Lấy sự tiến bộ, văn minh đẩy lùi cái xấu, sự lạc hậu
Xã hội - Ngày đăng : 06:45, 28/02/2016
Để làm rõ vấn đề này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội - đơn vị thường trực triển khai Chương trình 04 của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".
Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi. |
Đã được triển khai bền bỉ, sáng tạo
- Thưa ông, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được triển khai như thế nào?
- Tôi khẳng định, vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm; các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương và số đông cộng đồng dân cư nhiệt tình hưởng ứng. Trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành ủy, UBND thành phố đã coi việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các ngành, các địa phương tận dụng thế mạnh sẵn có để triển khai thực hiện. Bởi thế, từ năm 2008, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Xây dựng một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ”, góp phần kế thừa và phát triển có chọn lọc nét văn hóa ứng xử của người Hà Nội, khắc phục dần những điều chưa chuẩn mực trong lối sống, nếp sinh hoạt, quan hệ giao tiếp của cộng đồng dân cư ở “vùng lõi” Thủ đô. Năm 2009, quận Tây Hồ bắt đầu xây dựng mô hình “phường văn hóa”; quận Hà Đông tiên phong vận động nhân dân tổ chức việc cưới trang trọng, tiết kiệm, văn minh với mô hình cưới không quá 40 mâm cỗ. Việc tang trên địa bàn huyện Đông Anh dần định hình nếp sống văn minh nhờ thực hiện đề án “Tang văn minh, tiến bộ”…
Sau Đại lễ, nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được cụ thể hóa trong Chương trình 04 của Thành ủy. Đến nay, nhiệm vụ này được các ngành, các địa phương thực hiện sáng tạo, hiệu quả.
- Những nội dung trọng tâm của Chương trình 04 là gì, thưa ông?
- Nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh rất rộng, nhưng theo tôi nó gồm hai phần cơ bản là xây dựng môi trường văn hóa và con người văn hóa. Hai nội dung này có mối quan hệ biện chứng với nhau, xây dựng môi trường văn minh, thanh lịch, tiến bộ sẽ góp phần tạo ra những con người văn hóa, ngược lại những con người văn hóa sẽ là chủ thể xây dựng, giữ gìn môi trường văn hóa.
- Ông có thể cho biết rõ hơn những kết quả đạt được?
- Kết quả của việc xây dựng môi trường văn hóa có thể nhìn thấy trên nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm cả môi trường cảnh quan, giao thông, đô thị… song tựu chung lại nó thể hiện rõ nhất qua các mô hình văn hóa. Trong việc bình xét các danh hiệu văn hóa, dù Hà Nội đưa ra các tiêu chí cao hơn, khắt khe hơn so với quy định chung, song tỷ lệ hộ gia đình, làng, tổ dân phố, đơn vị đạt chuẩn danh hiệu văn hóa của Hà Nội vẫn cao hơn mức trung bình của cả nước. Đến năm 2015, Hà Nội có 85% số gia đình; 55% làng, 70% tổ dân phố đạt chuẩn danh hiệu văn hóa. Mô hình cưới, tang văn minh đã được nhân rộng ra toàn thành phố; mô hình xây dựng xã, phường đạt chuẩn văn minh đô thị được nhiều địa phương triển khai. Cùng với việc nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, hệ thống công trình, sản phẩm văn hóa, di tích lịch sử được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ, tôn tạo trong những năm vừa qua cơ bản đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa của nhân dân.
Về xây dựng con người, điểm tiến bộ dễ nhận thấy nhất là ý thức tham gia giao thông có sự chuyển biến tích cực. Cách ăn mặc, nói năng, hành vi giao tiếp, ứng xử chuẩn mực hơn. Trong nhiều gia đình, ông bà, cha mẹ là những tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo. Nhìn rộng hơn, mọi người, mọi nhà, mọi ngành đều quan tâm xây dựng con người phát triển toàn diện. Ngành Y tế không ngừng đầu tư mở rộng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; ngành GD&ĐT đưa bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh” cho học sinh vào giảng dạy; ngành LĐTB&XH tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động…
Cần khơi dậy, phát huy những giá trị tốt đẹp
- Nhìn vào thực tế, nhận định của ông là đúng, nhưng có một số ý kiến thể hiện sự lo ngại về chất lượng các danh hiệu văn hóa, sự lo ngại trước tình trạng xuống cấp về văn hóa, lối sống, lối ứng xử của một bộ phận người Hà Nội hiện nay, nhất là lớp trẻ. Ông lý giải thế nào về điều này?
