Một con đường dân sinh... trên giấy

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:37, 26/02/2016

(HNM) - Từ khi tuyến đường độc đạo ra nghĩa trang bị dự án Đại lộ Thăng Long

Trạm biến áp gây tranh cãi nằm sát Đại lộ Thăng Long.


Những đám tang ngược Đại lộ Thăng Long

Khi chúng tôi đề cập đến thực trạng những đám tang của Thôn 6 trong nhiều năm qua thường đi ngược chiều trên Đại lộ Thăng Long để ra Nghĩa trang làng Phương Viên, ông Nguyễn Công Thắng (68 tuổi), người dân Thôn 6 nói: "Không có đường, chúng tôi biết đi vào đâu mà chả đi ngược chiều đại lộ? Còn cách nào khác?".

Tìm hiểu vấn đề này được biết, trước đây khi chưa làm Đại lộ Thăng Long, ở khu vực này có một con đường để người dân đi lại trong làng, đồng thời là lối đi duy nhất ra nghĩa trang. Dự án mở rộng và hoàn thiện Đại lộ Thăng Long triển khai nằm trên con đường này và đã tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB), sau đó Ban Quản lý dự án (QLDA) và chính quyền địa phương đã bàn bạc, hoàn trả cho người dân con đường mới ở vị trí ven đại lộ như hiện nay. Nhưng Đại lộ Thăng Long đã hoàn thành hơn 5 năm nay còn đường gom cho dân đi lại vẫn chỉ có ở… bản đồ!

Con đường chạy ven Đại lộ Thăng Long, chiều dài tính từ điểm đầu là đê Song Phương ra đến Nghĩa trang nhân dân làng Phương Viên gần 1km, trong đó, đoạn từ kênh thủy lợi Đan Hoài đến nghĩa trang đã được đổ bê tông (gọi là đường dân sinh số 6), còn đoạn chạy qua Thôn 6 (đường số 9) tuy đã GPMB nhưng chưa thi công nên một số hộ dân và doanh nghiệp đã tái sử dụng để trồng cây, làm đường nội bộ, làm khuôn viên...

Nhùng nhằng giải phóng mặt bằng

Theo khẳng định của Chủ tịch UBND xã Song Phương Nguyễn Đức Khoa, toàn bộ phần đất của người dân nằm trong chỉ giới đường dân sinh số 9 đã nhận tiền đền bù GPMB. Thực hiện công tác GPMB dự án mở rộng và hoàn thiện Đường Láng - Hòa Lạc (hiện nay là Đại lộ Thăng Long), ngày 20-3-2013, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Hoài Đức và UBND xã Song Phương đã tiến hành bàn giao mặt bằng cho Ban QLDA thực hiện thi công đường dân sinh số 6 và số 9 với diện tích gần 3.000m2.

Đến ngày 23-4-2013, UBND xã Song Phương đã có Văn bản số 64/CV-UBND về việc kiến nghị điều chỉnh thiết kế đường dân sinh tại cụm dân cư và cụm công nghiệp nhỏ tại Km11+000 - Km11+500. Công văn nêu rõ: "Sau khi được biết hồ sơ thiết kế của tuyến đường dân sinh do Ban QLDA thông báo để triển khai, chúng tôi thấy rất bất cập, không thuận tiện trong giao thông khu vực. UBND xã Song Phương kính đề nghị Ban xem xét điều chỉnh lại thiết kế tuyến đường dân sinh số 9 theo phương án đã được UBND xã điều chỉnh".

Phúc đáp công văn này, ngày 6-5-2013, Ban QLDA Thăng Long (Bộ Giao thông - Vận tải) đã có Văn bản số 596/PMUTL-DA4, khẳng định: "Việc thi công đường dân sinh số 9 thuộc hệ thống tổ chức giao thông đường gom Đại lộ Thăng Long và cầu chui đê tả Sông Đáy là phù hợp với thiết kế và chỉ giới mặt bằng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; đề nghị chính quyền địa phương giải phóng và bàn giao mặt bằng còn vướng mắc (như các công trình kiến trúc, cây xanh...) cho đơn vị thi công trước ngày 15-5-2013. Nếu không có mặt bằng thì phần thi công đường dân sinh số 9 sẽ không thể triển khai, Ban QLDA Thăng Long sẽ bàn giao nguyên trạng lại cho Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội quản lý".

