Kinh tế thế giới có nguy cơ “trật bánh”

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:27, 28/02/2016

(HNM) - Thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm, tỷ giá của các đồng tiền chủ chốt biến động sau khi Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ, giá dầu không ổn định với xu hướng giảm… là những yếu tố khiến tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu năm 2016 đứng trước nguy cơ

Thúc đẩy phối hợp chính sách và tìm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới trong bối cảnh này là nội dung được các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tập trung bàn thảo trong hai ngày 26, 27-2, tại Thượng Hải (Trung Quốc).

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20 kêu gọi cải cách chính sách tài chính, tiền tệ.


Hội nghị diễn ra vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong gần một thập niên qua dẫn đến tình trạng rút vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi. Vì thế, bên cạnh thảo luận hỗ trợ các nền kinh tế nghèo nhất thế giới tiếp cận tốt hơn các hệ thống tài chính, củng cố các quy định phát sinh, ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế bằng cách chuyển thu nhập ra nước ngoài..., hội nghị còn bàn về chính sách tiền tệ của Mỹ.

Trong một báo cáo về các thách thức của nền kinh tế toàn cầu được công bố trước thềm hội nghị, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định: Tăng trưởng toàn cầu đã chậm lại và có thể bị "sai hướng" do sự bất ổn của thị trường, giá hàng hóa giảm sâu hay các xung đột địa chính trị. Theo nhận định của IMF, sự bất ổn của thị trường tài chính không chỉ siết chặt các điều kiện tài chính tại các nền kinh tế phát triển, làm mất đà tăng trưởng mà còn gây ra làn sóng thoái vốn tại các nền kinh tế mới nổi, kéo theo tình trạng tiền tệ mất giá. Không những thế, giá các mặt hàng cơ bản, đặc biệt là dầu mỏ, lao dốc sẽ gia tăng sức ép lạm phát, gây tổn thương đối với các nước xuất khẩu.

Với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,9% năm 2015 vừa qua - mức thấp nhất kể từ năm 1990 đến nay - nước chủ nhà Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của hội nghị lần này khi không ít ý kiến cho rằng, sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như chính sách tiền tệ biến động với việc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng bất ổn trên thị trường toàn cầu thời gian gần đây. Trong thông điệp gửi tới hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường cho rằng Trung Quốc "có lòng tin trong giải quyết tình hình phức tạp trong và ngoài nước", nhấn mạnh các thành viên G20 cần ưu tiên tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô và tập trung cải cách cơ cấu. Trung Quốc cũng nhấn mạnh ủng hộ sử dụng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời khẳng định không có cơ sở cho thấy đồng nhân dân tệ tiếp tục hạ giá.

Thế nhưng, quan điểm này của Trung Quốc đã không nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia thành viên G20. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble phản đối triển khai một gói kích thích tài chính của G20 vào thời điểm này. Theo ông, các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua nới lỏng tiền tệ có thể phản tác dụng, bởi các chính sách tiền tệ cũng như tài chính đã đạt đến giới hạn, chỉ có cải cách mới có thể khiến kinh tế thực sự tăng trưởng. Ủng hộ quan điểm của Đức, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin và người đồng cấp Mỹ Jacob Lew đều cho rằng, tình hình hiện nay chưa phải là khủng hoảng và không cần tiến hành chính sách mới. Ông Lew cũng nhấn mạnh, Washington muốn chính phủ các nước G20 khẳng định lại cam kết tránh giảm giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu vì biện pháp này "không dẫn tới kết quả tốt đẹp nào". Tuyên bố trên của ông Lew được đưa ra giữa lúc các thị trường tài chính toàn cầu lo ngại việc Trung Quốc có thể tiếp tục hạ giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Lo ngại này đã khiến dòng vốn rút khỏi Trung Quốc trong tháng 12 vừa qua lên tới con số kỷ lục 135 tỷ USD.

Bất chấp nỗ lực của các quốc gia, đặc biệt là đóng góp của các thành viên G20 - chiếm tới 85% GDP của toàn cầu - kinh tế thế giới vẫn đứng trước nhiều khó khăn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,3% xuống còn 3% trong năm nay. Rất nhiều nguy cơ gây bất ổn cho kinh tế thế giới đã được đề cập tại Thượng Hải nhưng việc tìm được một cơ chế để các quốc gia thúc đẩy sự phối hợp về chính sách nhằm hỗ trợ tăng trưởng lành mạnh vẫn còn là vấn đề nan giải.

Tối 27-2, Hội nghị G20 đã bế mạc với việc ra tuyên bố chung cam kết thực thi mọi công cụ chính sách hiện có để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong tuyên bố chung, G20 nhận định, kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi song "không đồng đều và không đáp ứng được tham vọng của các nước về một sự tăng trưởng cân bằng, bền vững và mạnh mẽ". Điểm đáng chú ý là trong tuyên bố chung, các Bộ trưởng G20 không đề cập tới những nguy cơ từ tình trạng suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc.

Đình Hiệp