- Tôi không phủ nhận văn hóa và con người Hà Nội còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Đâu đó vẫn còn những người phóng uế bừa bãi; hút thuốc lá ở cả những nơi có biển cấm hút thuốc; treo, dán quảng cáo không đúng nơi quy định; rồi nói tục, chửi bậy, đánh nhau… Nhưng khi đặt các trường hợp này trong mối quan hệ tổng thể, rõ ràng hiện tượng này không phổ biến. Hiện tượng phổ biến vẫn là cái hay, cái đẹp. Điều đó lý giải tại sao, nguyên thủ một số quốc gia đến Hà Nội có thể ung dung dạo Bờ Hồ, thăm phố cổ, thăm nhà thờ; khách du lịch liên tục bình chọn Hà Nội là một trong những điểm đến an toàn, hấp dẫn nhất khu vực… Quan sát kỹ hơn, chúng ta còn có thể nhận thấy giá trị văn hóa của Hà Nội thẳm sâu trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, các sản phẩm công nghiệp, sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm làng nghề. Từ đó, có thể khẳng định, nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội không mất đi mà nó tiềm ẩn, lặn sâu, hiện nay chúng ta chưa khơi dậy, phát huy được.
- Văn hóa ứng xử của người Hà Nội là vấn đề đáng bàn, đáng quan tâm nhất trong lộ trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải không, thưa ông?
- Đúng vậy! Tôi cho rằng, lối ứng xử giữa con người với con người, với gia đình, với công việc, với môi trường tự nhiên, xã hội… là biểu hiện rõ nhất về văn hóa của một con người, một gia đình, một cộng đồng dân cư và rộng hơn là một vùng, miền, quốc gia, dân tộc. Trong xã hội đương thời, một số vấn đề, hiện tượng còn tồn tại, một số hành vi được cho là thiếu văn hóa diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có Hà Nội suy cho cùng do lối ứng xử thiếu chuẩn mực hoặc lệch lạc mà ra.
Phải có những “quy ước” chung để thực hiện
- Vậy Hà Nội sẽ làm gì để lấy lại “tiếng thơm”, thưa ông?
- Trong tâm thức của nhiều người, người Hà Nội từ xưa đã nổi tiếng với nếp sống thanh lịch, văn minh, với lối ứng xử nhân ái, nghĩa tình. Để có thể khơi dậy, nhân lên lối sống, lối ứng xử tốt đẹp ấy, từng bước đẩy lùi những hiện tượng, hành vi làm xấu hình ảnh Thủ đô, Sở VH&TT Hà Nội được giao nhiệm vụ chủ trì đề án “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội” làm “quy ước” chung cho người dân Thủ đô. Sau quá trình nghiên cứu, khảo sát, tham vấn ý kiến các nhà khoa học và đại diện các tầng lớp nhân dân, bộ khung quy tắc ứng xử dành cho 6 nhóm khách thể: Cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu vực dân cư, khu vực công cộng đã định hình.
Phân tích kỹ, các nhà quản lý xét thấy đa số các nhóm khách thể nói trên chỉ cần thực hiện tốt các quy định đã có của các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cùng với các quy định của pháp luật hiện hành đã có thể hình thành lối sống đẹp, hành vi ứng xử chuẩn mực. Chỉ riêng khu vực công cộng chưa có quy định rõ nên Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo ngành Văn hóa tập trung xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng với những quy định về chuẩn mực ứng xử nơi công cộng.
- Thưa ông, một số quy định mang tính quy phạm pháp luật, chẳng hạn như việc người lớn và trẻ em trên 6 tuổi ngồi trên xe máy khi tham gia giao thông bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm vẫn có rất nhiều người không thực hiện, vậy bộ quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng quy định thế nào để người dân có thể tự giác điều chỉnh thái độ, hành vi chưa phù hợp?
