Phát triển công nghệ vũ trụ: Nhân lực là yếu tố quan trọng nhất
Công nghệ - Ngày đăng : 07:08, 26/02/2016
Buổi giao lưu tìm hiểu về công nghệ vũ trụ tại Trung tâm Vệ tinh quốc gia. |
Đây là dự án đặc biệt quan trọng, hướng tới xây dựng Trung tâm Vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á vào năm 2020. Trao đổi với Báo Hànộimới về vấn đề này, PGS.TS Phạm Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia) khẳng định, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để hiện thực hóa chiến lược trên.
- Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng, hiện Việt Nam vẫn chưa phải là một nước mạnh về CNVT?
- Theo tôi, chúng ta đã phát triển ngành CNVT từ rất sớm. Ngay từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, Việt Nam đã có nhà du hành vũ trụ đầu tiên. Từ năm 2006, Chính phủ phê duyệt Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020 và đây được coi là một bước ngoặt lớn.
Điểm lại một số kết quả rất cụ thể, thấy rõ là mặc dù mới khởi động từ năm 2008 nhưng đến năm 2012 Việt Nam đã phóng vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2. Năm 2013 chúng ta đã phóng vệ tinh quan sát trái đất Pico. Mặc dù có bị chậm, song Đảng và Chính phủ đã quyết tâm đầu tư một dự án mang tính trọng điểm và đây được coi là cú hích rất lớn cho ngành CNVT.
- Được biết, Trung tâm Vũ trụ sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020, ông nhận xét gì về điều này?
- Điều này cho thấy, thứ nhất là Nhà nước ta đầu tư một cách đồng bộ cho một ngành công nghệ mới - CNVT, như Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định khi đề cập tới Chiến lược phát triển CNVT đến năm 2020 của Việt Nam. Thứ hai, lúc đó chúng ta sẽ có một đội ngũ đông đảo, khoảng 300 người được đào tạo bài bản để phục vụ cho ngành này. Thứ ba, chúng ta có điều kiện tiếp nhận, chuyển giao công nghệ vệ tinh của các nước tiên tiến, đặc biệt là Nhật Bản, khẳng định năng lực chế tạo vệ tinh "Made in Việt Nam".
- Có ý kiến cho rằng, đây là trung tâm vũ trụ lớn nhất của Đông Nam Á. Vậy thì Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã có sự chuẩn bị như thế nào về mặt công nghệ cũng như nhân sự để có thể vận hành một trung tâm lớn như vậy?
- Điều chúng tôi lo lắng nhất là đội ngũ cán bộ. Ngay trong dự án đã có một phần quan trọng là đào tạo nhân lực. Chúng tôi đã cử 36 người đi đào tạo trình độ thạc sĩ về CNVT tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cử người đi học quản lý dự án, vận hành dự án. Thời gian tới, Trung tâm sẽ đưa hơn 100 lượt người hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vệ tinh, ứng dụng CNVT đi học tập. Hiện nay, Trung tâm đang xây dựng thêm cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, đến cuối năm 2018 chúng tôi hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt cơ sở kỹ thuật và hình thành đội ngũ nhân lực đủ khả năng vận hành vệ tinh đầu tiên của dự án - dự kiến được phóng vào tháng 3-2019. Chúng tôi đã lên kế hoạch và thiết kế Trung tâm Ứng dụng CNVT; xây dựng đài thiên văn ở Hòa Lạc và ở Nha Trang.
- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển khoa học CNVT của Việt Nam?
- Chúng ta tự tin là đã có được sự đầu tư bài bản. Về phát triển khoa học vũ trụ, ở khu vực Đông Nam Á, hiếm có nước nào được Nhà nước đầu tư đồng bộ như ở Việt Nam. Chuyên gia các nước như Mỹ, Nhật Bản, Pháp và các nước Châu Âu đều đánh giá tiềm năng rất lớn của Việt Nam trong lĩnh vực này. Họ nhìn thấy điều đó thông qua đội ngũ nhân lực, hạ tầng, thiết bị cũng như sự quyết tâm của Chính phủ thể hiện qua phương án đầu tư có trọng điểm, đồng bộ, dài hơi. Chính vì thế mà nhiều nước đã lựa chọn Việt Nam là một trong những đối tác lâu dài trong hợp tác ứng dụng CNVT của khu vực.
- Theo ông, để phát triển ngành CNVT trong giai đoạn hiện nay, yếu tố quan trọng nhất là gì?
- Chúng tôi bao giờ cũng xác định con người là yếu tố quan trọng nhất. Thiết bị có thể bỏ tiền ra mua được, công nghệ có thể được chuyển giao, hạ tầng kỹ thuật có thể xây dựng nhanh chóng nhưng đội ngũ con người thì không thể bỗng chốc mà có được. Sau khi được đào tạo, một thạc sĩ sẽ bắt đầu tham gia vào dự án và các khóa học nâng cao. Như vậy, phải mất 5 năm, thậm chí là 10 năm để có được một người đủ năng lực làm trong ngành CNVT. Bởi vậy, về mặt chính sách, cần có sự ưu đãi cho cán bộ khoa học để có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Thời gian qua, chúng tôi rất tích cực liên hệ với các đối tác nước ngoài, các chuyên gia và các nhà khoa học Việt kiều đam mê CNVT, mời gọi họ cùng với chúng tôi xây dựng ngành CNVT của Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!