Làng nghề ô nhiễm vì rác thải, khói bụi
Đời sống - Ngày đăng : 06:43, 29/02/2016
Chiều 25-2, bãi rác làng nghề da giày Phú Yên cháy mù mịt che khuất cả đoạn Sông Nhuệ. Đúng ngày trở gió tây nam, hơn 100 hộ dân thôn Quán, xã Châu Can chìm trong khói. Câu chuyện của chúng tôi với các hộ dân thôn Quán liên tục bị ngắt quãng vì những tiếng ho khùng khục.
Ông Trần Văn Tình, 77 tuổi, bức xúc: "Tuần nào chúng tôi cũng bị "hành" như thế này. Người lớn còn không chịu nổi huống chi trẻ nhỏ". Ở gia đình khác, anh Trần Công Doãn đã phải mở cửa, kéo nhanh chúng tôi vào nhà để tránh bầu không khí nồng nặc ảnh hưởng sức khỏe con nhỏ. Anh Doãn cho biết: "Người làng Quán đã nhiều lần trực tiếp phản ánh và gửi đơn kiến nghị huyện giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của xã bên nhưng chưa được giải quyết. Kéo dài tình trạng này chúng tôi sống sao được".
Đường vào xã Phú Yên trở thành điểm xử lý, đốt rác. |
Mang nỗi bức xúc của người dân làng Quán chất vấn Chủ tịch UBND xã Phú Yên, ông Nguyễn Văn Soạn thừa nhận: Đâu riêng người làng Quán, dân Phú Yên cũng phải hít thở nguồn ô nhiễm này! Hiện mỗi ngày, xã Phú Yên thải ra môi trường gần 1,2 tấn rác làng nghề, thành phần là da vụn, giả da, pho mếch, keo kếp, đế nhựa… và 1,5 tấn rác sinh hoạt.
Để xử lý lượng rác này, 4 thôn đã thành lập 4 tổ, với 10 vệ sinh viên, thu gom rác bằng xe đẩy tay tiêu chuẩn. Trả thù lao cho vệ sinh viên, hằng tháng các thôn đã thu tiền của các hộ dân tùy theo tính chất làm nghề và mức độ phát thải rác. Xã hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long vận chuyển từ điểm tập kết của các thôn về trạm trung chuyển, phân loại, xử lý rác bảo đảm vệ sinh. Tuy nhiên, việc đốt rác gây ô nhiễm môi trường ở đây thì cơ quan nọ đùn đẩy cho cơ quan kia và người dân ở giữa chịu khổ.
"Chúng tôi rất bức xúc vì tình trạng đốt rác như hiện nay. Người Giẽ Hạ không đốt bãi rác vì ngoài lý do sinh sống gần đó thì thôn có tổ thu gom, hằng tháng nộp phí môi trường" - bà Trần Thị Hương, chủ cơ sở kinh doanh giày Thạo Hương khẳng định. Còn ông Lương Hùng Vương, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long cho biết: "Đây là rác thải nguy hại nên công ty không ký hợp đồng vận chuyển, xử lý, vì vậy, chắc chắn người của công ty không đốt". Thực tế, Chính phủ đã có quy định về xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường nhưng theo Chủ tịch xã Phú Yên thì đến nay vẫn chưa xử lý được trường hợp nào… trong khi rác bị đốt và người dân phải sống chung với ô nhiễm vẫn đang tồn tại.
Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, huyện có 40 làng nghề truyền thống nổi tiếng, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, đời sống nhân dân tương đối khá giả. Nhưng tại các làng nghề này cũng đang chịu ảnh hưởng rất lớn do ô nhiễm môi trường.
Mỗi ngày các làng nghề phát thải khoảng 27 tấn rác, trong đó có khoảng 7,21 tấn rác nguy hại (vải vụn, da giày, giả da, keo kếp, đế nhựa...) chưa được xử lý đúng quy định. Do chi phí đầu tư xây dựng công trình và lựa chọn công nghệ xử lý vượt khả năng nên huyện đã đề nghị các cấp, các ngành sớm hỗ trợ địa phương giải quyết triệt để vấn đề này. Ngoài rác thải làng nghề chưa được xử lý, Phú Xuyên hiện còn 39 điểm rác sinh hoạt tồn lưu từ năm 2009, với tổng khối lượng khoảng 30.000m3. Lượng chất thải này đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nguồn nước. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Hữu Thước cho biết, Phú Xuyên đã báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xin chủ trương xử lý nhưng đến nay chưa nhận được ý kiến phản hồi nên huyện còn lúng túng trong việc xử lý dứt điểm.
Được biết Chương trình số 06-CTr/HU ngày 8-1-2016 của Huyện ủy, giai đoạn 2015-2020 đặt ra Phú Xuyên phấn đấu trở thành "điển hình của thành phố về môi trường sống xanh - sạch - đẹp". Chưa biết kết quả sau 5 năm nữa ra sao nhưng những tồn tại hiện nay không sớm được khắc phục, người dân Phú Xuyên sẽ lãnh đủ hậu quả của tình trạng ô nhiễm môi trường…