- Trong Dự thảo bộ quy tắc, chúng tôi đưa ra 3 cấp độ, gồm những điều nên làm, không nên làm và không làm. Người dân có mặt tại địa điểm công cộng không gây tiếng ồn, không sử dụng, kích động, đe dọa bạo lực, không phóng uế bừa bãi, không hút thuốc; không nên chen lấn, xô đẩy, không nên quát mắng, nói cười quá to, cởi trần, mặc đồ ngủ; nên giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em, nên nói lời cảm ơn, xin lỗi, nên bảo vệ cảnh quan môi trường… Tại khu vực tín ngưỡng, tôn giáo, người dân không thực hành, ủng hộ mê tín dị đoan, không xâm phạm cảnh quan; không nên đốt nhiều vàng mã, ăn nói thô tục, mặc đồ quá ngắn… Khách đến bến tàu xe không chen lấn, xô đẩy; không nên ăn uống làm mất vệ sinh, mang vật dụng, hàng hóa độc hại, dễ cháy nổ…
- Hiện có những việc không nên làm mới chỉ dừng lại ở sự vận động, không có chế tài xử lý kèm theo nên khó thực hiện, vậy Bộ quy tắc có khắc phục được tình trạng này?
- Khi chúng tôi đưa ra lấy ý kiến phản biện, nhiều ý kiến cho rằng, về mặt khoa học thì nội dung Dự thảo bộ quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng là hợp lý, nhưng để triển khai thì các tiêu chí nên rút gọn hơn nữa, chỉ cần những điều nên làm và không làm. Đây là vấn đề chúng tôi rất băn khoăn, bởi nếu quy định những điều không được làm thì phải có chế tài xử phạt đi kèm, trong khi bộ quy tắc ứng xử nhằm mục đích định hướng, điều chỉnh và quy chuẩn lời nói, thái độ, hành vi của người dân cho phù hợp với chuẩn mực và giá trị chung, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Tôi lấy ví dụ thời gian trước, hình ảnh một cô á hậu ngồi trên đầu bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội đăng trên phương tiện thông tin đại chúng với dòng chú thích “Thiếu nữ bên bia Tiến sĩ” bị dư luận lên án rất gay gắt, nhưng trên thực tế các cơ quan chức năng không thể xử phạt cô gái đó về hành vi phản cảm này, vì không có quy định nào cấm người ngồi trên đầu bia. Trong trường hợp cụ thể này, “nhiệm vụ” của quy tắc ứng xử là hướng dẫn để cô á hậu đó biết hành động ngồi lên bia là không nên. Quy tắc ứng xử nằm ở góc độ đó nên rất khó xây dựng, nhưng cần phải có để định hướng hành vi. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục lấy ý kiến phản biện từ nhiều đối tượng để hoàn thiện và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II năm nay, sau đó sẽ triển khai trong thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung cho hoàn thiện.
- Bộ quy tắc dự kiến áp dụng riêng cho cư dân Hà Nội hay cho mọi đối tượng sinh sống, lao động, học tập, du lịch trên địa bàn thành phố, thưa ông?
- Tất nhiên, bộ quy tắc sẽ áp dụng đối với mọi đối tượng sinh sống, lao động, học tập trên địa bàn TP Hà Nội, áp dụng với cả những người chỉ đi qua, lưu trú một vài ngày.
- Với rất nhiều quy định, e rằng chúng ta khó có thể tuyên truyền đến tất cả các nhóm đối tượng để họ thực hiện?
- Tôi nghĩ rằng, chúng ta không phải lo lắng quá. Tại sao ở Việt Nam chúng ta vẫn biết nước Singapore phạt hút thuốc lá nơi công cộng rất nặng, đó chính là nhờ công tác tuyên truyền mà có. Ngay từ bây giờ, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói chung, về Dự thảo bộ quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng nói riêng đến mọi đối tượng. Mặt khác, trong quá trình triển khai, chúng tôi sẽ tìm cách diễn giải các quy định sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, người không biết chữ, người nước ngoài nhìn vào cũng có thể hiểu và thực hiện đúng. Với nền tảng văn hóa sẵn có cộng với các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc tích cực của các ngành, các địa phương, thái độ hợp tác, hưởng ứng của nhân dân, tôi tin văn hóa và con người Hà Nội trong tương lai không xa sẽ phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô trong tình hình mới.
- Trân trọng cảm ơn ông về nội dung đã trao đổi!