Cước vận tải giảm lấy lệ trước sức ép dư luận

Kinh tế - Ngày đăng : 10:05, 26/02/2016

Sau khi giá xăng giảm kỷ lục, các doanh nghiệp vận tải hành khách đã giảm giá cước. Tuy nhiên, hầu hết đều giảm lấy lệ, có đơn vị đưa ra mức giảm 1.000 đồng/vé. Trong khi đó, nhiều hãng taxi cước vẫn giậm chân tại chỗ.

Bến xe Yên Nghĩa ngày 25/2.


Nhiều xe khách giảm… 2.000 đồng/vé

Từ đầu năm 2016, giá xăng dầu đã giảm bốn lần. Lần giảm mạnh nhất vào ngày 18/2, đưa giá xăng RON 92 xuống mức 13.750 đồng/lít, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009. Giá xăng thấp nhưng giá cước vận tải thì dường như vẫn đứng ngoài vòng quay giảm giá khiến cho dư luận vô cùng bức xúc.

Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) cho biết, đã có 17 doanh nghiệp đăng ký giảm giá vé và đã niêm yết trên tại quầy vé. Ngoài Công ty Vận tải Hoàng Hà (xe Yên Nghĩa - Yên Bái) giảm 10.000 đồng/vé thì hầu hết đều ở mức “nhỏ giọt”, từ 2.000 - 5.000 đồng/vé. Các doanh nghiệp như: HTX Vận tải Bình Minh (đi Hoà Bình), Công ty ô tô Phú Thọ (đi Phú Thọ), Cty Hải Hưng (đi Hải Dương)… đều có mức giá giảm chỉ… 2.000 đồng/vé.

Còn tại Bến xe Mỹ Đình, mức giảm giá mạnh nhất là 10%, còn lại các doanh nghiệp chỉ giảm giá 1-5%. Có doanh nghiệp như Cty CP Đức Thuận, có 2 nốt xe đi Tân Sơn, Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) chỉ giảm giá 1.000 đồng/vé (tương đương 2%). Công ty CPTM&DV Phúc Hưng có tuyến Mỹ Đình - Hiền Lương giảm từ 67.000 đồng xuống 66.000 đồng/vé (giảm 1%)…

Tại Bến xe Giáp Bát, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Xí nghiệp quản lý bến xe phía Nam cho biết, tính từ đầu tháng 1 đến ngày 25/2 đã có 25 đơn vị vận tải giảm cước trên tổng số 150 đơn vị đang được bến quản lý, tức là chưa đến 20% số đơn vị giảm giá cước và mức giảm không đồng đều giữa các đơn vị. Nhiều đơn vị giảm ở mức 3-4%, có những đơn vị giảm ở mức gần như tối thiểu như Công ty cổ phần Phúc Hưng giảm khoảng 1,54%, Chi nhánh Công ty Cổ phần vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang chỉ giảm 1,45%. Còn nếu tính từ thời điểm gần nhất giảm giá xăng, đến nay chưa có đơn vị nào giảm giá cước vận tải.

Đại diện hãng xe Anh Huy (tuyến Yên Nghĩa - Hải Phòng), đơn vị vừa giảm giá vé 5.000 đồng, xuống mức 70.000 đồng/vé/lượt phân trần: Hiện chúng tôi đã chuyển đi tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Để đáp ứng xe chạy tốc độ cao trên tuyến cao tốc, nhà xe đã phải nâng cấp xe mới. Chính mức phí cao tốc quá cao hiện nay khiến doanh nghiệp rất khó giảm giá mạnh.

Ông Đoàn Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ vận tải Thanh Sơn (Quảng Ninh) cho biết, đã thực hiện giảm giá cước trên toàn bộ các tuyến với mức giảm từ 5-7%. “Chúng tôi đang tính phương án giảm giá tiếp nhưng nếu giảm sâu quá thì đơn vị không có lãi mà còn vấp phải sự phản đối của các nhà xe khác. Ngoài ra, xăng dầu chỉ là một trong số những yếu tố đầu vào quyết định giá dịch vụ, bên cạnh còn nhiều yếu tố khác như việc tăng phí cầu đường, chi phí nhân công tăng… nên việc giảm giá cần tính toán một cách hợp lý”, ông Dũng nói.

Taxi sẽ giảm giá từ 300 - 600 đồng/km

Là người thường xuyên di chuyển bằng taxi, anh Nguyễn Trọng Đông (Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội) bức xúc, xăng giảm đã lâu mà taxi thì không. Anh Đông thông tin, giá cước taxi Mai Linh từ Tết ra vẫn giữ nguyên chưa giảm một đồng nào, mức giá 13.000 đồng/km cho xe nhỏ.

Về việc cước vận tải, đặc biệt là taxi không giảm theo giá nhiên liệu, ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn taxi Mai Linh (doanh nghiệp có hơn 14.000 đầu xe trên cả nước) cho rằng, Nhà nước nên quản bằng giá trần và giá sàn... Ông Hồ Huy cho hay: Ngay từ đầu tuần, dù chưa có phê duyệt của cơ quan chức năng, nhưng Mai Linh đã giảm 500 đồng/km với taxi 4 chỗ và 600 đồng/km với taxi tại địa bàn TPHCM. “Tại các tỉnh thành khác, do các công ty thành viên quyết định, nhưng chúng tôi chỉ đạo giảm ít nhất 300 đồng/km; mức phổ biến là 500 đồng/km”.

Đại diện Mai Linh miền Bắc cũng cho biết, từ sáng 26/2, taxi Mai Linh ở Hà Nội sẽ lập trình lại đồng hồ để giảm giá với mức 300-500 đồng/km tùy loại xe.

Ông Hồ Huy cho rằng: Để đảm bảo sự quản lý của Nhà nước cũng như sự linh hoạt trong hoạt động của doanh nghiệp, nhà nước nên ban hành mức giá tối thiểu và tối đa. Căn cứ vào khung đó, các doanh nghiệp sẽ tự quyết định giá của hãng.

Ngoài hãng taxi Mai Linh, một số hãng taxi khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang “án binh bất động” như: Taxi Sông Mã, Thanh Nga, Vạn Xuân… Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội thông tin, hầu hết doanh nghiệp taxi trên địa bàn đã đăng ký giảm giá cước và được Sở Tài chính chấp thuận. Dự kiến giá giảm từ 300 - 600 đồng/km. Giá giảm chậm chủ yếu do thủ tục xin giảm giá và chờ các sở, ngành liên quan mất khoảng 1 tuần lễ. Đại diện hãng taxi Sông Mã khẳng định, đơn vị đã nộp hồ sơ và sẽ thực hiện giảm cước từ ngày 1/3 với mức giảm 500 đồng/kg, từ 11.000 đồng/km xuống còn 10.500 đồng/km (cho 21km đầu).

Theo Tiền Phong