Xử lý cơ sở kinh doanh sản phẩm nông nghiệp vi phạm: Bài toán khó

Kinh tế - Ngày đăng : 06:45, 29/02/2016

(HNM) - Tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh sản phẩm nông nghiệp là vấn đề then chốt để nâng cao chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, có một thực tế là phần lớn cơ sở hiện đều có quy mô nhỏ, nằm rải rác trong khu dân cư nên khó xử lý, thậm chí nhiều cơ sở còn không đăng ký kinh doanh song vẫn hoạt động, buôn bán, thu lợi.


Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT), tình trạng lạm dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thời gian qua rất "nóng". Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm (ATTP) được phát hiện hằng ngày. Các ngành chức năng đã kiểm tra, đánh giá, xếp loại cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản cho thấy, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm xếp loại C sau tái kiểm tra còn cao, chiếm tới 80%... Trong năm 2015, cả nước có 170 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 5.000 người mắc.

Theo ông Trần Mạnh Giang (Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội), chỉ tính riêng tháng tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua, lực lượng liên ngành của thành phố đã bắt và xử lý 2 xe ô tô vận chuyển 716kg thịt lợn không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu bị bệnh, chuyển màu, không bảo đảm ATTP; 2 xe ô tô vận chuyển 284kg thịt bò có nguồn gốc từ Tri Thủy, Phú Xuyên và 215kg thịt lợn có nguồn gốc từ lò mổ Vạn Phúc không có giấy chứng nhận kiểm dịch đang chuyển về chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm tiêu thụ.

Qua kiểm tra thực tế ở các cơ sở cho thấy, tình trạng vi phạm khá nhiều, nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ phân tán, theo mùa vụ, thường xuyên biến động. Số lượng cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến còn ít. Việc kiểm tra định kỳ duy trì điều kiện bảo đảm chất lượng ATTP đối với cơ sở nông, lâm, thủy sản chưa được chú trọng, đúng tần suất theo quy định do thiếu kinh phí và nhân lực. Hệ thống cơ sở dữ liệu về thống kê, kiểm tra đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của các quận, huyện, xã, phường, thị trấn chưa cập nhật đầy đủ và thường xuyên nên hiệu quả thấp. Tỷ lệ cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản vi phạm, không đạt yêu cầu theo quy định còn cao (159/925 cơ sở chiếm 16,06%). Thậm chí ở ngoại thành, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ xen kẽ trong khu dân cư còn chưa được kiểm soát hằng ngày.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, các đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kiểm tra, phân loại 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tiếp tục triển khai các chương trình giám sát ATTP trên phạm vi toàn quốc, tập trung vào các vấn đề như: Sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong sản xuất, bảo quản nông sản, thực phẩm...

Để làm được việc này, các địa phương cần phải thực hiện việc xếp loại cơ sở sản xuất kinh doanh
sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn mình quản lý để có dữ liệu đánh giá mức độ A, B, C. Đối với cơ sở xếp loại C kiểm tra nhiều lần vẫn không khắc phục lỗi cần tịch thu giấy phép kinh doanh. Những cơ sở không có giấy phép của cấp có thẩm quyền song vẫn hoạt động phải kiểm tra thường xuyên nếu không bảo đảm cần xử lý theo quy định của pháp luật.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc:
Đề nghị tăng chế tài xử phạt

Hiện nay, số lượng cơ sở kinh doanh sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội chủ yếu là nhỏ lẻ, tự phát, trong khi đó chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong việc xử lý vi phạm, chủ yếu chỉ nhắc nhở, cảnh cáo đối với các vi phạm dẫn đến số tái phạm còn cao. Nhiều quận, huyện thực hiện chế độ báo cáo không đúng quy định, chất lượng báo cáo thấp... gây khó khăn cho ngành chức năng khi quản lý được các cơ sở này. Thời gian tới, đề nghị Nhà nước nên nâng mức xử phạt hành chính trong vi phạm ATTP để đủ sức răn đe...

Ngọc Quỳnh