Được đến đâu, hay đến đó

Xã hội - Ngày đăng : 07:23, 28/02/2016

(HNM) - Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam đã sang Nhật Bản để tham dự Vòng loại cuối Olympic 2016 khu vực Châu Á, bắt đầu từ ngày mai 29-2. Không có nhiều hy vọng cho thầy trò HLV Mai Đức Chung khi thực lực của đội tuyển Việt Nam thua sút đối thủ.

Một buổi tập luyện của thầy trò HLV Mai Đức Chung.


Đối với bóng đá nữ Việt Nam, có mặt tại vòng loại thứ ba Olympic 2016 đã là thành công. Tại vòng loại thứ hai, khi đụng phải những Myanmar (chủ nhà), Thái Lan (đương kim vô địch SEA Games), những tưởng các học trò của HLV N.Takashi sẽ sớm dừng bước. Tuy vậy, họ vượt qua đối thủ một cách thuyết phục để giành tấm vé duy nhất vào vòng loại thứ ba Olympic 2016, khu vực Châu Á. Tuy nhiên, thành công của đội cũng không giúp HLV người Nhật Bản N.Takashi gắn bó thêm với đội tuyển. LĐBĐ Việt Nam đã quyết định không gia hạn với ông thầy người Nhật Bản do cách chơi bóng mà ông áp dụng không phù hợp với cầu thủ Việt Nam. Vậy nên ngay sau vòng loại thứ hai, có thông tin cho rằng các cầu thủ đã chủ động thi đấu theo cách phù hợp nhất với sở trường của mình nên mới vượt qua được Myanmar và Thái Lan.

Do không muốn có nhiều xáo trộn về lối chơi của đội tuyển, LĐBĐ Việt Nam đã đưa người cũ - ông Mai Đức Chung trở lại nắm quyền ở đội tuyển quốc gia. Đây là giải pháp an toàn nhất, bởi ông Mai Đức Chung quá hiểu các cầu thủ nữ Việt Nam. Có thể ông không mang lại đột biến nhưng chắc chắn sẽ khiến đội thi đấu bằng tất cả năng lực của mình.

Cả quá trình chuẩn bị cho vòng loại Olympic thứ ba này, đội tuyển Việt Nam chỉ có 3 trận giao hữu quốc tế đáng giá tại Trung Quốc. Cả 3 trận thua, trong đó có trận thua Hàn Quốc 0-5, thua Trung Quốc 0-8 đã cho thấy thực lực thấp hơn của đội so với các đối thủ ở châu lục. Gặp 5 đội mạnh hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, CHDCND Triều Tiên là cả bài toán khó giải với thầy trò HLV Mai Đức Chung. Không kể, các đối thủ vốn coi đội tuyển Việt Nam như "kho điểm" nên sẽ cố sức để giành bằng được chiến thắng nhằm tạo lợi thế so với các đội khác.

Trước ngày lên đường, trong cuộc gặp Đội tuyển Bóng đá nữ quốc gia, lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam cũng chỉ đặt mục tiêu phấn đấu hết sức với các cầu thủ. Họ biết giới hạn của quân nhà nên chỉ hy vọng các cầu thủ có thể gây bất ngờ theo cách "được điểm nào, hay điểm ấy". Cũng không thể hy vọng đội bóng sẽ tạo nên bất ngờ như Đội tuyển Futsal nam đã làm được tại Giải vô địch Futsal Châu Á vừa qua. Khi ấy, các cầu thủ futsal Việt Nam có khả năng đua tranh chiếc vé thứ 5 tham dự World Cup 2016 nên mới được đi tập huấn ở Tây Ban Nha, được sang Uzbekistan cả chục ngày trước giải. Còn trước vòng loại Olympic 2016 lần này, Đội tuyển nữ Việt Nam chỉ có mặt ở Nhật Bản hơn 2 ngày trước khi vào giải. Kế hoạch thi đấu giao hữu 2 trận quốc tế tại đây cũng bất thành.

Với sự chuẩn bị như vậy, thật khó để Đội tuyển nữ Việt Nam có thể làm nên chuyện, dù lực lượng của đội hiện đầy đủ và tốt nhất. Tất cả cũng chỉ mong được điểm nào, hay điểm đó mà thôi. 

Thùy An