATVSTP tăng gấp ba. Ngoài ra, trước, trong và sau Tết, các đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương đã tăng cường kiểm tra hàng quán, nhờ đó, việc kinh doanh đã quy củ hơn những năm trước. Kiểm tra bằng test nhanh đối với một số mặt hàng như bánh tẻ, bánh tôm, giấm, tương ớt, cơ quan chức năng chưa phát hiện thực phẩm có sử dụng hàn the, phẩm màu độc hại.

"Tuy nhiên, khi kiểm tra dụng cụ ăn uống, lực lượng chức năng phát hiện bát còn dính tinh bột tại một cửa hàng, đã yêu cầu họ khắc phục tình trạng này. Việc bánh tôm, bánh đúc được bày bán một cách tùy tiện cũng đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng tình trạng vi phạm vẫn còn. Đây là vấn đề gây trăn trở trong công tác bảo đảm ATVSTP tại đây" - ông Nguyễn Mạnh Trường nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo ATVSTP thành phố Hoàng Đức Hạnh đánh giá, qua công tác thanh tra, kiểm tra, nhìn chung, vấn đề ATVSTP tại các lễ hội trong năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tính chất thời vụ nên việc kinh doanh mặt hàng ăn uống tại các lễ hội vẫn thể hiện sự tạm bợ, lộn xộn, thực phẩm chín - sống để lẫn lộn, thức ăn không được bảo quản trong tủ kính, dụng cụ được sử dụng chung cho cả thực phẩm chín và sống, nhiều người bán hàng vẫn dùng tay không để bốc thức ăn… Ông Hoàng Đức Hạnh đề nghị, từ nay đến hết mùa lễ hội, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm và công khai danh tính tổ chức, cá nhân có vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.

Vấn đề ATVSTP dịp lễ hội ngày càng được nhiều người quan tâm. Mối lo vẫn còn đó, dù tình hình vi phạm có giảm, cho thấy những giải pháp đã được đề ra chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Để khắc phục tồn tại, loại bỏ nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội thì ngoài cố gắng của lực lượng chức năng, các ban quản lý, tổ chức lễ hội và chính người dự hội cũng cần thay đổi hành vi theo hướng tích cực. Ứng xử văn minh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nói không với thực phẩm bẩn, đó là những điều cần có ở người dự hội.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Hiện đang là cao điểm mùa lễ hội 2016, nguy cơ mất an toàn thực phẩm và xảy ra sự cố liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm được dự báo sẽ có diễn biến phức tạp ở tất cả các khâu của chuỗi cung ứng thực phẩm, dịch vụ ăn uống và ở tất cả các địa phương.

Ông Nguyễn Mạnh Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ): Chính quyền địa phương đã thiết lập Đường dây nóng (0437181277) để người dân có thể phản ánh tình hình an ninh trật tự, ATVSTP tại khu vực Phủ Tây Hồ.

Thu Trang