Loại bỏ việc “giữ chỗ, xí phần”

Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 26/02/2016

(HNM) -

Bộ GT-VT đang chỉ đạo nghiên cứu 62 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa, trong đó có 42 dự án thuộc lĩnh vực đường bộ, 7 dự án thuộc lĩnh vực hàng không, 6 dự án thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa, 5 dự án thuộc lĩnh vực đường sắt và 2 dự án thuộc lĩnh vực hàng hải. Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý các dự án PPP (Bộ GT-VT) cho biết: Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2016, Bộ sẽ hoàn tất việc lựa chọn NĐT để triển khai 23 dự án theo hình thức xã hội hóa, PPP với tổng mức đầu tư gần 40.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ các NĐT chiếm đa số với 39.425 tỷ đồng.

Một đoạn quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên. Ảnh: Huy Hùng


Trong danh mục 23 dự án đang được gọi đầu tư có thể thấy số lượng các NĐT đăng ký khá lớn. Chẳng hạn, dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (giai đoạn hoàn thiện) có 3 đơn vị đăng ký tham gia, gồm: Liên danh Việt Xuân Mới - IMICO Yên Khánh, Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty Việt Vương. Tuyến đường này có chiều dài khoảng 63,8km, tổng mức đầu tư 3.250 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong tháng 6-2016, hoàn thành vào tháng 6-2017. Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, với chiều dài 23,6km đã có 9 NĐT đăng ký tham gia. Đại diện Ban QLDA Thăng Long (thay mặt Bộ GT-VT quản lý dự án) cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành việc lựa chọn NĐT, ký thỏa thuận đầu tư trong quý III-2016. Trường hợp sau khi công bố dự án và gọi đầu tư nếu có nhiều NĐT đăng ký vượt qua vòng sơ tuyển, việc lựa chọn NĐT sẽ kéo dài tới quý IV-2016. Một dự án PPP lớn khác cũng đang thu hút sự quan tâm của các NĐT là dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch dài 34,28km (28,4km tuyến chính và 5,88km đường nối đến nút giao Thủ Đức). Theo kế hoạch, đơn vị trực tiếp quản lý dự án là Tổng công ty Cửu Long sẽ thực hiện các bước sơ tuyển và đấu thầu lựa chọn NĐT từ quý I-2016 đến quý IV-2016. Đến thời điểm này đã có các NĐT quan tâm, đăng ký, gồm: Liên danh Cửu Long CIPM và Công ty TNHH Xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng Phú Thọ, Tổng công ty Licogi, Tổ hợp KEC-KUMHO (Hàn Quốc), Công ty Samsung Everland, Công ty Tuấn Lộc…

Ông Dương Hồ Minh, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đơn vị có nhiều dự án xã hội hóa nhất dự kiến triển khai trong năm 2016) cho biết: Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đang xin ý kiến Bộ Tài chính về việc đặt trạm thu phí. Nếu được chấp thuận cơ chế chỉ định NĐT thì sẽ khởi công dự án trong tháng 7-2016. Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Cao Phong - Tân Lạc và quốc lộ 12B nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 6 đã lựa chọn được nhà thầu tư vấn, dự kiến tháng 7-2016 sẽ khởi công xây dựng.

Cũng theo Ban Quản lý các dự án PPP, hầu hết trong số 23 dự án PPP đều đã có NĐT tìm hiểu và đăng ký. Ngay cả lĩnh vực đường sắt trước đây vốn không thực sự hấp dẫn các NĐT như lĩnh vực đường bộ thì nay cũng có một số NĐT quan tâm tới chủ trương nhượng quyền khai thác đoạn đường sắt Đà Lạt - Trại Mát (tỉnh Lâm Đồng). Các NĐT đang quan tâm vào dự án này gồm: Công ty CP Thương mại dịch vụ và Khách sạn Bạch Đằng, Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Sài Gòn và Công ty CP Đầu tư thương mại đường sắt Đông Dương…

Khẳng định việc triển khai các dự án giao thông theo hình thức xã hội hóa là nhiệm vụ số một của ngành GT-VT trong năm 2016, song Thứ trưởng phụ trách Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường cũng nhấn mạnh: "Quan điểm của Bộ là chỉ chấp thuận những NĐT có năng lực tốt tham gia thực hiện các dự án và phải kiên quyết loại bỏ những NĐT yếu kém nhảy vào đăng ký chỉ để giữ chỗ, xí phần". Bộ GT-VT yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trong 6 tháng đầu năm 2016 và phải triển khai xây dựng toàn bộ 23 dự án PPP trong những tháng còn lại của năm nay. Đối với những dự án vướng mắc về chủ trương, chính sách, Ban Quản lý PPP phải báo cáo bằng văn bản để Bộ GT-VT làm việc trực tiếp với các cơ quan liên quan. Về phía các Ban QLDA, Bộ yêu cầu phải chủ động xây dựng kế hoạch tiến độ cụ thể cho từng dự án và phải báo cáo định kỳ…

Tuấn Khải