Giải quyết kịp thời bức xúc của người dân

Đời sống - Ngày đăng : 09:11, 27/02/2016

(HNM) - Công tác tiếp công dân có vai trò quan trọng trong hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) nhằm tiếp thu phản ánh, kiến nghị của cử tri, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời. Từ tháng 1-2013, việc tiếp công dân đã được thực hiện ngay tại các tổ bầu cử và sự thay đổi này đã giải quyết kịp thời nhiều vụ việc, hạn chế bức xúc trong nhân dân.

Bộ phận tiếp công dân của UBND quận Thanh Xuân tiếp nhận đơn của bà Đỗ Thị Thọ, phường Nhân Chính.


Nắm chắc tình hình, giải quyết dứt điểm

Trước đây, đại biểu HĐND TP Hà Nội chỉ thực hiện tiếp công dân tại trụ sở tiếp dân của thành phố. Từ tháng 1-2013, đại biểu HĐND thành phố đã thực hiện tiếp công dân tại các đơn vị bầu cử. Đây là bước đổi mới quan trọng trong công tác tiếp công dân theo Đề án số 531-ĐA/HĐND của Thường trực HĐND thành phố về "Đổi mới công tác tiếp công dân của đại biểu HĐND thành phố". Số điểm tiếp công dân từ 2 tăng lên 30 điểm, số lần tiếp dân của đại biểu đạt 4-8 lần/năm.

Đại biểu HĐND nhờ đó có điều kiện gần gũi hơn với cử tri, nắm bắt vụ việc cụ thể, kịp thời chuyển, đôn đốc các cơ quan chức năng xử lý hiệu quả phản ánh của cử tri. Đặc biệt, từ đầu năm 2014 đến nay, Thường trực HĐND thành phố còn thực hiện tiếp công dân theo vụ việc, tổ chức định kỳ hằng tháng tại trụ sở tiếp công dân của thành phố (số 34 Lý Thái Tổ-Hoàn Kiếm). Các vụ việc được lựa chọn tổ chức tiếp công dân của Thường trực HĐND thành phố là vụ khiếu nại, tố cáo có nội dung phức tạp, kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, ngành chưa được giải quyết.

Quy trình tiếp công dân của Thường trực HĐND thành phố bao gồm, mời lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã liên quan và công dân có đơn thư trình bày sự việc tham gia. Sau khi lắng nghe, xem xét nội dung vụ việc, trên cơ sở đó có ý kiến kết luận, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền sớm triển khai thực hiện thông báo kết luận bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân, được dư luận và các ban, ngành thành phố ghi nhận, đánh giá cao.

Vụ việc giải quyết khiếu nại ở số nhà 338 đường Ngọc Lâm, quận Long Biên là điển hình. Các bà: Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Lộc được mẹ đẻ là Đàm Thị Doanh ủy quyền thực hiện khiếu nại việc gia đình cho Sở Giáo dục và Đào tạo thuê đất (230m2) từ năm 1960 và Sở này đã giao Trường THPT Nguyễn Gia Thiều quản lý sử dụng làm kho, nhà ăn, sau đó lại cho giáo viên ở.

Các bà có đơn thư đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định trả lại đất thuộc sở hữu hợp pháp của gia đình. Dù đã được hai cấp thụ lý, giải quyết (UBND huyện Gia Lâm và UBND thành phố), nhưng chưa dứt điểm. Sau khi xem xét vụ việc, Thường trực HĐND thành phố đã kết luận, đề nghị UBND thành phố sớm giải quyết dứt điểm; ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, chấm dứt khiếu kiện. Đến nay, vụ việc đã được giải quyết dứt điểm, công dân không có đơn thư, khiếu nại.

