"Điểm tựa" cho người nghiện sau cai

Đời sống - Ngày đăng : 09:13, 27/02/2016

(HNM) - Để từ bỏ được


15 năm "vướng" vào ma túy, hai lần quyết tâm cai nghiện nhưng đều không thành công, anh Đỗ Văn Chín, phường Ngọc Thụy (Long Biên) tưởng như đời mình đã kết thúc. Nhưng rồi, được sự động viên của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là sự khích lệ, sát cánh của các thành viên trong Đội Hoạt động xã hội tình nguyện của phường, lần thứ 3 cai nghiện, anh đã đoạn tuyệt được với ma túy.

Anh Đỗ Văn Chín cho biết: Chỉ có sự quyết tâm của người nghiện thì chưa đủ, mà cần có sự động viên, khích lệ của gia đình, sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể địa phương. Anh Nguyễn Anh Sơn, phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) cho biết: Anh vướng vào ma túy đã hơn 3 năm. Nhờ sự động viên của gia đình, sự chia sẻ và giúp đỡ của các cô, các bác trong Đội Hoạt động xã hội tình nguyện của phường mới cai nghiện thành công. Không những thế, anh còn được tạo điều kiện vay 20 triệu đồng để mở cửa hàng sửa chữa xe máy, ổn định cuộc sống.

Đảm nhiệm vai trò là tình nguyện viên Câu lạc bộ (CLB) B93 phường Mai Dịch (Cầu Giấy) đã hơn 10 năm, bà Đinh Thị Lan được phân công động viên người nghiện vừa đi cai từ trung tâm trở về tham gia sinh hoạt CLB. Bà Đinh Thị Lan cho biết việc gặp gỡ, trao đổi, động viên các đối tượng tham gia sinh hoạt không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Để thuyết phục, bà phải gặp gỡ cán bộ tổ dân phố trước để tìm hiểu thông tin, sau đó tìm cách tiếp cận đối tượng và gia đình. Với cách làm đó, bà Lan đã giúp đỡ được 8 trường hợp thuộc diện quản lý ra khỏi danh sách quản lý của địa phương. Còn với cựu chiến binh Nguyễn Viết Vân, Chủ nhiệm CLB B93 phường Kim Mã (Ba Đình) đã không ngần ngại bán cả chiếc xe máy là phương tiện đi lại duy nhất của gia đình để mua máy ép nước mía, tạo việc làm cho hội viên. Hay tình nguyện viên Vũ Kim Bằng, phường Đức Giang (Long Biên) đã dùng lương hưu giúp hai thanh niên sau cai nghiện có hoàn cảnh khó khăn học nghề và có việc làm ổn định…

Ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 18.000 đối tượng nghiện thuộc diện quản lý. Riêng năm 2015, thành phố tiếp nhận 3.387 người vào trung tâm cai nghiện và áp dụng biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú đối với hơn 1.400 người. Các đội hoạt động xã hội tình nguyện đã tư vấn trực tiếp cho trên 23.000 lượt người, vận động 700 người đi cai nghiện; giúp đỡ 737 người sau cai về địa phương. Ngoài việc hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe, phòng chống tái nghiện, nhiều địa phương đã tạo điều kiện cho người sau cai vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy đạt được kết quả nhất định, nhưng công tác hỗ trợ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn do tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, đa số người nghiện trình độ học vấn thấp, không có việc làm... Chưa kể, đội ngũ cán bộ hỗ trợ và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng còn thiếu, chưa được tập huấn bài bản về kỹ năng, nghiệp vụ, nhất là tư vấn về phòng tái nghiện. Năm 2014, UBND thành phố đã triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn đối với các đối tượng này. Mặc dù Sở LĐ-TB&XH cùng các cơ quan liên quan đã hoàn thiện hồ sơ, nhưng hai năm qua chưa có trường hợp nào được vay vốn do Ngân hàng Chính sách - Xã hội chưa có vốn để triển khai.

Nhận rõ khó khăn, vướng mắc, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung tuyên truyền, huy động các cấp, ngành, chính quyền địa phương vào cuộc tích cực hơn nữa để giúp đỡ, tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Đặc biệt là khuyến khích sự tham gia của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tăng tỷ lệ người sau cai nghiện có việc làm, ổn định cuộc sống và giảm tỷ lệ tái nghiện.

Nguyên Hoa