Bài đầu: Cần cơ chế đặc thù
Du lịch - Ngày đăng : 08:08, 27/02/2016
Với diện tích 1.544ha và nguồn ngân sách đầu tư được phê duyệt trong giai đoạn 2008-2015 là 3.256,8 tỷ đồng, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) được kỳ vọng trở thành điểm đến của du lịch - dịch vụ - văn hóa. Thế nhưng, cho đến nay, kỳ vọng vẫn chỉ là kỳ vọng?
Thiếu từ dịch vụ tối thiểu...
Được khởi công từ tháng 10-1999, đến nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của cả dự án và khu các làng dân tộc, các công trình kiến trúc, cảnh quan và không gian văn hóa của 54 dân tộc đã cơ bản hoàn thành. Thực hiện chủ trương "để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình", Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng Văn hóa) đã phối hợp với các địa phương trong cả nước huy động luân phiên hàng nghìn lượt đồng bào các dân tộc về tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa. Đồng bào các dân tộc đã tổ chức sinh hoạt, tái hiện các lễ hội đặc sắc, trình diễn nghề thủ công truyền thống... tạo nên sự hấp dẫn du khách. Đặc biệt, từ tháng 10-2015, các hoạt động của đồng bào các dân tộc đã được duy trì thường xuyên.
Theo ông Lâm Văn Khang, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Quản lý Làng Văn hóa, dù mỗi năm đón tiếp khoảng 250 nghìn lượt khách, nhưng khách chỉ tập trung vào những sự kiện kỷ niệm lớn, còn lại làng luôn ở cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Hiện tại, mỗi năm Làng Văn hóa chỉ có ba hoạt động thường niên. Thứ nhất là hoạt động lễ hội đầu năm, diễn ra trong 1 tuần trước rằm tháng Giêng. Hoạt động thứ hai là ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam diễn ra trong vòng 10 ngày, bắt đầu từ 19-4 đến 28-4. Hoạt động cuối cùng, diễn ra từ ngày 18 đến 23-11, là ngày Đại đoàn kết các dân tộc.
Mục tiêu của dự án là đưa Làng Văn hóa trở thành trung tâm du lịch văn hóa, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, song cơ sở hạ tầng nơi đây chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của khu du lịch. Tham quan Làng Văn hóa xong, du khách phải đi hàng chục kilômét mới tìm được chỗ ăn, nghỉ. Chị Vũ Hoàng Anh, giáo viên Trường THPT Thượng Cát cho biết, mới đây chị đưa học sinh đi tham quan Làng Văn hóa, cả cô và trò đều rất hài lòng về cảnh quan, trừ việc không có dịch vụ đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ tối thiểu cho du khách. "Cô trò tham quan Làng Văn hóa được một lúc thì có người đến thông báo, nếu muốn phục vụ ăn uống thì đặt tiền, sẽ có người đem đồ ăn vào phục vụ. Thật bất tiện" - chị Vũ Hoàng Anh phàn nàn.
...đến kinh phí hoạt động
Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 12-5-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đến năm 2015, đã xác định rõ lộ trình, kế hoạch và nhu cầu vốn hằng năm từ ngân sách nhà nước cấp cho Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, từ năm 2008 đến nay, ngân sách chỉ bố trí đáp ứng được gần 40% nhu cầu theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Đây là khó khăn lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tại khu các làng dân tộc, đặc biệt là trong việc huy động đồng bào tham gia các hoạt động và duy tu, bảo dưỡng các công trình nhà dân tộc. Chính vì vậy, ông Lâm Văn Khang mong muốn trong thời gian tới, Nhà nước cân đối, bố trí tăng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp hằng năm cho Ban Quản lý Làng Văn hóa để sớm hoàn thành công tác đầu tư xây dựng đồng bộ và khai thác, vận hành dự án.
Ở góc độ người làm du lịch, TS Nguyễn Quang Lân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, muốn xây dựng Làng Văn hóa thành điểm sáng của du lịch quốc gia như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì phải đầu tư đúng mức. Theo TS Nguyễn Quang Lân, với diện tích 1.554ha, hoàn toàn có thể xây dựng Làng Văn hóa trở thành một Disney Land của Việt Nam. Nhưng để thực hiện được ý tưởng đó, phải tổ chức dịch vụ vui chơi, giải trí để thu hút du khách.
Chính phủ cần cho Làng Văn hóa cơ chế đặc thù để kêu gọi các nhà đầu tư lớn. Nếu không có cơ chế đặc thù thì rất khó, thậm chí không bao giờ thu hút được các nhà đầu tư lớn - TS Nguyễn Quang Lân khẳng định. Mặt khác, theo bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó Tổng Giám đốc Lữ hành ITC: Làng Văn hóa hiện đã có sản phẩm du lịch, song chưa có sự kết nối các công ty lữ hành, du khách cũng chưa biết nhiều đến sản phẩm du lịch của làng. Chính vì vậy, Làng Văn hóa nên gia nhập Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam để được thường xuyên cung cấp thông tin và tổ chức xúc tiến du lịch. Trước mắt, Ban Quản lý Làng Văn hóa nên thực hiện một cuộc khảo sát để các doanh nghiệp du lịch ngồi lại với nhau bàn bạc, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp.
Còn theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), website của Làng Văn hóa quá sơ sài. Làng Văn hóa cần cải cách website theo hướng xúc tiến, cập nhật thông tin để các doanh nghiệp biết hoạt động của Làng. Bên cạnh đó, có chính sách khuyến mãi các ngày trong tuần và thông tin cụ thể đến các doanh nghiệp lữ hành.
TS Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Lào Cai: Nhiều quốc gia đã xây dựng mô hình Làng Văn hóa. Yếu tố căn bản nhất của Làng Văn hóa là phải có không gian văn hóa dân tộc đích thực, tức là người dân tộc sống thật, chứ không chỉ là mô hình. Làng Văn hóa đã đưa được một vị sư ở chùa Khơ me đến, hoặc đưa người Thái, người Mường đến ở trong dịp Tết vừa rồi là tốt. |