Cần sâu sát hơn

Công tác tiếp công dân của đại biểu HĐND thành phố được đổi mới, duy trì lịch tiếp dân theo từng địa bàn, nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Sự có mặt đầy đủ, bố trí thời gian dự tiếp dân theo quy định, lịch vẫn chỉ đa phần ở đại biểu chuyên trách. Còn một số đại biểu kiêm nhiệm chưa tròn vai. Chưa kể, bộ phận tiếp dân ở một số địa phương vẫn chưa tuân thủ đúng quy trình. Đơn cử như ở quận Thanh Xuân, ngày 25-2, công dân Đỗ Thị Thọ (số 30-30A Ngõ 12, phố Chính Kinh, phường Nhân Chính) có đến gửi đơn đề nghị UBND quận Thanh Xuân vào cuộc yêu cầu phía Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hà Nội - Sông Hồng dừng thi công xây dựng tòa chung cư 23 tầng Saphira Palace (số 4 Chính Kinh) vì gây lún, nứt nền nhà, đe dọa tính mạng gia đình bà Thọ.

Dù có đại biểu HĐND thành phố trực tiếp dân tại trụ sở, nhưng bộ phận tiếp nhận chỉ nhận đơn, ghi sổ, chuyển các cơ quan, ban, ngành xem xét giải quyết. Đáng nói, thời điểm nhận đơn chỉ duy nhất có bà Đỗ Thị Thọ là công dân đến gửi đơn, nhưng bộ phận tiếp dân không chuyển đơn cho đại biểu. Giải thích về việc không chuyển đơn ngay cho đại biểu, chuyên viên Văn phòng HĐND và UBND quận Thanh Xuân Đỗ Cao Tiến cho rằng, sự việc của bà Thọ đã được Phó Chủ tịch UBND quận Đặng Hồng Thái chỉ đạo bộ phận tiếp dân nhận đơn, chuyển để xử lý. Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thọ khẳng định đây là lần đầu tiên bà gửi đơn đề nghị đến UBND quận về sự việc trên.

Theo quy trình tiếp công dân của Thường trực HĐND thành phố: Buổi tiếp công dân đều mời lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã liên quan và công dân có đơn để lắng nghe, xem xét nội dung, giải quyết vụ việc. Quy trình này cho thấy hiệu quả rõ ràng, tiến độ xử lý vụ việc nhanh hơn, nhưng ở một số quận, huyện chưa áp dụng triệt để. Mỗi đại biểu HĐND khi tiếp công dân cần lắng nghe, đặt mình vào địa vị của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Chỉ khi hiểu dân, làm tròn trách nhiệm với dân mới có biện pháp giải quyết dứt điểm các vụ việc, giảm bức xúc trong nhân dân.

Theo thống kê của Ban tiếp công dân HĐND TP Hà Nội, từ năm 2014 đến nay, Thường trực HĐND thành phố đã xem xét trực tiếp 23 vụ việc, hiện nay đã có 15 vụ giải quyết xong, 8 vụ đã có văn bản trả lời đang tiếp tục giải quyết, 3 vụ đang trong thời hạn giải quyết nhưng chưa có văn bản trả lời.

Từ năm 2011 đến nay, đại biểu HĐND thành phố đã tiếp nhận và xử lý trên 9.708 đơn của công dân. Các đơn của công dân chủ yếu về các lĩnh vực: Tranh chấp nhà đất, chính sách trong GPMB, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tố cáo cán bộ cơ sở làm trái các quy định của pháp luật, khiếu nại về các quyết định hành chính, quy định về chế độ, chính sách...

Sau khi tiếp nhận, xem xét, nghiên cứu, đại biểu HĐND thành phố đã chuyển kịp thời đến cơ quan, người có thẩm quyền để giải quyết theo quy định 2.215 đơn, đôn đốc giải quyết 535 đơn và hướng dẫn công dân 203 đơn, trả lời theo phiếu chuyển đơn 1.012 đơn, số lượng đơn thư lưu 6.755 đơn (do trùng đơn, trùng vụ việc).

Việt Tuấn