Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long mang giá trị lịch sử lớn

Văn hóa - Ngày đăng : 20:36, 26/02/2016

(HNMO) – Hôm nay (26/2), Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học: Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” phát hiện trong đợt khai quật tại Hoàng thành Thăng Long năm 2012 – 2014, nhằm mục đích khẳng định giá trị, niên đại của ấn gỗ để từ đó đưa ra phương án phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long.

Hình ảnh mặt cắt chiếc ấn gỗ "Sắc mệnh chi bảo" tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long


Trong đợt khai quật năm 2012 – 2014, các nhà khảo cổ đã tìm thấy ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” tại khu vực Vườn hồng (hố khai quật G18, khu G). Ấn gỗ này được tìm thấy trong tầng văn hóa rất nguyên vẹn không bị xáo trộn của thời Trần (thế kỷ 13 – 14) cùng với một số hiện vật thời Trần tiêu biểu khác.

Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” ngay sau đó được các nhà khoa học quan tâm bởi tính độc đáo của nó. Từ tháng 10/2014 đến tháng 12/2015, ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được nghiên cứu chỉnh lý sơ bộ và trưng bày tại nhà N26 – Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, cùng hơn 150 hiện vật tiêu biểu khác tìm thấy tại khu vực 18 Hoàng Diệu, vườn Hồng khu vực Kính Thiên – Đoan Môn.

Trong buổi tọa đàm, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định, chiếc ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được tìm thấy thuộc di tích thời Trần với kích thước 10,5cm. Khi được tìm thấy, chiếc ấn bị vỡ làm 2 mảnh, một mặt ngửa có khắc chữ “chi bảo”. Ngay sau đó, các nhà khảo cổ đã có những bước bảo quản để chiếc ấn giữ được nguyên vẹn hình dạng. “Chiếc ấn nằm ở giữa những di vật điển hình của thời Trần, vì thế, đây có thể là ấn thời nhà Trần khoảng thế kỷ 13 – 14. Ngoài ra, chiếc ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được tìm thấy ở vị trí trung tâm Hoàng thành Thăng Long xưa nên nó mang một giá trị lớn”, PGS.TS Tống Trung Tín cho biết.

Cùng quan điểm về niên đại chiếc ấn, PGS.TS – Nhà giáo nhân dân Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội – Hoàng Văn Khoán đưa ra lập luận rằng, dòng chữ “chi bảo” khắc trên chiếc ấn gỗ tương đồng với nét chữ in trên những đồng tiền cổ thời Trần, căn cứ vào đó để khẳng định niên đại của chiếc ấn gỗ này. PGS.TS Hoàng Văn Khoán cũng đề xuất, với giá trị lịch sử của chiếc ấn gỗ này, Trung tâm bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long nên nghiên cứu những phương án để phát huy giá trị của chiếc ấn để từ đó tôn vinh các giá trị truyền thống của di sản Hoàng thành Thăng Long. Theo PGS.TS Hoàng Văn Khoán, Trung tâm bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long nên xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, rồi tiến hành phát ấn.

Toàn cảnh buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi


Không chỉ xác định niên đại chiếc ấn, GS sử học Lê Văn Lan cũng đưa ra luận cứ mang tính cá nhân về thời điểm hình thành, chủ sở hữu chiếc ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo”. Theo quan điểm của GS Lê Văn Lan, chiếc ấn gỗ nằm trong hệ thống quốc ấn của các vua nhà Trần. Nó được tạo trong vòng 10 ngày (từ ngày 19 đến 29 tháng Giêng năm 1258), ở thời vua Trần Thái Tông.

Những luận cứ mà GS Lê Văn Lan đưa ra vẫn chỉ là những suy đoán bởi theo TS Phạm Quốc Quân, nguyên giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, việc đánh giá niên đại của chiếc ấn cần phải xem xét kỹ lưỡng vì chưa có cơ sở nào để khẳng định chính xác ngày ra đời của chiếc ấn. TS Phạm Quốc Quân cũng khẳng định, ấn gỗ “Sắc mệnh chi phong” mang giá trị lịch sử lớn, vì thế Trung tâm bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long cần nghiên cứu cách thức để giới thiệu rộng rãi chiếc ấn tới đông đảo công chúng, từ đó có thể phát huy hơn nữa những giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long.

Đến thời điểm này, những tranh luận về chiếc ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” vẫn diễn ra sôi nổi trong giới khoa học. Tại buổi tọa đàm diễn ra chiều nay, phần lớn ý kiến bước đầu cho rằng chiếc ấn thuộc thời Trần, có thể được đóng trên sắc dụ của vua. Các nhà khoa học cũng cho rằng, trước mắt Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long cần bảo quản ấn “Sắc mệnh chi bảo” cẩn thận, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ niên đại cũng như công dụng, giá trị chiếc ấn.

Về việc có nên tổ chức lễ khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long, các nhà khoa học sẽ kiến nghị cơ quan chức năng để tiếp tục nghiên cứu.

Hoàng Quyên