Làm việc với Ban QLDA Thăng Long, ông Nguyễn Minh Lương, Trưởng phòng QLDA 4 cho biết, sau khi dự án Đại lộ Thăng Long thông xe kỹ thuật vào tháng 10-2010 vẫn còn một số việc dở dang, trong đó có đường kết nối với đường dân sinh số 9. "Thực tế, thiết kế ban đầu của dự án chỉ có con đường kết nối đại lộ với đường dân sinh, về sau chính quyền địa phương kiến nghị làm đường số 9 chạy thẳng ra kênh Đan Hoài, chúng tôi mới báo cáo để đầu tư".

Theo ông Nguyễn Minh Lương: "Đến tháng 5-2013 vẫn chưa hoàn thành công tác GPMB mặc dù Ban và tổng thầu đã huy động đơn vị thi công đến trực máy móc, thiết bị, nhân lực hơn một tháng để sẵn sàng khi có mặt bằng thì triển khai. Chúng tôi chờ đến tháng 7-2013 nhưng xã Song Phương vẫn chưa GPMB xong, rất thiệt hại cho nhà thầu".

Khẳng định quan điểm này, ngày 29-7-2013, Ban QLDA Thăng Long đã có Văn bản số 1174/PMUTL-DA4 gửi UBND xã Song Phương và đơn vị tổng thầu, nói rõ: Trong Văn bản 596/PMUTL-DA4 ngày 6-5-2013 nhấn mạnh mặt bằng sạch phải bàn giao trước ngày 15-5-2013, tuy nhiên đến nay mặt bằng tại vị trí trên hiện vẫn còn trạm biến áp, đường dây điện chưa được di chuyển, không thể triển khai thi công, do vậy Ban QLDA Thăng Long dừng thi công đường dân sinh. Đề nghị UBND xã Song Phương báo cáo UBND huyện Hoài Đức và Sở GT-VT Hà Nội xem xét đầu tư thi công đường dân sinh trong giai đoạn sau.

Trong khi đó, đại diện UBND xã Song Phương và Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện Hoài Đức lại đưa ra thông tin hoàn toàn trái ngược. Theo Chủ tịch xã Song Phương Nguyễn Đức Khoa, thời điểm đó có tồn tại một trạm biến áp nhưng sau khi có kiến nghị của Ban QLDA Thăng Long, vướng mắc này đã được giải quyết. "Toàn tuyến đã hoàn thành GPMB xong trước ngày 15-5-2013, nhưng kể từ đó đến nay không thấy đơn vị thi công quay trở lại" - ông Nguyễn Đức Khoa nhấn mạnh.

Ông Khuất Trọng Kiên, Trưởng ban GPMB huyện Hoài Đức cũng khẳng định việc GPMB ở khu vực này hoàn thành và đã được quyết toán, ngày 30-12-2014, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án Đại lộ Thăng Long đã có Văn bản số 02/HĐ BTHT-TĐC gửi Ban QLDA Thăng Long: "Hiện nay trên phạm vi thu hồi đất để làm đường dân sinh tại xã Song Phương, Hội đồng bồi thường GPMB đã bàn giao mặt bằng nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện thi công làm đường dân sinh.

Do nhu cầu có đường dân sinh cũng như phục vụ đưa người khi quá cố ra nghĩa trang, tại các buổi tiếp xúc cử tri xã Song Phương có nhiều ý kiến rất bức xúc và gay gắt về vấn đề này. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đề nghị Ban QLDA Thăng Long chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện thi công làm đường dân sinh". Thế nhưng ông Nguyễn Minh Lương cũng cho biết, "theo thông tin như vậy của địa phương nhưng đến nay chúng tôi chưa nhận được thông báo là đã GPMB xong".

Như vậy, chính sự nhùng nhằng giữa các đơn vị về công tác GPMB suốt hơn hai năm qua là nguyên nhân con đường dân sinh số 9 đến nay vẫn chỉ tồn tại trên... giấy, khiến hơn 8.000 nhân khẩu làng Phương Viên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trách nhiệm này trước tiên thuộc về chính quyền địa phương, tiếp đến là các đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai dự án Đại lộ Thăng Long. Nếu hai bên tiếp tục "đá" quả bóng trách nhiệm cho nhau thì bao giờ sự bức xúc của người dân được giải tỏa?

Chí Kiên