Quạnh quẽ lăng đá Quận Vân
Văn hóa - Ngày đăng : 06:40, 28/02/2016
Một góc lăng đá Quận Vân tại xã Vân Tảo, huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt |
Di tích quốc gia quanh năm ngập nước
Lăng đá Quận Vân nằm ở cánh đồng thôn Nỏ Bạn, chỉ cách một con đường bê tông là đến khu dân cư. Cách đó không xa là di tích đình, chùa và giếng cổ của thôn Nỏ Bạn. Lăng đá là khu mộ của Quận công Đỗ Bá Phẩm (Quận Vân). Ông là người gốc ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Quận công Đỗ Bá Phẩm làm quan nội thị vào các triều vua Lê Dụ Tông, Lê Duy Phường, Lê Thuần Tông, rồi làm quan tại phủ Chúa Trịnh, sau đó giữ chức Trấn thủ Sơn Nam, được ít năm thì bị Chúa Trịnh Giang phế chức. Năm 1733, thấy thế đất ở cánh đồng thôn Nỏ Bạn hợp phong thủy, ông cho người chở đá từ Quảng Ninh về xây lăng mộ, làm nơi an nghỉ. Tuy nhiên, khi lăng mộ chưa kịp hoàn thiện thì gian thần trong triều dèm pha có mưu đồ làm phản nên ông bị đày ra Quảng Ninh và mất ở đó.
Năm 1915, đê Sông Hồng, đoạn qua thôn Xâm Thị (xã Hồng Vân) bị vỡ, lăng mộ bị vùi sâu dưới lớp đất phù sa, trên mặt đất chỉ còn chỏm của nhà 8 mái, đầu của hai quan hộ pháp, đầu voi và đầu ngựa. Dân làng Nỏ Bạn ai cũng biết khu lăng mộ, nhưng phải đến tận năm 1986, khi địa phương có chủ trương cải tạo đất tại khu vực này lăng mộ mới có điều kiện lộ thiên. Lăng mộ được bảo toàn gần như nguyên vẹn cùng hệ thống linh vật thuần Việt độc đáo với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo từ đá nguyên khối.
Khu lăng mộ nằm trên diện tích rộng khoảng 2.000m2, chia 3 phần rõ rệt: cổng lăng, khu sinh phần và nhà mộ. Năm 2001, lăng mộ được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cùng với đình, chùa Nỏ Bạn (cũng là Di tích lịch sử văn hóa) tạo thành quần thể di tích mang nét văn hóa riêng. Người được dân làng Nỏ Bạn giao trọng trách đèn nhang lăng mộ là cụ Trương Văn Tuân, năm nay đã 88 tuổi. Gắn bó với di tích đã hơn 20 năm, hằng ngày cụ lóc cóc đạp chiếc xe đạp cà tàng đến chăm sóc lăng mộ. Cụ tâm sự: Mấy năm gần đây, tôi được bà con trong thôn quan tâm, hỗ trợ thêm một năm 2 tạ thóc nên cuộc sống cũng vơi phần khó khăn. Tuổi già như ngọn đèn trước gió, không biết còn đủ sức hương khói cho lăng mộ được hay không… Như một hướng dẫn viên du lịch, cụ Trương Văn Tuân thuyết minh cho tôi khá cặn kẽ, bài bản các họa tiết trên từng vách đá ở từng hương án. Chi tiết nào còn nguyên bản, chi tiết nào phải phục dựng thêm. Cụ Tuân bảo: Khu lăng mộ quanh năm bị ngập nước. Cảnh ấy ai nhìn cũng xót xa, nhưng chúng tôi đành chịu vì di tích nằm trên cánh đồng. Nếu các cơ quan chức năng không có giải pháp thì lăng mộ mãi hiu quạnh và dần sẽ xuống cấp…
Người dân muốn phát tâm… cũng khó
Di tích trong những ngày tháng Giêng có thêm mấy lá cờ hội. Tuy nhiên, người muốn vào mộ phần thắp hương phải bước khéo trên những viên gạch kê ở sân… Với sự tận tâm, nhiệt thành và ngưỡng mộ dành cho di tích, cụ Tuân và người làng Nỏ Bạn tự làm bàn, ghế, trồng cây xanh tạo bóng mát, cảnh quan để lăng được ấm cúng và đẹp hơn. Mức hỗ trợ cho người trông nom di tích chỉ 60.000 đồng/tháng, nhưng cụ Tuân đã bỏ tiền triệu ra để sửa chữa lăng mộ cho dù gia cảnh cũng không khá giả gì. Là cán bộ văn hóa ở địa phương, lăn lộn làm thủ tục trình các cấp công nhận lăng đá là di tích, ông Phạm Gia Phán, Trưởng thôn Nỏ Bạn nói với chúng tôi: Quanh lăng mộ hiện vẫn có bờ bao, nhưng vì nằm thấp hơn hệ thống tưới tiêu nên hay bị ngập. Mưa lớn, lăng có thể bị ngập vài ngày, nhưng nhiều năm qua di tích chưa được đầu tư đúng mức. Với sự góp sức của người dân, chúng tôi mới làm được đường vào di tích. Dân làng cũng đã bàn bạc phải xây tường bao để bảo vệ toàn bộ di tích, phải có hệ thống hào, rãnh để thu nước, khi lăng mộ ngập phải có máy bơm để hút nước… Song, cũng băn khoăn, nếu xây tường bao bằng xi măng thì không phù hợp với kiến trúc của lăng mộ, nhưng nếu làm tường bao bằng đá thì đóng góp của dân e là quá sức…
Về việc này, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Tín cho biết: Cách đây khoảng 3 năm, huyện đã có văn bản gửi UBND thành phố, báo cáo về thực trạng di tích luôn bị ngập, đưa giải pháp là đào hệ thống hào, đặt máy bơm… Sau khi có văn bản báo cáo, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cũng đã về kiểm tra thực tế, nhưng từ đó đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ hồi âm nào. Trong báo cáo đề xuất về kế hoạch tu bổ tôn tạo di tích giai đoạn 2016-2020 gửi các cấp thẩm quyền, chúng tôi vẫn giữ quan điểm phải đưa lăng đá Quận Vân vào kế hoạch tu bổ, tôn tạo sớm để bảo đảm di tích không bị ngâm trong nước…
Lăng đá Quận Vân là Di tích cấp quốc gia nên việc cải tạo, nâng cấp phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền. Vì thế, dù có muốn phát tâm công đức, đóng góp để tu bổ di tích cũng không đơn giản… Nhưng nếu cấp thẩm quyền mãi im lặng thì người dân biết xoay trở ra sao?