Iran bầu cử Quốc hội: "Phép thử" cho định hướng tương lai
Thế giới - Ngày đăng : 06:44, 29/02/2016
Phụ nữ Iran tham gia bỏ phiếu bầu cử Quốc hội ngày 26-2. |
Với 90% số phiếu được kiểm, những người theo đường lối cấp tiến và ôn hòa đã giành được tất cả 30/30 ghế tại khu vực thủ đô Tehran. Cuộc đua tại đây ghi nhận hơn 1.000 ứng cử viên cạnh tranh cho 30 vị trí trong Quốc hội. Kết quả chính thức sẽ được Bộ Nội vụ Iran công bố trong vài ngày tới. Tuy nhiên, các hãng tin của nước này dự báo không nhóm nào trong số 3 nhóm chính trị tại Iran sẽ giành được đa số trong Quốc hội 290 ghế. Tuy nhiên, lực lượng cấp tiến đang hướng đến một sự hiện diện mạnh mẽ nhất của họ tại Quốc hội kể từ năm 2004, trong khi những người theo đường lối bảo thủ bị mất nhiều ghế nhất.
Cuộc bầu cử ngày 26-2 tại Iran được đánh giá là một sự kiện bước ngoặt, có thể định hình tương lai cho một thế hệ tới tại quốc gia có 60% dân số ở độ tuổi dưới 30 này. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi nước Cộng hòa Hồi giáo đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Sự kiện này được đánh giá là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ theo xu hướng cải cách của Tổng thống Hassan Rouhani, là "phép thử" đối với sự hài lòng của dân chúng về thỏa thuận hạt nhân.
Đồng thời, đây cũng là "phép thử" về định hướng tương lai cho các mối quan hệ đối ngoại của Iran, đặc biệt với Mỹ và các nước phương Tây, với Saudi Arabia và Israel. 55 triệu cử tri Iran đặt nhiều kỳ vọng vào một Quốc hội khóa 10 trong việc dẫn dắt đất nước vừa ra khỏi tình trạng bị cô lập về kinh tế và ngoại giao suốt hàng chục năm qua. Do đó, kinh tế là vấn đề được cử tri Iran quan tâm nhiều nhất. Họ hy vọng cuộc sống hằng ngày sẽ tốt hơn khi các nhà đầu tư phương Tây trở lại. Thế nên, trong quá trình tranh cử, những ứng viên cải cách lập luận thỏa thuận hạt nhân sẽ cải thiện nền kinh tế đang khó khăn và mở cửa nhiều hơn với phương Tây.
Trái lại, phe bảo thủ thuyết phục cử tri rằng phe cải cách sẽ làm suy yếu sức kháng cự của Iran đối với những kẻ thù lâu đời. Họ cũng cảnh báo Tổng thống H.Rouhani sẽ giảm bớt tiền trợ cấp cho người nghèo để bù đắp tình trạng giá lương thực, nhiên liệu tăng cao.
Cuộc bầu cử Quốc hội tại Iran cũng nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Sở hữu ưu thế về quy mô địa lý, vị thế chiến lược, dân số lớn, quy trình đào tạo nhân lực cũng như lịch sử, nền văn hóa cổ xưa và nguồn tài nguyên khổng lồ, Iran luôn có tầm ảnh hưởng lớn ở Trung Đông. "Sống sót" qua thời kỳ cấm vận, hơn bao giờ hết, Tehran đang trỗi dậy mạnh mẽ và ngày càng tự khẳng định mình trong khu vực và trên thế giới.
Một nguyên do khác khiến cho cuộc bầu cử này thu hút nhiều sự quan tâm là chỉ 7 tháng trước, Iran vẫn còn đang phải chịu vô số lệnh cấm vận và bị loại ra khỏi cuộc chơi dầu mỏ toàn cầu. Và nay, khi "xiềng xích" đã được gỡ bỏ, người ta đang chờ đợi xem cơn lốc mang tên "Tehran" sẽ khiến thị trường dầu mỏ chao đảo tới đâu? Dĩ nhiên, những quyết định từ một Quốc hội mới sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường vàng đen.
Theo các nhà phân tích, kết quả bầu cử sẽ có tính chất quyết định đối với định hướng tương lai chính trị của Iran trong khoảng thập kỷ tới. Trước mắt, tiến trình này có thể ảnh hưởng đến chính sách xích lại gần hơn với Mỹ và phương Tây của Tổng thống H.Rouhani theo đường lối cấp tiến và ôn hòa. Đây cũng thực sự là cơ hội mở ra một chương mới trong quá trình phát triển kinh tế của Iran dựa vào những nguồn lực nội tại và các cơ hội quốc tế.