Cơ hội kết thúc bạo lực đẫm máu
Thế giới - Ngày đăng : 08:42, 27/02/2016
Hy vọng về một tương lai hòa bình cho người dân Syria lại được nhen nhóm. |
Để bảo đảm tính hiệu quả của thỏa thuận được xem là kết quả của nhiều nỗ lực ngoại giao giữa Nga và Mỹ, ngày 26-2, hai nước này đã đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) dự thảo nghị quyết về ủng hộ quy chế ngừng bắn tại Syria. Theo kế hoạch, HĐBA LHQ nhóm họp vào 3h ngày 27-2 để xem xét thông qua văn kiện này.
Theo dự thảo, mọi hoạt động chiến đấu tại Syria sẽ phải ngừng vào sáng 27-2, giờ Damascus. Quân đội Syria và các nhóm đối lập tại đây sẽ phải khẳng định bằng văn bản về việc tuân thủ thỏa thuận này. Trước đó, họ đã thông báo đến Nga và Mỹ việc "đã chấp nhận và tuyên bố tuân thủ các điều kiện của quy chế chấm dứt các hoạt động chiến đấu" và giờ đây, hai bên tham gia lệnh ngừng bắn.
Điểm mấu chốt trong thỏa thuận mới là đã vạch rõ những vùng lãnh thổ sẽ thực thi lệnh ngừng bắn, loại trừ một số khu vực mà Nga, Mỹ và quân chính phủ đang không kích nhằm vào Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Do quan điểm đan xen phức tạp của các phe phái tại Syria, sự trao đổi và phối hợp hành động giữa Nga và Mỹ sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai lệnh ngừng bắn mới.
Thỏa thuận tạm thời này là bước tiếp theo của bản kế hoạch thúc đẩy ngừng bắn tại Syria được 17 nước Nhóm quốc tế hỗ trợ nhất trí tại Hội nghị an ninh Munich ngày 12-2. Những ngày qua, Nga và Mỹ liên tục gia tăng sức ép lên các bên để bảo đảm thỏa thuận ngừng bắn được tôn trọng. Tổng thống Nga Vladimir Putin tự tin tuyên bố rằng thỏa thuận sẽ "thay đổi về gốc rễ" cuộc khủng hoảng tại Syria. Trước đó, Nga công khai cảnh báo chính quyền Syria tại LHQ rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad "có thể phải đối mặt với nhiều hệ quả xấu nếu không tuân thủ đề nghị của Mátxcơva liên quan đến tiến trình hòa bình".
Dù chưa thể coi là một hiệp định đình chiến thực sự nhưng thỏa thuận được ca ngợi như một thành quả ngoại giao mang lại khoảng thời gian ngưng tiếng súng quý giá cho cuộc chiến đẫm máu kéo dài hơn 5 năm qua ở Syria. Sự thành công của thỏa thuận ngừng bắn ở Syria có thể giúp Mỹ và Nga hợp tác để ngăn chặn các phần tử khủng bố bên trong đất nước Trung Đông này. Việc các nước lớn trên thế giới nhất trí về kế hoạch chấm dứt chiến tranh và viện trợ nhân đạo tại Syria sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán về hòa bình tại đất nước mà cuộc nội chiến đã làm hơn 270.000 người thiệt mạng và hơn 4,7 triệu người phải đi tị nạn.
Tuy nhiên, ngay trước khi thỏa thuận đi vào thực thi, dư luận thế giới đều bày tỏ một thái độ "lạc quan trong thận trọng". Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên các bên tham chiến ở Syria đạt được đồng thuận về ngừng bắn. Thế nhưng, những diễn biến trước đó cho thấy các thỏa thuận đều nhanh chóng bị phá vỡ, do những phức tạp liên quan đến nội tình Syria cùng với toan tính, can dự từ bên ngoài. Xác nhận đề xuất của Nga - Mỹ, nhưng Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) - nhóm chính trị đại diện cho quân nổi dậy Syria tham gia đàm phán hòa bình - cho biết sẽ tôn trọng lệnh ngừng bắn trong vòng 2 tuần để "đánh giá cam kết của đối phương". Phe nổi dậy nghi ngại, việc cho phép tấn công IS, nhóm Al-Nursa có thể là "lỗ hổng" để Nga, quân đội Syria lấy đó làm vỏ bọc tiếp tục tấn công lực lượng này.
Quan ngại gia tăng khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố lực lượng dân quân người Kurd tại Syria - một lực lượng bị Ankara coi là phi pháp nên nằm ngoài phạm vi của lệnh ngừng bắn. Trên thực tế, Ankara đã không ngừng pháo kích và đánh bom các hạ tầng và cứ điểm của lực lượng này tại Syria. Bản thân Washington, một bên chủ chốt thúc đẩy kế hoạch ngừng bắn, cũng còn những quan ngại về khả năng thành công của thỏa thuận.
Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura thông báo vòng đàm phán hòa bình mới về Syria có khả năng sẽ được nối lại trong tuần tới. Do vậy, điều quan trọng nhất mà dư luận quan tâm là liệu lệnh ngừng bắn có là tiền đề đưa các bên trở lại bàn đàm phán tại Montreux (Thụy Sĩ) hay không, bởi bài toán Syria chỉ có thể khép lại bằng một giải pháp chính trị. Đây mới là cơ hội thực sự để kết thúc những năm bạo lực đẫm máu tại Syria.