Sửa khuyết tật cho thành phố
Xã hội - Ngày đăng : 06:11, 29/02/2016
Vỉa hè hay hè phố là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp làm nơi bố trí hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến. Định nghĩa đơn giản là như vậy, nhưng ở một điểm nhìn khác, vỉa hè là một thực thể sống và nó gánh trên vai một phần đời sống đô thị. Hè phố là chốn sinh nhai của hàng vạn người - người Hà Nội, người tứ xứ và những "địa chỉ" văn hóa. Gần đây nhiều trang mạng đưa tin một vị đại sứ đạp xe đến quán phở "Tư Lùn" trên phố Hai Bà Trưng thưởng thức món phở vỉa hè như bao người Hà Nội. Vỉa hè là một phần của ẩm thực Hà Nội, rộng hơn có thể nói là một phần của văn hóa Hà Nội - nôm na là văn hóa vỉa hè. Cái văn hóa ấy có sức hút nhất định, nhất là với khách du lịch, người nước ngoài, nhưng nó có nên tồn tại hay không khi cướp đi công năng của vỉa hè "phục vụ chủ yếu cho người đi bộ" và làm cho nhiều tuyến phố trở nên hỗn độn, nhếch nhác?
Thật ra câu chuyện hàng quán, bãi trông giữ xe lấn chiếm vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường đã "nóng" từ rất nhiều năm trước. Có điểm mới là từ tháng 2-2016, thành phố đã tiến hành xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông. Nhưng thực tế hiện tại vẫn đặt ra một câu hỏi mới: Liệu có thể nói đến hai chữ thành công trong "Năm trật tự và văn minh đô thị" thứ ba này, nếu không quyết đột phá "dẹp loạn" vỉa hè?
Chuyện luôn "nóng" là hầu hết vỉa hè trên các con đường lớn nhỏ của Hà Nội đều bị chiếm dụng và đang biến dạng, từ những phố có hè rộng khoảng một mét như Đình Ngang đến những đường lớn có vỉa hè rộng hơn như Lê Duẩn, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Xã Đàn, Huỳnh Thúc Kháng… Phố nhỏ, hàng quán bày bàn ghế vượt vỉa hè tràn xuống lòng đường; hè phố có cũng... như không. Phố lớn hơn, vỉa hè to hơn thì "cõng" đủ loại hình kinh doanh, từ dịch vụ trông giữ ô tô, xe máy do chính quyền cấp phép đến bia hơi, cà phê của tư nhân. Vỉa hè chỉ đủ cho người đi bộ len lỏi "chen vai, thích cánh"… Thế nhưng, nhiều nơi hè phố còn phải "oằn lưng" khi cõng thêm trách nhiệm "trợ giúp" những người nôn nóng khi muốn vượt qua chỗ tắc nghẽn dưới lòng đường. Phố Tôn Đức Thắng (đoạn cạnh Văn Miếu), Nguyễn Thái Học... là những địa chỉ thường xuyên diễn ra cảnh xe máy lao phăm phăm trên vỉa hè, thậm chí đâm cả vào dân hàng phố đi mua quà sáng. Có thể nói vỉa hè Hà Nội đang là nơi phơi bày rõ nét và đầy đủ nhất những khuyết tật cũng như cung cách ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận không nhỏ cư dân thành phố.
Việc quản lý vỉa hè, lòng đường đã nhiều lần được xới xáo, với nhiều giải pháp quản lý, phân cấp trách nhiệm..., nhưng các khuyết tật thì… "đâu vẫn hoàn đấy"(!). Vì sao như vậy? Vì sao hè phố của chung (do Nhà nước quản lý) mà nhiều người vẫn có thể vô tư chiếm dụng? "Loạn" vỉa hè bắt đầu từ đâu, tại sao bao nhiêu năm vẫn chưa dẹp bỏ được?
Sự dai dẳng của tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đủ nói thay cho tất cả. Nếu không giải quyết tận gốc căn bệnh "cộng sinh" đang tạo nên những "dị tật đô thị" chắc chắn không thể giải quyết căn cơ vấn đề này.
Dẹp "loạn" vỉa hè bằng các giải pháp hành chính đơn thuần một cách câu thúc không mang lại hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt trong bối cảnh quy hoạch không theo kịp tiến trình phát triển đô thị và người dân chưa bỏ được nếp kinh doanh bám vỉa hè, còn du khách thì vẫn coi hè phố là "địa chỉ" văn hóa. Nếu giải phóng vỉa hè, phương tiện giao thông sẽ để đâu, người dân kiếm sống như thế nào, ăn uống, sinh hoạt ở đâu? Câu hỏi này chứa đựng không ít trăn trở và đã "chạm" vào một vấn đề bức xúc nhiều năm qua, đó là tổ chức, quản lý đô thị. Thực tế nhiều tuyến phố đã cho thấy, đi liền với một nhà hàng hay trung tâm thương mại lớn được hình thành - ở xung quanh lập tức xảy ra ùn tắc giao thông.
Nhưng trong khi chờ những giải pháp căn cơ hơn, khoa học hơn thì hè phố - một thực thể sống của đô thị phải được trả lại nguyên trạng, phải được sử dụng đúng công năng "phục vụ chủ yếu cho người đi bộ". Để làm được điều đó, rất cần một chiến lược quản lý đô thị bài bản từ quy hoạch đến các giải pháp thu hút đầu tư phát triển hệ thống giao thông tĩnh, tổ chức lại hoạt động kinh doanh buôn bán theo hướng văn minh, hiện đại… Nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là những giải pháp đủ mạnh để thay đổi tư duy, ý thức, thói quen cũng như cách hành xử của cư dân đối với hè phố nói riêng, đô thị nói chung. Không có cách ứng xử văn hóa, không thể có văn minh đô thị.
Câu chuyện đoàn làm phim Kong: Skull Island sau khi hoàn tất công việc tại các điểm ghi hình (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã không để một cọng rác nào còn sót lại, những mỏm đá, cành cây, ruộng lạc của người dân đều được hoàn trả lại như nguyên trạng. Thậm chí, kể cả việc tạo vết chân của quái thú, đoàn làm phim đã xới từng mảng cỏ theo hình vuông rồi sau đó gắn lại vị trí cũ, không làm biến đổi cảnh quan… Có sợi dây liên tưởng nào giữa câu chuyện này với tư duy, nhận thức, cung cách hành xử của cư dân thành phố hôm nay với lòng đường, vỉa hè nơi mình sống, làm việc? Một điều chắc chắn, nếu mỗi cư dân đều ứng xử như vậy với môi trường sống, Hà Nội sẽ xanh hơn, phong quang, ngăn nắp hơn. Và chắc chắn sẽ không còn ở mức gần 90 người đi bộ bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông mỗi năm ở Thủ đô.
Dù đường có to, hè có rộng, suy cho cùng ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân vẫn là yếu tố quyết định trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Khi những yếu tố này không được xem trọng và thực tế, ứng xử văn hóa không phải lúc nào cũng đến từ tinh thần tự nguyện thì chính quyền thành phố cần sử dụng quy định pháp luật để điều chỉnh. Những khoản phạt nặng cho các hành vi phản văn hóa, xâm hại quyền lợi cộng đồng sẽ góp phần tạo ra thói quen sống có văn hóa, biết tôn trọng con người. Cần tăng cao hơn trách nhiệm của những cơ quan, đơn vị chức năng quản lý hè, đường. Đổi mới và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mỗi người dân sống ven phố, ven đường ý thức sâu sắc hơn nữa trách nhiệm của mình với cộng đồng để kiên quyết dẹp bỏ những hành vi chiếm dụng hè, đường.
Đã qua hai tháng đầu của năm thứ ba thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" ở Thủ đô, nhưng hè phố vẫn bị "xẻ thịt", bị chiếm dụng, người đi bộ vẫn phải tràn xuống lòng đường. Năm nay, thành phố cũng phân cấp mạnh mẽ hơn việc quản lý vỉa hè, lòng đường, cây xanh, vườn hoa… cho các quận, huyện. Tính chủ động tăng hơn song trách nhiệm đặt lên vai chính quyền cơ sở cũng nặng nề hơn. Thời gian như "bóng câu qua cửa", nếu không chủ động với những giải pháp quyết liệt và một tinh thần mới, nếu không dẹp "loạn" vỉa hè, loại bỏ những khuyết tật đô thị không thể nói đến hai chữ thành công của "Năm trật tự và văn minh đô thị" thứ ba này.